Một số ngân hàng của Việt Nam xin nới room tín dụng

© TTXVN - Dương Văn GiangThống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.10.2023
Đăng ký
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Phạm Chí Quang phát biểu ngày 27/10 cho biết, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng khá tốt đã đề nghị tiếp tục được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023.
Thông tin về chính sách điều hành thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý và không chủ quan với an toàn của hệ thống ngân hàng.

Việt Nam vẫn là nước tăng trưởng cao

Ngày 27/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, bối cảnh kinh tế năm 2023 là vô cùng khó khăn cả trong và ngoài nước.
Thời báo Ngân hàng, cơ quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dẫn lời Thống đốc cho biết, chỉ trong vòng năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, mức lãi suất của FED đã trên 5% và dự báo thời gian tới sẽ có nhiều biến động khó lường, phức tạp; chỉ số USD còn cao. Trong nước, nền kinh tế Việt Nam hội nhập, mở cửa nên chịu tác động không nhỏ từ bối cảnh đầy khó khăn, phức tạp.
Thống đốc nhấn mạnh, trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều giải pháp để tháo gỡ.

"Kết quả cho tới hết tháng 9, kinh tế Việt Nam đã đạt những thành tựu cơ bản: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cải thiện dần từ quý II, nhất là quý III, so với các nước trên khu vực và thế giới, Việt Nam vẫn là nước tăng trưởng cao", - Thống đốc khẳng định.

Với hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành hợp lý.
Tuy nhiên, người đứng đầu NHNN cũng lưu ý, những vấn đề của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp dù đã được quyết liệt xử lý nhưng chưa triệt để nên cũng đã gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng.

Các khoản cho vay mới đã giảm 2,2%/năm

Thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế.
Thống đốc thông tin, dù lãi suất thế giới vẫn neo cao, nhưng NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành tạo điều kiện các TCTD giảm lãi suất cho vay.
"Thống kê cho thấy đối với các khoản cho vay mới đã giảm 2,2%/năm so với cuối năm ngoái", - theo Thống đốc.
Trước những yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này, gói tín dụng cho lĩnh vực thuỷ sản 15.000 tỷ đồng, từ chính nguồn lực của các nhà băng.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.10.2023
Thái độ thẳng thắn của Thống đốc về vụ rút tiền hàng loạt ở ngân hàng SCB
NHNN triển khai nhiều chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước. Thông qua đó để cùng các TCTD tìm ra giải pháp cùng nhau tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, NHNN là đầu mối tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo nghị định 31, phối hợp với các bộ ngành để khảo sát, khó khăn, vướng mắc, báo cáo Chính phủ trong quá trình triển khai.
Thống đốc thẳng thắn nhìn nhận, dù đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng hiện tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm.
"Tính đến ngày 24/10, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022; trong đó tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế", - TTXVN dẫn lời lãnh đạo NHNN cho biết.
Thông tin tại Hội nghị, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 950.000 tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế.
TTXVN/Vietnam+ dẫn lời Vụ trưởng Phạm Chí Quang bày tỏ, xét về cân đối cung-cầu tín dụng cho thấy hệ thống đang dư cung tín dụng rất lớn.
"Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác", - theo đại diện NHNN.

Một số tổ chức tín dụng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cũng nêu cụ thể các nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp.
Thứ nhất là trong bối cảnh khó khăn chung, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng. Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là việc tiếp cận tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.10.2023
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giữ quan điểm kiên quyết
Ngoài ra, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng vay được các tổ chức tín dụng đánh giá cao hơn, khi khách hàng vay không chứng minh được hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo Vụ trưởng Phạm Chí Quang, trước tình hình nền kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, để triển khai và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với biến động của thị trường trong và ngoài nước.
Ông Quang nhắc lại, chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước là điều hành tín dụng linh hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế nhưng không hạ chuẩn cấp tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và không chủ quan với lạm phát.
Đáng chú ý, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, mặc dù tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống hiện còn thấp so với cùng kỳ các năm trước như đề cập ở trên, nhiều tổ chức tín dụng tăng trưởng âm/thấp, hiện dư địa tăng trưởng còn nhiều nhưng có một số ngân hàng đề nghị được nới room tín dụng.
"Nhưng một số tổ chức tín dụng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt và đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2023", - Vụ trưởng Quang thông tin.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát để có phương án điều hành tín dụng những tháng cuối năm 2023 hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, ông Quang cho biết thêm.
Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.10.2023
Tín dụng mới đạt 6,29%, Thủ tướng thúc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất

Không chủ quan với an toàn hệ thống ngân hàng

Thống đốc cho rằng, trong thời gian tới, bối cảnh còn rất nhiều, thách thức, trong khi đó, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống vừa phải tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, người dân doanh nghiệp…
Do vậy, việc xác định giải pháp hỗ trợ nền kinh tế như thế nào là rất quan trọng. Trên tinh thần đó, NHNN tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023.
"Phải chuẩn bị tâm thế, hết khó khăn này sẽ tới khó khăn khác, thách thức này tới thách thức khác, khó có thể đoán định khi nào sẽ "bình yên". Ngân hàng Nhà nước không chủ quan với an toàn của hệ thống ngân hàng, tiếp tục góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", - Thời báo Ngân hàng dẫn lời Thống đốc về định hướng điều hành chính sách khẳng định.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала