Đại gia Đường Bia đua với Vingroup - Techcombank làm cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành
© Sputnik / Taras IvanovTrung Tâm Thương Mại Vincom Center Bà Triệu
© Sputnik / Taras Ivanov
Đăng ký
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (đại gia Đường Bia), cho biết, Tập đoàn Hòa Bình muốn trở thành nhà đầu tư cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành để mang lại chất lượng “vĩnh cửu” cho tuyến đường huyết mạch này.
Theo đại gia Đường Bia, cả Vingroup và Techcombank đều là những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Bình cũng có nhiều kinh nghiệm. Doanh nghiệp của ông rất mong Việt Nam có cao tốc an toàn và bền vững nhất thế giới.
Đại gia Đường Bia muốn làm cao tốc mang chất lượng “vĩnh cửu”
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao bàn tán về thông tin Hòa Bình bất ngờ tuyên bố muốn "đua" với Vingroup - Techcombank tham gia chọn nhà đầu tư cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành hơn 25.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường (đại gia Đường Bia) đã chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
Vị đại gia khẳng định với báo chí rằng, cho đến nay, mọi thứ Hòa Bình làm đều xuất phát từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Đường mong muốn trở thành nhà đầu tư cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành để đem chất lượng tốt nhất, mà ông cho rằng “có thể nói là vĩnh cửu cho tuyến đường cao tốc huyết mạch này”.
“Cách đây 8 năm, vào tháng 6/2015 tôi đã có đề án xây TTTM miễn phí mặt bằng, 7 trung tâm hỗ trợ và 1 viện nghiên cứu. Trong đó có 1 trung tâm thí nghiệm, thẩm định giá. Trung tâm này đã thí nghiệm và tính toán được giá thành tốt nhất cho từng loại đường dựa trên chất lượng được Nhà nước ban hành”, ông Đường nói với Market Times.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp cho hay, đề án này Hòa Bình đã gửi lên Quốc Hội và Chính phủ vào năm 2015. Đến năm 2017, Hòa Bình đã có cơ hội trình bày với Chính phủ.
Đến tháng 8/2018, Hoà Bình làm đoạn đường mẫu chiều rộng 11m và chiều dài 50m. Theo ông, khi đó ông thấy cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nam vừa làm xong chưa kịp nghiệm thu đã bị hỏng 1 số đoạn nên đã có đơn kiến nghị lên Chính phủ, sau đó được Chính phủ chuyển đơn đến UBND Đà Nẵng để xem xét.
“Tháng 12/2022 Hà Nội làm vỉa hè bằng đá tuổi thọ 70 năm nhưng mới làm xong hơn 1 năm nhiều đoạn vỡ vụn. Tháng 12/2022 Hòa Bình đã làm đoạn hè tiêu chuẩn vĩnh cửu. Hè mẫu này tôi đã thử tải bằng xe ô tô 10 tấn chạy qua”, đại gia Đường Bia cho hay.
Vừa qua, đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vừa khánh thành tháng 1/2021 thì đã phải tốn thêm 750 tỷ đồng để nâng cấp do đường hư hỏng. Tuyến đường có chiều dài 51km, tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, tốc độ lưu thông 80-100km nhưng đầu năm nay nhiều đoạn đã xuống cấp.
“Ngày 30/8, tôi được biết thông tin Tỉnh Bình Phước sẽ đấu thầu đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành theo hình thức PPP. Tôi nghĩ rằng, Công ty chúng tôi quyết định phải tham gia bởi nhiều dự án vừa triển khai đã xuống cấp, những công trình công vừa làm đã hỏng đang gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước, tiền thuế người dân. Chính vì vậy, tôi quyết định sẽ tham gia để làm con đường này”, ông Nguyễn Hữu Đường nói.
Tự tin “đua” với Vingroup - Techcombank
Trước câu hỏi vì sao có thể khẳng định sẽ mang đến chất lượng tốt nhất cho dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, dù Hòa Bình không có thế mạnh cũng như kinh nghiệm trong các công trình giao thông, đường cao tốc, ông Đường cho biết công ty ông “không đi một mình”.
“Chúng tôi là liên doanh 6 công ty lớn mạnh. Trong đó có Công ty Nam Hồng – Công ty Xây dựng đường lớn bậc nhất tỉnh Bắc Ninh, Công ty phát triển Khu công nghiệp, Công ty chuyên làm cầu của Binh đoàn 12, Công ty trải thảm đường...Tôi xin khẳng định rằng đây là liên doanh làm đường hàng đầu tại Việt Nam”, ông Đường chia sẻ.
Theo đó, hôm 31/8, công ty đã quyết định thành lập Ban đầu tư xây dựng. Ngày 4/9, đơn vị cử 1 đoàn 5 người bao gồm 3 chuyên gia Việt Nam và 2 chuyên gia nước ngoài bay vào khảo sát 3 ngày toàn bộ tuyến đường, từng vị trí một để xây dựng báo cáo địa hình địa chất tuyến đường này.
Ngày 06/09/2023, đoàn đã có báo cáo kết quả khảo sát địa chất, địa hình, địa trạng, thủy văn phương án làm đường cao tốc vĩnh cửu (chịu được động đát cấp 8, chịu được môi trường ngập úng đến 6 tháng mà chất lượng không thay đổi).
Đến 12/09 vừa qua, Hòa Bình tổ chức thi công đường mẫu theo thiết kế, với sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia Trung Quốc và chuyên gia Đức.
Từ ngày 25/09 đến 30/09, doanh nghiệp này đã cử một đoàn kỹ sư quay lại dự án để nghiên cứu phát triển khu công nghiệp, nhà ở xã hội, khu nhà máy nước để hỗ trợ cho 2 tỉnh và có bản vẽ quy hoạch diện tích sử dụng đất.
Đến 05/10, Hòa Bình khánh thành đoạn đường mẫu cao tốc và tiến hành thử tải (thử tải tĩnh, thử tải động, thử tải nước). Đoạn đường bao gồm 2 hàng cừ bê tông chắn 2 bên phạm vi con đường dày 45cm và sâu 3m, có thể ngăn ngừa được động đất cấp 8 (khu vực triển khai có khả năng xảy ra động đất cấp 5, cấp 6).
Tuyến còn có tác dụng ngăn nước ngấm vào nền đường gây hư hỏng đường (đây là khu vực có khí hậu mùa khô và mùa mưa, vào mùa mưa thì nguy cơ sói mòn sạt lở cao do lượng mưa lớn và lượng nước từ trên cao đổ xuống).
“Quá trình thử tải các giai đoạn đã đưa ra được kết quả chất lượng và quy trình làm đường cao tốc mẫu của công ty Hòa Bình ưu việt về thiết kế, đạt chất lượng tốt, an toàn, hiện đại, bền vững, tuổi thọ vĩnh cửu. Chúng tôi khẳng định sẽ đưa chất lượng vĩnh cửu này vào dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành nếu được chọn làm chủ đầu tư”, ông Đường nhấn mạnh.
Theo ông Đường, cả Vingroup và Techcombank đều là những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trong khi đó, Hòa Bình cũng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng nhà vĩnh cửu, làm vỉa hè vĩnh cửu, đường cao tốc vĩnh cửu.
“Doanh nghiệp nào trúng thầu thì cũng đều mong muốn đất nước có đường cao tốc an toàn, hiện đại và bền vững nhất thế giới. Đường cao tốc sẽ được mua bảo hiểm, bảo hành có thời hạn, và quan trọng nhất là chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng đường trước người dân, những người đóng thuế và trả phí lưu thông trên tuyến đường cao tốc”, ông nói.
Muốn Việt Nam có cao tốc an toàn và bền vững nhất thế giới
Vị đại gia này cho rằng, trong số các công trình xây dựng công nghiệp thì làm đường là dễ nhất. Tuy nhiên, cái khó nằm ở việc phải quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng.
Theo ông, Hòa Bình có kinh nghiệm thi công các công trình cao tầng, công trình xây dựng cấp I, công trình chống động đất cấp 8 cấp 9 chỉ trong thời gian rất ngắn. Ông dẫn chứng dự án Golden Bay Đà Nẵng quy mô 2 tòa tháp căn hộ khách sạn cao 27 tầng, gồm 3 tầng tổ hợp trung tâm thương mại, casino, rạp chiếu phim… Ngoài ra, còn có 24 tầng căn hộ xây dựng trong 18 tháng để phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng 2017.
Thậm chí, cả công trình có độ khó như khách sạn dát vàng Golden Lake tại B7 Giảng Võ có quy mô 24 tầng và 04 tầng hầm, Hoà Bình cũng chỉ cần 12 tháng để xây dựng.
“Vì vậy, nếu được tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, Công ty Hòa Bình đủ năng lực và kinh nghiệm để triển khai dự án với chất lượng tốt nhất, thời gian nhanh nhất và chi phí thấp nhất”, vị đại gia khẳng định.
Về vấn đề “trách nhiệm xã hội”, ông Đường cho biết công ty ông tham gia đấu thầu dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành là trách nhiệm chính và lớn lao, với mong muốn Việt Nam sẽ có đường cao tốc an toàn và bền vững nhất thế giới.
Theo đó, tiêu chuẩn của tuyến cao tốc này sẽ được áp dụng để đấu thầu chủ đầu tư là các tuyến đường cao tốc tại Việt Nam, qua đó giúp tiết kiệm ngân sách và giảm biên chế do việc phải làm lại đường, duy tu, bảo hành, bảo dưỡng đường. Ông Đường lấy ví dụ, một số cao tốc làm xong chỉ 1, 2 năm đã bị hỏng, phải đại tu, chẳng hạn như cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Vị đại gia khẳng định, Hòa Bình không chỉ làm đường, mà còn góp phần thu hút nhà đầu tư hai bên tuyến đường cao tốc.
Bản thân công ty sẽ tự bỏ chi phí đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng xã hội, bao gồm: xây dựng thêm nhà máy nước sạch dọc hai bên tuyến đường để phục vụ nhu cầu tăng cao; tổ chức xây dựng khu nhà ở xã hội mẫu phục vụ công nhân, quy mô nhà ở cao tối đa 17 tầng, đầy đủ tiện nghi sinh hoạch, căn tin, dịch vụ, trường học… với giá bán tối đa khoảng 12 triệu đồng cho 1 m2 sàn nhà ở.
Ông Nguyễn Hữu Đường cho hay, ngày 28/9/2023, công ty Hòa Bình đã có công văn số 184 gửi Chính phủ đề nghị được tham gia đấu thầu chủ đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành.
Đến ngày 6/10/2023, doanh nghiệp đã nhận được Công văn phúc đáp số 2461 từ Văn phòng Chính phủ.
“Hiện chúng tôi đã gửi công văn cho cho UBND tỉnh Bình Phước và đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định của Nhà nước để tham gia đấu thầu”, ông Đường thông tin.