3 ngân hàng bị réo tên vì Tân Hoàng Minh, động thái mới vụ Vạn Thịnh Phát
© Ảnh : Cổng TTĐT Bộ Công anThiếu tướng Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế - Bộ Công an (C03)
© Ảnh : Cổng TTĐT Bộ Công an
Đăng ký
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) cho biết, tại vụ án Vạn Thịnh Phát, các bị can đã lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
Trong quá trình điều tra vụ Tân Hoàng Minh, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng các đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 8.643 tỷ đồng của 6.630 khách hàng riêng lẻ được xác định là bị hại trong vụ án.
Vạn Thịnh Phát lừa đảo hơn 30.000 tỷ của 42.000 nhà đầu tư
Tại cuộc họp báo do Bộ Công an tổ chức chiều 2/10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), cho biết vừa mới đây, cơ quan điều tra đã phát đi thông báo tìm kiếm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Điều tra ban đầu cho thấy từ năm 2018-2020, các nghi phạm liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty con đã vi phạm pháp luật trong quá trình phát hành trái phiếu.
Các bị can đã thực hiện hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
Vì quy mô lớn của vụ án, số lượng bị hại rất lớn nên C03 đã ủy thác cơ quan điều tra công an địa phương để làm việc với những nhà đầu tư liên quan.
“C03 đã có ủy thác cho cơ quan cảnh sát điều tra công an các địa phương, đề nghị các nhà đầu tư có liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát sớm đến làm việc để cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư”, - lãnh đạo C03 khẳng định.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành một lần nữa kêu gọi các nhà đầu tư có liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát sớm đến làm việc với cơ quan điều tra và cung cấp thông tin cần thiết.
Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan đã được C03 khởi tố từ đầu tháng 10/2022. Như Sputnik thông tin, trong quá trình này, C03 đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. C03 cũng khởi tố và bắt tạm giam nhiều bị can khác có liên quan đến vụ án này.
Cuối tháng 3/2023, C03 đã khởi tố và bắt tạm giam 5 bị can thuộc đoàn thanh tra liên ngành đã từng tiến hành thanh tra Ngân hàng SCB, do bà Đỗ Thị Nhàn - Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II của Ngân hàng Nhà nước, làm Trưởng đoàn thanh tra. Bà Đỗ Thị Nhàn bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bà Nhàn và các thành viên đoàn thanh tra thuộc NHNN đã báo cáo “không đúng sự thật” kết quả thanh tra với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến việc giám sát, kiểm sát ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) không kịp thời.
Bị hại được nhận lại 8.000 tỷ khi xét xử xong vụ Tân Hoàng Minh
Đối với vụ án Tân Hoàng Minh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành khẳng định, cơ quan điều tra đã rất nỗ lực.
“Trong vụ án liên quan tới Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Cơ quan điều tra đã rất nỗ lực truy thu để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư. Đây là những nhà đầu tư bị thiếu thông tin nên đã mua trái phiếu rất nhiều tiền. Thậm chí, có rất nhiều khoản tiền cơ quan điều tra phải rất khó khăn mới có thể thu hồi được”, - Phó Cục trưởng C03 nêu rõ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu hồi tổng cộng gần 8.645 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, đảm bảo thi hành án, hoàn trả cho bị hại. Với số tiền thu hồi được, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho biết, đây là vật chứng trong vụ án, do đó, khi đưa ra xét xử, nếu Tòa án tuyên Tân Hoàng Minh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các bị hại có thể nhận tiền sau đó trên cơ sở rà soát, đối chiếu chính xác, đúng quy định của pháp luật.
Phó Cục trưởng C03 nhấn mạnh: “Do số bị hại trong vụ án này là rất lớn, nên trong quá trình xét xử tòa án phải rà soát từng bị hại”.
Như đã thông tin, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố ông Đỗ Anh Dũng và 14 đồng phạm, trong đó có con trai là Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình điều tra xác định, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan để phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, với tổng trị giá 10.300 tỷ đồng.
Mục đích của các bị can trong vụ án Tân Hoàng Minh là để huy động tiền của các nhà đầu tư, nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Ông Dũng sau đó cùng đồng phạm chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng.
Có hơn6.630 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt tiền. Số tiền này đã được bị can Đỗ Anh Dũng nộp lại trong quá trình điều tra, đảm bảo thi hành án, hoàn trả cho bị hại, Bộ Công an cho biết.
