Điều kiện để Việt Nam có thể nghĩ đến việc tự thiết kế chip từ năm 2030
© TTXVN - Nguyễn Thành ChungThành phố Hồ Chí Minh ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn
© TTXVN - Nguyễn Thành Chung
Đăng ký
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nhân lực ngành chip bán dẫn Việt Nam chưa đủ 20% nhu cầu.
Đến nay, Việt Nam hiện đã đón nhận sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc để tạo ra hệ sinh thái phát triển ngành vi mạch bán dẫn, trước mắt là ở khâu thiết kế và đóng gói.
Tuy nhiên, để có thể tự sản xuất chip và khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết, Việt Nam cần giải bài toán thiếu nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn.
Việt Nam tiến vào phân khúc thiết kế chip
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với hai đại học quốc gia của Việt Nam hôm 6/9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu bất cập cần khắc phục của ngành bán dẫn vi mạch Việt Nam đó là vấn đề thiếu hụt nhân lực.
Thiếu lao động tay nghề cao ngành bán dẫn có thể khiến Việt Nam dễ bị tổn thương hơn và giảm sức cạnh tranh với các đối thủ như Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc hay Malaysia.
Việt Nam hiện đã có chiến lược phát triển ngành vi mạch bán dẫn, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tiềm năng này, đồng thời tiến vào phân khúc thiết kế chip.
Trong nước, việc tự sản xuất chip của Việt Nam cũng đạt một số bước tiến đáng chú ý. Như Sputnik đã thông tin, hồi tháng 8/2022, Viettel đã đề xuất Chính phủ cho tập đoàn tham gia nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa, đồng thời hướng đến xuất khẩu.
Đến tháng 4, FPT công bố thiết kế và sản xuất ba dòng chip nguồn, có hợp đồng cung cấp chip cho đối tác với quy mô 25 triệu sản phẩm chip, dự kiến sẽ xuất khẩu vào hai năm 2024-2025.
Intel đã mở rộng khoản đầu tư nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip tại Việt Nam, nhà máy của gã khổng lồ Mỹ này cũng đã xuất xưởng 3,5 tỷ sản phẩm, đạt doanh thu xuất khẩu 11,5 tỷ USD hồi năm ngoái.
© TTXVN - Nguyễn Thành ChungPhó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ
© TTXVN - Nguyễn Thành Chung
Bên cạnh đó, công ty phần mềm thiết kế chip Synopsys của Mỹ cũng đã bắt đầu các hoạt động tại Việt Nam, đối thủ Marvell cũng có kế hoạch xây dựng một trung tâm "đẳng cấp thế giới", Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm từ các nhà máy sản xuất chip bán dẫn toàn cầu.
Ngoài ra, Samsung hồi tháng ba năm nay cũng cho hay, đã tăng vốn vào nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở Thái Nguyên, đồng thời, nghiên cứu đầu tư sản xuất lưới bóng chip bán dẫn, thử nghiệm vào tháng 5, chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11/2023.
Thêm vào đó, việc sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới giúp Việt Nam được kỳ vọng có thể phá thế độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Không thể phủ nhận, ngành bán dẫn của Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để có thể tìm được vị thế xứng đáng trong chuỗi cung ứng.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Technavio, thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 – 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm.
Theo Technavio, sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Technavio cũng chỉ ra rào cản về thiếu nhân lực chất lượng cao.
Thiếu nhân lực ngành chip bán dẫn
Vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là nhân lực cũng như nguy cơ thiếu nguồn kỹ sư phần mềm chip được đào tạo bài bản, đảm bảo vững chắc cho kế hoạch xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất của các ông lớn chip toàn cầu tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với hai đại học quốc gia Hà Nội và TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi năm, ngành công nghệ thông tin và công nghệ số trong nước cần khoảng 150.000 kỹ sư. Tuy nhiên, theo ông Hùng, số lượng hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 60%.
"Riêng ngành công nghiệp bán dẫn cần khoảng 10.000 kỹ sư nhưng mới chỉ đáp ứng được dưới 20%", - Bộ trưởng cho hay.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị hai ĐHQG Hà Nội và TP.HCM xem đây vừa là thị trường, vừa là trách nhiệm quốc gia về đào tạo nhân lực số cho đất nước.
Bộ trưởng Bộ TT&TT lưu ý, các doanh nghiệp số đang được thúc đẩy để vươn ra thế giới, chinh phục thị trường toàn cầu, đồng thời, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chuyển đổi số toàn cầu. Điều này sẽ được kỳ vọng sẽ tạo ra thị trường nhân lực công nghệ số mạnh hơn ở Việt Nam.
© TTXVN - Nguyễn Thành ChungThành phố Hồ Chí Minh ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn
Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn
© TTXVN - Nguyễn Thành Chung
Ông Hùng cũng cho biết, Bộ sẽ tạo ra sự gắn kết của gần 70.000 doanh nghiệp lớn đầu tư vào các trung tâm IoT của hai đại học quốc gia.
Thời gian tới, để thúc đẩy việc đào tạo nhân lực, Bộ TT&TT sẽ đưa ra báo cáo hàng năm về nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin, công nghệ số để hỗ trợ hai đại học quốc gia cùng nhiều đơn vị khác.
"Bộ TT&TT cũng sẽ tạo ra nhu cầu về nhân lực số thông qua thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển công nghiệp bán dẫn", - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn trong năm 2023.
Bộ TT&TT cũng sẽ đề xuất một số chính sách thí điểm, phát triển công nghệ số tại đại học quốc gia như phòng thí nghiệm quốc gia hiện đại do nhà nước đầu tư, sau đó giao cho chính các đại học quốc gia vận hành.
Thành lập Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn
Trong ngày 6/9, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đã ra mắt Trung tâm Đào tạo điện tử vi mạch bán dẫn (ESC), hướng đến trở thành trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và trên thế giới.
Trung tâm ESC này có mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của Việt Nam và thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch. Các công đoạn này sẽ phục vụ cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp trong nước, củng cố cho mục tiêu định vị TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung là trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới.
Tại buổi ra mắt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý đến vấn đề phát triển nhân lực ngành chip bán dẫn và cho rằng, sẽ không có một ngành công nghiệp điện tử mạnh nếu không xây dựng được một ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn.
Ông Hà lưu ý, công cuộc phát triển còn nhiều gian nan, sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, điều quan trọng nhất là đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, chọn các giải pháp khoa học nhất và hiệu quả nhất.
"Phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản, phải hiểu về công nghệ lõi. Để làm được điều này, Chính phủ sẽ có thay đổi, bổ sung về khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo. Chính phủ cam kết đầu tư các nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, đầu tư cho tương lai", - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trung tâm đào tạo điện tử vi mạch (ESC) được hình thành từ hai trung tâm là trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao SHTP Chip Design Center - SCDC) và Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (International Electronics Training Center - IETC), đều đã hoạt động tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) trước đây.
Theo Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM Nguyễn Anh Thi, việc thành lập các mô hình SCDC và IETC trước đây là bước chuẩn bị hết sức quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược là công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn trong năm 2023.
Trong định hướng phát triển, mục tiêu của ngành điện tử, vi mạch bán dẫn Việt Nam giai đoạn tới là phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước mạnh, còn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phải có chủ đích và được chọn lọc nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp trong nước.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, Việt Nam được cho là hiện chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Phân bổ nhân lực ngành vi mạch của Việt Nam hiện tập trung chủ yếu ở TP.HCM với trên 85%, Hà Nội khoảng 8%, Đà Nẵng quanh mốc 7%. Hiện một số trường đại học của Việt Nam cũng có đào tạo về công nghệ bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Đại học Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).
Việt Nam có tiềm năng về con người hết sức chăm chỉ, ham học hỏi, đội ngũ các nhà khoa học luôn đau đáu với sự phát triển của đất nước. Việc phát triển được hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử sẽ giúp Việt Nam dần nâng bậc và tham gia ngày càng sâu hơn vào các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn.
Theo đánh giá của các hiệp hội vi mạch quốc tế, nếu làm tốt các xu hướng phát triển từ thiết kế, ứng dụng và đảm bảo nguồn nhân lực, Việt Nam có thể nghĩ đến việc tự sản xuất chip từ năm 2030 trở đi.