Việt Nam: Lãi suất trái phiếu bất động sản cao kỷ lục, ngân hàng là trái chủ lớn nhất
© Ảnh : Cộng Đồng Cố Vấn Tài Chính Việt NamÔng Nguyễn Quang Thuân hiện là Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty cổ phẩn FiinGroup
© Ảnh : Cộng Đồng Cố Vấn Tài Chính Việt Nam
Đăng ký
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tổng giá trị trái phiếu đáo hạn cuối năm 2023 là 106.953 tỷ đồng, thì nhóm bất động sản chiếm tới 36% với hơn 38.461 tỷ đồng, sau đó là nhóm ngân hàng với 30.660 tỷ đồng (chiếm 28,6%).
Đáng lưu ý, việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu huy động vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất cao kỷ lục từ 11-15% gây ra nhiều lo ngại về nguy cơ rủi ro thanh khoản.
Áp lực trả nợ trái phiếu rất lớn, nhất là nhóm bất động sản
Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, tính đến ngày 15/9/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa có đợt phát hành nào trong tháng 9.
Trong khi đó, tháng 8 đã có 30 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 30.657 tỷ đồng. Cần lưu ý, các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,02%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 2-5 năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 140.417 tỷ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 11,73% tổng giá trị phát hành) và 113 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 123.941 tỷ đồng (chiếm 88,27% tổng số).
Trái ngược với sự im ắng trong hoạt động phát hành mới, các doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn với 2.225 tỷ đồng tính đến giữa tháng. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 69.840 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51,7% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 87.838 tỷ đồng).
Từ nay đến cuối năm, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn tổng giá trị sẽ đến hạn là 106.953 tỷ đồng. Trong đó 36% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 38.461 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 30.660 tỷ đồng (chiếm 28,6%).
Dữ liệu từ FiinRatings cho thấy, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp những tháng đầu năm 2023 tăng mạnh so với giai đoạn trước, đặc biệt nhóm trái phiếu kỳ hạn 1-3 năm. Tuy vậy, cũng xuất hiện ý kiến băn khoăn về khả năng đảo nợ vì 8 tháng đầu năm nay, bên mua trái phiếu chủ yếu là các tổ chức, định chế tài chính, ngân hàng.
Điển hình, như Sputnik đã đưa tin, có 5 ngân hàng thực hiện 9 đợt mua lại trái phiếu trước hạn trong tháng 8. OCB là ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn nhiều nhất với giá trị lên tới 3.000 tỷ đồng, Sacombank mua lại 1.300 tỷ đồng, HDBank và MSB mua lại 1.000 tỷ đồng, VIB mua lại 300 tỷ đồng.
Lãi suất trái phiếu bất động sản tăng cao kỷ lục
Công ty Cổ phần FiinRatings (FiinRatings) cho biết, tại Việt Nam, hoạt động phát hành trái phiếu gần như đi ngang trong giai đoạn từ năm 2022 đến quý III/2023, quy mô thị trường trái phiếu đã thu hẹp đáng kể.
Thêm vào đó, cả năm 2022, lãi suất huy động bình quân 6,25%/năm, nhưng sang 8 tháng đầu năm nay, lãi suất lên tới 9,17%/năm. Trong đó, nhóm bất động sản duy trì mức lãi suất bình quân lên tới 13,16%/năm so với năm trước là 9,76%/năm. Theo Fiin, các tổ chức phát hành phải nâng lãi suất để tăng cơ hội thành công trong bối cảnh ảm đạm, thậm chí nhiều lô trái phiếu bất động sản phải chào lãi suất lên đến 14-15%/năm.
Một số chuyên gia lý giải, đối với ngành bất động sản, lãi suất trái phiếu lên đến 15%/năm là bình thường vì lợi nhuận gộp của ngành này lên đến 30-40%, thậm chí có nơi lên tới 50-60%. Do đó, doanh nghiệp bất động sản không nhất thiết phải đi vay rẻ mà vẫn có lãi, nhất là với các khoản vay thời gian trả nợ lên tới vài năm.