VietinBank, Vietcombank, SHB bị réo tên vì Tân Hoàng Minh
Trong một diễn biến đáng chú ý, Bộ Công an đã yêu cầu các ngân hàng thương mại gồm VietinBank, Vietcombank, SHB tổ chức rà soát, kiểm điểm việc cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý tài sản bảo đảm các gói trái phiếu riêng lẻ của các công ty liên quan đến vụ án của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
“Yêu cầu các ngân hàng thương mại gồm VietinBank, Vietcombank, SHB tổ chức rà soát, kiểm điểm việc cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản, quản lý tài sản bảo đảm các gói trái phiếu riêng lẻ của Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông”, - Bộ Công an nêu trong kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT.
Tại SHB Trung tâm kinh doanh (thuộc SHB), đơn vị này nhận tài sản đảm bảo của trái phiếu Ngôi Sao Việt 800 tỷ đồng và Soliel 800 tỷ đồng. Khi thực hiện, SHB Trung tâm kinh doanh ký hợp đồng thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo, nhận giữ bản gốc giấy tờ liên quan tài sản… mà không có quy định về thẩm định hoặc thẩm định lại giá trị các tài sản đảm bảo.
Tài liệu điều tra xác định, SHB Trung tâm kinh doanh chỉ dựa vào chứng thư thẩm định giá của các đơn vị thẩm định giá để ký hợp đồng quản lý tài sản với các tổ chức phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Tại VietinBank Chi nhánh Tây Thăng Long, Bộ Công an cho biết, việc nhận quản lý tài sản đảm bảo cũng chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của công ty thẩm định.
Đối với quản lý tài khoản trái phiếu, VietinBank Chi nhánh Tây Thăng Long cho rằng việc rút vốn khỏi các tài khoản trái phiếu của các tổ chức phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã đúng với phương án phát hành. Sau khi dòng tiền ra khỏi tài khoản, ngân hàng không có thỏa thuận quản lý tài khoản khác nên không biết việc chạy dòng tiền khống.
Tại Vietcombank Chi nhánh Thanh Xuân, các cá nhân tại đơn vị này cũng khai việc rút tiền của tổ chức phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là đúng mục đích, phương án phát hành. Số tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu sau đó được luân chuyển, rút nộp như thế nào, phía ngân hàng không theo dõi do không có thỏa thuận quản lý với khách hàng như quản lý tài khoản trái phiếu…
Bộ Công an lưu ý, theo quy định tại luật Tổ chức tín dụng và giấy phép hoạt động, 3 ngân hàng được phép cung cấp các dịch vụ nêu trên. Thế nhưng, Nghị định 153/2020 và văn bản nội bộ của các ngân hàng lại không có quy định, hướng dẫn thủ tục, quy trình quản lý tài sản đảm bảo, quản lý tài khoản trái phiếu.
“Đến nay, kết quả điều tra không có tài liệu xác định các ngân hàng này có dấu hiệu thông đồng, thỏa thuận với các tổ chức phát hành để phát hành trái phiếu, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, do đó, không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự”, - kết luận khẳng định.
Kiến nghị NHNN rà soát tổng thể
Tại kết luận điều tra về vụ án Tân Hoàng Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát tổng thể các ngân hàng thương mại đang cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm của các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Bộ Công an yêu cầu đánh giá lại tính pháp lý, giá trị tài sản để đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ của tài sản và khả năng thanh toán, thanh khoản khi tổ chức phát hành không trả được gốc, lãi trái phiếu đến hạn.
Các ngân hàng thương mại được yêu cầu phải quy định rõ quy trình, thủ tục tiếp nhận tài sản bảo đảm của trái phiếu, mở tài khoản trái phiếu đảm bảo chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm.
Ngoài ra, các ngân hàng không được ỷ lại vào chứng thư thẩm định giá của các công ty thẩm định giá trong khi mỗi ngân hàng đều có bộ phận thẩm định và quản lý rủi ro để đánh giá tính hợp pháp, khả thi của các loại tài sản bảo đảm trái phiếu.
Yêu cầu các ngân hàng phải giám sát dòng tiền luân chuyển qua tài khoản trái phiếu, không để lợi dụng chuyển tiền ra khỏi tài khoản trái phiếu không đúng mục đích phát hành; quy định trách nhiệm của các ngân hàng khi cung cấp các dịch vụ liên quan phát hành trái phiếu.
Bộ Công an cũng kiến nghị Bộ Tài chính và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan, hoàn thiện quy trình tổ chức và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch công khai, minh bạch; đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được kiểm tra, xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm, tội phạm liên quan.
Xử lý nghiêm về hành chính đối với các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên có sai phạm đã kết luận trong vụ án (đình chỉ kinh doanh; thu hồi giấy chứng nhận đủ điểu kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; thẩm định giá; thu hồi chứng chỉ hành nghề Kiểm toán viên, Thẩm định viên…).