Nam giới Việt Nam bị áp lực lớn khi muốn làm đàn ông đích thực

© Depositphotos.com / MilkosHọc online.
Học online. - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.11.2023
Đăng ký
Đàn ông Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn khi muốn làm đàn ông đích thực.
Theo Tuổi trẻ dẫn phát biểu của TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, đưa ra những tiêu chuẩn về đàn ông đích thực cho thấy nam giới còn đang rất đặt nặng tâm lý về giới.
Đồng thời, có những "tiêu chuẩn" về người đàn ông đích thực có thể là độc hại, dẫn đến bất bình đẳng giới.

Thế nào là đàn ông đích thực?

Một khảo sát trên 2.000 nam giới tại nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam về khái niệm "đàn ông đích thực", cho thấy có hàng chục yêu cầu được đặt ra.
Theo đó, đàn ông đích thực phải là người làm chủ gia đình, có vị trí trong xã hội, làm lãnh đạo, vừa biết làm việc nhà vừa phải kiếm nhiều tiền, mạnh mẽ, "nam tính".…
Chia sẻ này được TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) thông tin tại diễn đàn Kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMenNet), với chủ đề "Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác phòng ngừa bạo lực giới: Kết nối để phát triển bền vững", diễn ra sáng 19/11.
TS. Khuất Thu Hồng thông tin, Việt Nam đi chậm hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng vẫn đang cố gắng học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế để thúc đẩy bình đẳng giới.

"Trong nghiên cứu, chúng tôi phát hiện những điều rất thú vị, chẳng hạn như về khái niệm "đàn ông đích thực" rất được xã hội quan tâm. Chúng tôi phỏng vấn 2.000 nam giới ở mọi vùng miền, với câu hỏi: Người đàn ông đích thực là gì và đã ghi nhận được nhiều ý kiến", - TS. Khuất Thu Hồng cho biết.

Vị chuyên gia nêu ra nhiều phẩm chất được những người tham gia khảo sát đề cập khi định nghĩa về "đàn ông đích thực" như: Phải có sự nghiệp, phải kiếm được nhiều tiền, phải làm lãnh đạo, có vị trí trong xã hội, làm chủ công nghệ số, có tay nghề cao rồi gánh vác trọng trách gia đình, phải mạnh mẽ…
Về mặt thể chất thì người đàn ông đích thực phải là người khỏe mạnh, có năng lực tình dục mạnh mẽ, chủ động trong quan hệ với phụ nữ, sẵn sàng sử dụng sức mạnh để bảo vệ danh dự của mình.
"Người đàn ông đích thực cũng phải là người đàn ông của gia đình, trụ cột gia đình, kiếm được tiền, nuôi sống gia đình của mình", - Tuổi Trẻ dẫn phát biểu của TS. Khuất Thu Hồng bày tỏ.
Một gia đình trẻ hạnh phúc ôm một em bé - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.11.2023
Nhiều chính sách khuyến khích phụ nữ Việt Nam sinh con

Áp lực nặng nề của nam giới Việt Nam về "đàn ông đích thực"