Tuy vậy, cũng có những ý kiến trái chiều khi doanh nghiệp bất động sản đang huy động lãi suất trái phiếu cao kỷ lục. Điển hình, theo chuyên gia Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn phân tích, lãi suất trái phiếu lên đến 15%/năm chứng tỏ doanh nghiệp "khát" vốn nên phải chấp nhận lãi suất cao. Nguyên nhân, theo ông Quốc Anh, là các chủ đầu tư thường quay vòng vốn, triển khai một lúc nhiều dự án.
"Do vậy, thị trường chững lại, lập tức "đau đầu" vì dòng tiền", - ông Anh đánh giá, trái phiếu là kênh dẫn vốn quan trọng của doanh nghiệp, khi niềm tin thị trường chưa hồi phục hẳn, lại không dễ gì tiếp cận vốn tín dụng, họ phải chấp nhận vay lãi cao.
Nhắc lại thực tế vừa qua doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ nhiều, theo Phó Tổng giám đốc batdongsan.com Nguyễn Quốc Anh, họ kỳ vọng năm sau tốt hơn, dòng tiền sẽ phục hồi trở lại. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn về thời điểm. Ông Quốc Anh nhận định, sớm nhất quý 3 năm sau sẽ "ổn định hơn" dù hiện tại lượt quan tâm đến bất động sản đã tăng lên, các sàn giao dịch trở lại, tuy nhiên dấu hiệu phục hồi chưa rõ rệt.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa đánh giá, biên lợi nhuận bất động sản có thể 30% nhưng trong "điều kiện thị trường bình thường". Ông Quang nói với Tuổi trẻ, giai đoạn 2016-2022, biên lợi nhuận ngành này khá tốt khi giá nhà đất được đẩy lên cao, có dự án lời đến 60%.
Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản gặp khó. Giá phải giảm qua chiết khấu, khuyến mại, hỗ trợ thanh toán trong khi thanh khoản hồi phục chậm nên biên lợi nhuận bất động sản hiện nay ở mức 10-20% là rất khó.
Theo chuyên gia này, các đợt phát hành trái phiếu có lãi suất cao vừa qua là bài toán cân đối dòng tiền thời điểm này để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, chờ đợi thị trường hồi phục dần.
"Cả doanh nghiệp phát hành và trái chủ lúc này đều hướng tới kỳ vọng. Tất nhiên sẽ có độ rủi ro nhất định", - ông Trần Khánh Quang chỉ rõ.
CEO Việt An Hòa cho rằng, cũng chính vì yếu tố "kỳ vọng", cần lưu ý những lô trái phiếu từ đơn vị "tay ngang", thiếu kinh nghiệm vì với ngành này, tính khả thi của dự án rất quan trọng, doanh nghiệp yếu kinh nghiệm sẽ cực kỳ rủi ro.
Rủi ro cao thì lợi nhuận cao
Đánh giá việc phát trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất tầm 12 - 15% trong khi lãi suất ngân hàng khoảng 6-9% thì đây có phải là một biểu hiện bất thường của thị trường hay không, bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVIAM) cho biết, trong đầu tư rủi ro cao thì lợi nhuận cao.
Bà Giao chỉ ra rằng, lãi suất trái phiếu phụ thuộc nhiều yếu tố, rủi ro và sức khỏe tài chính tổ chức phát hành, ngành nghề và thanh khoản. Có thể tổ chức doanh nghiệp lúc đó cũng tốt nhưng họ cần khoản tiền cho một dự án bắt buộc thì sẽ phụ thuộc vào thương thảo mỗi các bên với nhau.
Vấn đề lãi suất tại một thời điểm không phản ánh quá nhiều tổng thể sức khỏe của thị trường. Ngoài ra, trong lô trái phiếu còn có bảo lãnh thanh toán ngân hàng, tài sản bảo đảm tất cả những yếu tố này sẽ hình thành lãi suất trái phiếu như thế nào.
"Với doanh nghiệp bất động sản, nếu họ huy động trái phiếu lãi suất 15% nhưng dự án họ kiếm lợi nhuận 30% thì lãi suất đó không cao, thậm chí huy động 20% là chuyện bình thường. Tôi cho rằng nó không mang tính tổng thể", - chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, với lãi suất trái phiếu ngân hàng, thông thường các ngân hàng chịu nhiều quản trị rủi ro của Ngân hàng Nhà nước nên khả năng mất vốn đầu tư vào trái phiếu ngân hàng thấp, do đó rủi ro thấp nên lãi suất cũng chỉ 5-7% như vậy.
"Tôi nghĩ rằng thị trường và dòng tiền thông minh, có định giá và logic của nó", - chuyên gia bày tỏ.
Ngân hàng là trái chủ lớn nhất
Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, các ngân hàng đang là trái chủ lớn nhất, nắm giữ khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành (không bao gồm trái phiếu ngân hàng).
Tính đến cuối quý 2/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 2,3% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng, giảm so với mức 2,5% vào cuối năm 2022. Trong số đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm một nửa, tương đương 1,2% dư nợ tín dụng của các ngân hàng. Thêm vào đó, kênh huy động từ trái phiếu - chiếm 30% vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản hiện - vẫn đang bị đóng băng và chưa có hướng giải quyết đột phá.
Chứng khoán ACB lưu ý, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới, trong khi áp lực thanh toán sẽ lớn dần khi các trái phiếu đến kỳ đáo hạn vào cuối năm 2023.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho biết, lãi suất vay kỳ hạn dài ở các ngân hàng hiện cũng 11-12% do đó, lãi suất trái phiếu phải cao hơn, nếu không khó hấp dẫn.
Phân tích về mức độ rủi ro, ông Bình cho rằng, điều này phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, mục đích huy động và cách sử dụng vốn. Với 140.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu phát hành 8 tháng đầu năm nay, chuyên gia cho biết chủ yếu là phát hành riêng lẻ, người mua chủ yếu các tổ chức, định chế tài chính, ngân hàng…
"Do vậy họ sẽ có kinh nghiệm, năng lực đánh giá về mức độ rủi ro", - ông Bình tin tưởng nhưng cũng lưu ý, với trái chủ là các ngân hàng, cần xem xét tới nợ xấu, ảnh hưởng hệ thống.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup, hiện nay hơn 2/3 lượng trái phiếu nắm giữ bởi các ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 đã hạn chế công ty bảo hiểm mua trái phiếu để công ty bảo hiểm đầu tư tái cơ cấu nợ.
"Chúng tôi đã khảo sát các quốc gia có thị trường trái phiếu phát triển trong khu vực, ngân hàng vẫn phải là một "tay chơi" lớn", - ông Thuân cho hay.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định để hạn chế, đảm bảo rủi ro tín dụng cho các ngân hàng nhưng về lâu dài vẫn cần tạo hành lang cho họ phân bổ tài sản. Đây là mô hình ngân hàng đầu tư mà ở Việt Nam vẫn còn thiếu khung pháp lý, trộn lẫn với ngân hàng thương mại.
Lãnh đạo Fiin cũng nhìn nhận, về lâu dài, phát hành trái phiếu ra công chúng mới là kênh đầu tư đúng nghĩa. Để thị trường phát triển thì kênh đầu tư ra công chúng phải phát triển, sau đó mới tới kênh thứ cấp.
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư, nếu nhà đầu tư cá nhân không có đủ kiến thức để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì nên thông qua các cố vấn tài chính hoặc các quỹ chuyên nghiệp. Nếu có kiến thức chuyên nghiệp phải tìm hiểu thông tin cẩn thận, đầy đủ, tham khảo kết quả xếp hạng tín nhiệm.