Chuyên gia: Kinh nghiệm của Liên Xô sẽ hữu ích khi lập ra đồng tiền chung BRICS
08:22 31.08.2023 (Đã cập nhật: 18:05 31.08.2023)
© Ảnh : Fotolia / Björn WylezichBản tệ quốc gia của các nước thành viên BRICS
© Ảnh : Fotolia / Björn Wylezich
Đăng ký
MOSKVA (Sputnik) - Kinh nghiệm của Liên Xô trong việc sử dụng đồng rúp có khả năng chuyển đổi sẽ hữu ích trong việc lập ra đơn vị thanh toán của BRICS, theo nghiên cứu của Roscongress được đăng tải trên Sputnik “Tiền cho BRICS+: từ đơn vị thanh toán đến hệ thống tiền tệ kép”.
“Các nước BRICS+ có thể tận dụng kinh nghiệm của Liên Xô và quay trở lại hệ thống tiền tệ kép gồm hai đơn vị tiền tệ, trong đó một đơn vị chỉ được sử dụng cho các giao dịch ngoại thương, còn đơn vị kia chỉ được sử dụng trên thị trường nội địa”, - các tác giả của nghiên cứu nhận định.
Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS mới đây ở Johannesburg, lãnh đạo các nước thành viên BRICS đã chỉ thị cho các Bộ trưởng tài chính của họ nghiên cứu vấn đề lập ra một hệ thống thanh toán thống nhất. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nói rằng các thành viên của hiệp hội sẽ thảo luận về việc lập ra một loại tiền tệ chung vào năm tới. Các chuyên gia của Roscongress đã phân tích kinh nghiệm thế giới trong việc sử dụng các hệ thống thanh toán quốc tế như: quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Right - SDR) của Quỹ tiền tệ quốc tế, đơn vị tiền tệ châu Âu ECU có trước đồng euro và đồng rúp chuyển đổi của Liên Xô.
Đồng rúp chuyển đổi xuất hiện vào năm 1963, được neo giá với vàng và chỉ sử dụng cho các giao dịch ngoại thương không dùng tiền mặt giữa các nước xã hội chủ nghĩa với nhau. Theo các tác giả nghiên cứu, chính hệ thống tiền tệ kép mà trong đó đồng rúp chuyển đổi là phương tiện thanh toán trong các giao dịch quốc tế, còn đồng rúp tiền mặt đảm bảo hoạt động của nền kinh tế trong nước, là hệ thống phù hợp nhất đối với BRICS.
Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận rằng hệ thống như vậy có thể không phù hợp với tất cả các thành viên của hiệp hội.
"Ý tưởng về hệ thống tiền tệ kép gần với Brazil, Nam Phi và Nga, những nước có cơ cấu xuất khẩu được xây dựng dựa trên nguyên liệu thô. Khi thực hiện, giá trị của đồng tiền quốc gia sẽ phụ thuộc ít hơn nhiều vào giá trên thị trường giao dịch dầu mỏ, kim loại hoặc sản phẩm nông nghiệp”, - báo cáo cho biết.
“Tuy nhiên, đại diện của Trung Quốc và Ấn Độ, những nước xuất khẩu hàng hóa có tỷ trọng giá trị gia tăng lớn với khối lượng đáng kể, bao gồm cả những mặt hàng được làm từ linh kiện nhập khẩu hoặc tích cực bán dịch vụ để xuất khẩu (ví dụ như chương trình phần mềm), vẫn chưa có ý kiến gì về đề xuất khôi phục đồng rúp chuyển đổi trên cơ sở công nghệ mới", - các tác giả thừa nhận.
Trong mọi trường hợp, các nước tham gia BRICS sẽ phải tìm kiếm những giải pháp mới, bởi vì không có một đơn vị thanh toán nào từng tồn tại trong lịch sử ở cấp độ siêu quốc gia lại có thể hoàn toàn phù hợp để sao chép một cách máy móc cả, tài liệu lưu ý.