Chuyên gia lưu ý, những phẩm chất được nam giới nêu ra trong khảo sát cho thấy nam giới còn đang rất đặt nặng tâm lý về giới.
Theo TS. Khuất Thu Hồng, chính những suy nghĩ (tiêu chuẩn) ấy tác động tiêu cực đến nam giới và bình đẳng giới.
Nghiên cứu được tiến hành cũng cho thấy, đối với nam giới đề cao tiêu chí này thì thường là người có hành vi bạo lực với vợ, người thân của mình.
"Bởi họ bị áp lực cá nhân rất lớn, luôn luôn phải chứng tỏ mình là người đàn ông mạnh mẽ, đích thực. Những "tiêu chuẩn" của người đàn ông đích thực này có thể gọi là "nam tính độc hại" dẫn đến bất bình đẳng giới", - Tuổi trẻ Thủ đô dẫn lời TS. Hồng lưu ý.
Ở góc độ khác, theo TS. Khuất Thu Hồng, những người đàn ông tại Việt Nam hiện nay đang có thay đổi tích cực. Nam giới trẻ tuổi có tư tưởng rất bình đẳng, luôn chia sẻ gánh nặng với phụ nữ, tham gia vào thúc đẩy bình đẳng giới.
Chuyên gia Khuất Thu Hồng cho biết, hiện Viện ISDS đang thực hiện một nghiên cứu từ năm 2019 để có thể ra một cuốn sách về nam giới Việt Nam.
Giáo sư Michael Flood tại Đại học Queensland Australia, một chuyên gia hàng đầu thế giới về huy động nam giới và trẻ em trai trong phòng ngừa bạo lực giới và thúc đẩy bình đẳng giới, phát biểu trực tuyến với diễn đàn, đã chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế về sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong việc ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và xây dựng bình đẳng giới.
Chuyên gia Michael Flood cũng đặt vấn đề, hình ảnh nam tính là phải "đội mũ phớt", là người làm chủ chế ngự gia đình phải thật mạnh mẽ và cho rằng, điều đó có thật sự đúng không và có thể gây ra nhiều hệ luỵ.
Theo GS của Đại học Queensland Australia, trong xã hội mang tính chất gia trưởng "trọng nam khinh nữ" sẽ dẫn đến suy nghĩ đàn ông phải mạnh mẽ, cứng rắn… tạo áp lực cho chính nam giới và gây tổn hại cho phụ nữ.
Do đó, ông đánh giá, những diễn đàn như thế này sẽ là hoạt động tích cực truyền đi thông điệp về bình đẳng giới đến với đông đảo mọi người, thu hút sự quan tâm của xã hội.
© Ảnh : Báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đôPGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Đại học Y Hà Nội - Chủ tịch Ban điều hành diễn đàn VNMenNet khai mạc chương trình
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Đại học Y Hà Nội - Chủ tịch Ban điều hành diễn đàn VNMenNet khai mạc chương trình - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.11.2023
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Đại học Y Hà Nội - Chủ tịch Ban điều hành diễn đàn VNMenNet khai mạc chương trình

Bình đẳng giới không phải vấn đề của riêng phụ nữ

Tại diễn đàn, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng đã đến lúc nam giới cần phải thay đổi quan niệm về tiêu chuẩn và phải thay đổi bắt đầu từ trẻ em.
Đại diện Bộ LĐ,TB&XH lưu ý, chúng ta đã tuyên truyền rất tốt về phụ nữ và quyền của nữ giới trong bình đẳng giới. Thế nhưng, bình đẳng giới cần sự bình đẳng chung chứ không chỉ là một giới nhất định.
"Tôi đã từng tham gia diễn đàn về bình đẳng giới, thế nhưng 100% trẻ em gái tham gia, không có trẻ em trai được mời đến sự kiện. Hay những số liệu liên quan đến quyền trẻ em hầu hết là số liệu của trẻ em gái mà không có nghiên cứu nào dành cho trẻ em trai. Để thúc đẩy bình đẳng giới chúng ta cần quan tâm bình đẳng ở cả hai giới và cần bắt đầu nhận thức từ trẻ em", - Cục trưởng Cục Trẻ em nói.
Chuyên gia Matt Jackson, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho rằng nam giới cần tham gia nhiều hơn với tư cách là những nhà vận động bình đẳng giới trong cuộc sống của chính họ.
"Bình đẳng giới không phải vấn đề của riêng phụ nữ mà của cả nam giới và các giới khác", - ông Matt Jackson nói.
Đồng thời, nam giới cần lên tiếng với tư cách là những tác nhân thay đổi chuẩn mực và hành vi gia trưởng; loại bỏ các định kiến giới dẫn đến sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng đối với phụ nữ, trẻ em và những người ở các bản dạng giới khác, gồm người khuyết tật, nhóm LGBTQI+ và người dân tộc thiểu số.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế nam giới (19/11), đã có gần 80 đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận, chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm hay trong việc huy động sự tham gia của nam giới để thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực giới và huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân tại Việt Nam.
Diễn đàn được Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cùng với Ban Điều hành diễn đàn Kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững, dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức thường niên vào ngày 19/11.
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ban điều hành diễn đàn VNMenNet nhấn mạnh, tuy mới chỉ chính thức thành lập được hai năm nhưng thông qua các thành viên tích cực của mình, diễn đàn đã hiện diện tại nhiều sự kiện, hoạt động, dần trở thành một đối tác tin cậy, sáng tạo cho nhiều cá nhân, tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững cả trong và ngoài nước.
"Điều đó khẳng định ý nghĩa và vai trò của một mô hình mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới trong việc huy động nam giới và trẻ em trai trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững", - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала