Động thái “quay xe” của Mỹ có thể thành đòn bẩy cho xuất khẩu Việt Nam
© AFP 2023 / Hoang Dinh Namngành công nghiệp dệt may Việt Nam
© AFP 2023 / Hoang Dinh Nam
Đăng ký
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng Tám của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, GDP Việt Nam năm 2023 có thể đạt 4,7% vào năm 2023.
WB cho rằng, nhu cầu bên ngoài được cải thiện trước mùa Giáng sinh và điều chỉnh tăng tăng trưởng ở Mỹ và Nhật Bản vào năm 2023 giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng lên.
Chờ cú “quay xe” của Mỹ
Theo báo cáo của WB, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng nhẹ 2,6% (so cùng kỳ) vào tháng Tám phù hợp với mức cải thiện khiêm tốn hàng tháng kể từ tháng 5/2023.
“Sự cải thiện này là do sản xuất công nghiệp phục vụ tiêu dùng trong nước tiếp tục mở rộng, bao gồm thực phẩm và đồ uống cũng như xăng dầu”, - theo WB.
Ngoài ra, sản xuất đồ nội thất và dệt may cũng được cải thiện trong tháng Bảy và tháng Tám so với một năm trước đó.
“Điều này phản ánh kỳ vọng nhu cầu bên ngoài được cải thiện trước mùa Giáng sinh và điều chỉnh tăng tăng trưởng ở Mỹ và Nhật Bản vào năm 2023”, - Ngân hàng Thế giới lưu ý.
Ngân hàng Thế giới cho hay, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục giảm lần lượt 7,3% (so cùng kỳ) và 8,1% (so cùng kỳ) vào tháng Tám.
Tuy nhiên, hoạt động xuất-nhập khẩu hàng tháng đã được cải thiện liên tục kể từ tháng Năm, cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu đã có thể đã chạm đáy.
Như Sputnik đưa tin, phát biểu mới đây, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, các nhóm mặt hàng xuất khẩu thời trang, nội thất và đồ gia dụng Việt Nam đã có đà tăng trưởng hết sức ấn tượng.
Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới về nhóm ngành hàng này. Trong đó, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 2 về da giày, thứ 3 về dệt may và thứ 5 thế giới về gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Tuy nhiên, sau thời kỳ phục hồi mạnh mẽ hậu Covid-19, nhóm ngành hàng thời trang và đồ gia dụng của Việt Nam phải đối mặt với những “khó khăn chưa từng có” trong xuất khẩu ra thế giới.
Nguyên nhân chính là do tình hình lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế, sức tiêu dùng suy giảm, đặc biệt với nhóm vật dụng không thiết yếu cùng lượng tồn kho khá lớn sau thời kỳ nhập hàng để phòng ngừa đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng thời trang bao gồm dệt may và da giày của Việt Nam bắt đầu thấm suy thoái kinh tế khi kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm chứng kiến đà sụt giảm tương đối mạnh.
“Trong đó, thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dệt may và da giày Việt Nam - là Mỹ, kim ngạch xuất khẩu lần lượt giảm 22,7% và 32% so với cùng kỳ”, - ông Linh cho hay.
Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực trong tháng 8 khi tăng 7,7% so với tháng trước, đạt 32,37 tỷ USD. Xuất khẩu Việt Nam vẫn đang chờ bùng nổ với những “cú quay xe” từ các đối tác lớn như Mỹ, EU hay Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, trong những tháng cuối năm, xuất khẩu của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn các tháng vừa qua, do một số nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu hàng hóa gia tăng.
Du lịch hồi phục mạnh mẽ
WB cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng lên 50,5 vào tháng Tám sau 5 tháng liên tiếp nằm trong vùng suy giảm (từ tháng 3 đến tháng 7 năm), cho thấy sự cải thiện nhẹ trong điều kiện kinh doanh.
Doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với mức 5,1% so với tháng Bảy nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch (11%- 12%). Trong khi doanh số bán hàng hóa tăng nhẹ thì doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, phần lớn là do sự mở rộng của dịch vụ du lịch và khách sạn ở Việt Nam.
Doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng 11,4% vào tháng Tám phần lớn là do sự mở rộng của dịch vụ du lịch (21,3%) và dịch vụ lưu trú và nhà hàng (10,8%).
Theo thống kê của WB, Việt Nam đón khoảng 1,2 triệu du khách quốc tế trong tháng Tám, tăng 17% so với tháng Bảy phản ánh mùa du lịch cao điểm trong năm.
Lượng khách quốc tế trong 8 tháng đạt 7,8 triệu lượt, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn 30% so với mức trước đại dịch (2019).
Theo WB, lạm phát tính theo CPI tăng từ mức 2,1% (so cùng kỳ) trong tháng Bảy lên 3,0% (so cùng kỳ) trong tháng Tám, đảo ngược xu hướng giảm trong 6 tháng liền kề trước đó, trong đó thực phẩm và nhà ở tiếp tục là hai nguyên nhân chính.
Bất động sản, ngân hàng và niềm tin
Về lĩnh vực ngân hàng, WB cho biết, tín dụng đã tăng từ mức 9,0% (so cùng kỳ) trong tháng Bảy lên 9,4% (so cùng kỳ) vào tháng Tám nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đã ghi nhận trong giai đoạn trước đại dịch và vẫn dưới mức trần tín dụng định hướng hàng năm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra cho 2023 (14%).
“Tăng trưởng tín dụng thấp - bất chấp 4 đợt cắt giảm lãi suất chính sách và lãi suất tiền gửi/cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn từ 3 đến tháng 6 và thanh khoản thị trường dồi dào - phản ánh đầu tư khu vực tư nhân tiếp tục yếu, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản và niềm tin của nhà đầu tư yếu”, - WB lưu ý.
Đồng thời, trong khi sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu có thể đã chạm đáy và tiêu dùng trong nước vẫn ổn định, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư yếu. Những biến động tăng giá gần đây của giá năng lượng toàn cầu đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ về lạm phát CPI.
“Điều này cũng có thể ngăn cản Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Việc tiếp tục duy trì trạng thái thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu cho thấy cần đảm bảo việc quản lý ngoại hối linh hoạt để ứng phó với các điều kiện bên ngoài”, - WB lưu ý.
Việt Nam thu hút FDI bất chấp những bất ổn toàn cầu
Báo cáo của WB chỉ ra rằng trong tháng Tám, cam kết FDI đạt 1,9 tỷ USD, giảm 32% so với tháng Bảy.
Tuy nhiên, cam kết FDI lũy kế 8 tháng lên tới 18,1 tỷ USD, cao hơn 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Giải ngân FDI vẫn ổn định, đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.
Giải ngân FDI lũy kế đến tháng 8/2023 đạt 13,1 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2022.
“Cam kết và giải ngân FDI ổn định phản ánh sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam bất chấp những bất ổn toàn cầu”, - báo cáo của WB chỉ rõ.
Thời gian tới, WB khuyến nghị cần tăng tốc hơn nữa giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Việt Nam cũng nên tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi ưu tiên, cũng như đầu tư vào nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn.
Theo dự báo mới nhất của WB, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ ở mức 4,7% vào năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025.