Việt Nam phải bảo vệ được sự thịnh vượng của mình trên không gian mạng
© TTXVN - Bùi Cương QuyếtBộ trưởng Bộ Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng
© TTXVN - Bùi Cương Quyết
Đăng ký
Bộ trưởng Bộ Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm, Việt Nam phải bảo vệ được sự thịnh vượng của mình trên không gian mạng. Quốc gia nào muốn thịnh vượng thì đều phải thịnh vượng trên không gian mạng.
Kinh tế số của Việt Nam là một trong 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia, bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Việt Nam phải đi con đường Việt Nam
Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 15%.
Đáng chú ý, tại Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%.
Trong đó kinh tế số của từng ngành, lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%
Để đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào nằm 2025, kinh tế số phải tăng trưởng 3-4 lần tăng trưởng GPD.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, chia sẻ mới đây tại Diễn đàn quốc gia về phát triển Kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 14/9/2023 ở Nam Định cho biết, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là một chặng đường dài, là ứng dụng nhiều hơn nghiên cứu.
Các doanh nghiệp công nghệ số muốn thành công thì phải am hiểu bối cảnh Việt Nam. Bài toán Việt Nam sẽ tạo ra lời giải và sản phẩm Việt Nam, tạo ra cách tiếp cận Việt Nam.
"Việt Nam phải đi con đường Việt Nam và vì thế có cơ hội tiến lên đi đầu. Một lý luận về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam có ý nghĩa quyết định", - Bộ trưởng nêu rõ.
Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số.
Kinh tế số được đặc trưng bởi giao dịch online, một thế giới ảo, không giấy tờ, không tiền mặt.
Mọi doanh nghiệp đều sử dụng thương mại điện tử, công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra dịch vụ mới, công việc mới.
Người lao động có kỹ năng số để làm việc. Người dân tự tin và an toàn sử dụng các dịch vụ số.
Chính phủ cung cấp dịch vụ công online, dễ dùng, sử dụng dữ liệu để dịch vụ đáp ứng nhu cầu cá thể hoá của người dân. Chính phủ tạo ra môi trường sống, làm việc online, tạo ra niềm tin trong nền kinh tế số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về 3 trụ cột phát triển kinh tế số Việt Nam
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số của Việt Nam là một trong 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia, bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Phát triển kinh tế số Việt Nam dựa trên 3 trụ cột gồm quản trị số; khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị cho nền kinh tế và phát triển các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó lõi là công nghiệp ICT chiếm 20-30% và 70-80% là kinh tế số ngành được sinh ra do chuyển đổi số các ngành.
"Việt Nam xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", - vị lãnh đạo nói.
Trong đó, công nghiệp hoá là chuyển đổi số lĩnh vực chế biến, chế tạo. Hiện đại hóa là chuyển đổi số toàn diện, cả kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và môi trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số của Việt Nam là toàn dân và toàn diện. Mục tiêu phổ cập số được xác định là quan trọng.
Việt Nam có gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn bản để hướng dẫn người dân chuyển sổi số.
"Chuyển đổi số là phát triển nhanh vì tạo ra kinh tế số có tốc độ tăng trưởng gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP. Chuyển đổi số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên hơn, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu", - Bộ trưởng nêu lợi thế.
Cùng với đó, chuyển đổi số làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc.
Chuyển đổi số là phát triển bao trùm vì bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, nếu có sóng di động và điện thoại thông minh là có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số, không ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam cần bảo vệ sự thịnh vượng trên không gian mạng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại, quốc gia nào muốn thịnh vượng thì đều phải thịnh vượng trên không gian mạng.
Để phát triển kinh tế số Việt Nam thì cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số, niềm tin số. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và thu hút nhân tài số.
Thêm nữa, muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới, cần động lực mới. Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
Bộ trưởng khẳng định quan điểm, dữ liệu là tài nguyên lớn nhất của kinh tế số. Sự giàu có của quốc gia trong tương lai được thể hiện qua dữ liệu.
Bộ trưởng Hùng nhắc, kinh tế số không đứng riêng mà là một nền kinh tế tích hợp, đứng trong nền kinh tế thực, tích hợp vào nền kinh tế thực, làm cho nền kinh tế thực hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Kinh tế số và kinh tế thực bổ trợ nhau chứ không thay thế nhau.
"Cái mới bao giờ cũng cần thể chế mới. Đó là thể chế số. Thể chế số đóng vai trò kiến tạo phát triển số. Nó đảm bảo các hoạt động, giao dịch số được hợp pháp và được luật pháp bảo vệ", - lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ.
Mặt khác, cái mới bao giờ cũng đi với các nguy cơ mới. Bởi vậy, đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng, cũng như các giải pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực của công nghệ số là một phần của chiến lược chuyển đổi số, kinh tế số.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, mục tiêu của phát triển kinh tế số là làm cho người dân giàu có hơn. Mục tiêu của phát triển xã hội số là làm cho người dân hạnh phúc hơn nhờ công nghệ số.
Đây là mục tiêu quan trọng, bất biến trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo, phải được sử dụng một cách đúng đắn, có đạo đức để hướng tới thực hiện những mục tiêu vì con người.
Đại diện Ngân hàng Thế giới – ông Toni Kristian Eliasz, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số - đánh giá lạc quan về kinh tế số của Việt Nam.
"Việt Nam đang có nền tảng vững chắc để ứng dụng số với lượng người dùng Internet cao hơn so với trung bình thế giới, người dùng thiết bị di động 78,6% tương đồng với các quốc gia thu nhập trung bình cao", - đại diện WB cho biết.
Chuyên gia WB cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu thúc đẩy tri thức người dân với những kỹ năng ở cấp độ cao hơn như sử dụng máy tính với các chức năng cao cấp mà điện thoại di động không làm được. Cùng với xếp hạng 27/74 quốc gia về hạ tầng dữ liệu, ông Toni Kristian Eliasz tin rằng, Việt Nam có dư địa lớn để tiếp tục cải thiện về dữ liệu và hạ tầng dữ liệu.
Đại diện McKinsey & Company lưu ý, Việt Nam nên tận dụng kinh tế số để tăng cường và cải thiện năng suất lao động thông qua số hóa và tự động hóa để duy trì cạnh tranh. Chuyên gia McKinsey & Company khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường số lượng nhân tài qua hoạt động nâng cao năng lực, giáo dục đào tạo...