Trình độ kỹ sư vi mạch Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới?
© Ảnh : Pixabay/axoniteChip
© Ảnh : Pixabay/axonite
Đăng ký
Các kỹ sư thiết kế vi mạch Việt Nam hiện nay đã có thể tham gia quy trình thiết kế những con chip tiên tiến với kích cỡ dưới 10 nm, cho thấy trình độ không thua kém các kỹ sư cùng lĩnh vực trên thế giới.
Việc sở hữu những phẩm chất rất đặc trưng của người làm kỹ thuật, cũng như được đào tạo chuyên sâu về thiết kế chip trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài, đã giúp các kỹ sư Việt Nam ngày càng nâng cao tay nghề trong lĩnh vực "hot" bậc nhất hiện nay.
Kỹ sư Việt Nam đã tham gia thiết kế chip dưới 10 nm
Theo VTV, những năm gần đây, ngày càng nhiều tập đoàn vi mạch lớn của thế giới đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý, trong số đó có cả những tập đoàn hàng đầu của Mỹ là Intel và Synopsys, hay mới nhất là Amkor của Hàn Quốc.
Hồi tháng 9/2023, tại sự kiện Intel Innovation được tổ chức ở Hoa Kỳ, CEO Intel Pat Gelsinger đã chính thức giới thiệu mẫu chip 3 nm đầu tiên sử dụng công nghệ kết nối đa khuôn.
Và điều đặc biệt nằm ở chỗ, công nghệ này do chính đội ngũ 150 kỹ sư Việt Nam tham gia thiết kế và kiểm thử. Các kỹ sư hiện đang làm việc cho tập đoàn Synopsys của Hoa Kỳ.
"Công nghệ này là một công nghệ tối quan trọng trong dự án thiết kế chip, tạo ra một độ phức tạp cũng như tốc độ xử lý, không gian xử lý lớn hơn rất nhiều so với chip truyền thống", - VTV dẫn lời ông Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc kỹ thuật, Trưởng văn phòng tại Đà Nẵng, Công ty Synopsys Việt Nam.
Được biết, hiện có đến 75% chip bán dẫn trên thế giới là loại chip kích cỡ 28 nm hoặc to hơn. Con chip càng nhỏ thì độ tinh vi cao và càng khó thiết kế. Tại văn phòng Hà Nội của công ty Hàn Quốc, đội ngũ kỹ sư người Việt đã tham gia quy trình thiết kế những con chip tiên tiến có kích cỡ dưới 10 nm.
"Mình cùng team tham gia một dự án cho một khách hàng châu Âu về chip 5 nm cho camera. Nhóm mình tham gia thiết kế và kiểm thử cho con chip đó", - anh Bùi Đức Hòa, kỹ sư thiết kế và kiểm thử vi mạch của Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam, cho biết.
Cả Đức Hòa và Bảo Anh, cũng như nhiều kỹ sư Việt Nam khác, đều có chung nền tảng tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật trong nước, sau đó được đào tạo chuyên sâu về thiết kế chip khi làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài.
Năm 2023, nhiều trường đại học đã bắt đầu mở các chương trình đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Dù vậy, vẫn cần có thêm các chính sách thu hút các doanh nghiệp vào cuộc để đáp ứng nhu cầu 50.000 nhân lực trong 10 năm tới.
"Kỹ sư Việt sở hữu các phẩm chất rất đặc trưng của người làm kỹ thuật, như xông xáo, ham học hỏi và làm việc chăm chỉ. Vì vậy, chúng tôi rất sẵn lòng tiếp tục phát triển đội ngũ phát huy hết tiềm năng", - VTV dẫn lời ông Robert Li, Phó Chủ tịch Công ty Synopsys (Hoa Kỳ) khu vực Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Á.
Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có hơn 50 doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Theo nhiều chuyên gia, việc nâng cao đồng đều cả chất và lượng của đội ngũ kỹ sư trong nước là nhân tố quyết định giúp Việt Nam tiếp tục thu hút các "ông lớn" vi mạch bán dẫn trên thế giới.
Kỹ sư thiết kế vi mạch lương cao hơn cả ngành công nghệ thông tin
Vnexpress dẫn nguồn từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch đang cần khoảng 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%.
Khảo sát của Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP HCM (HSIA) cho thấy, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch. Trong đó, riêng TP.HCM chiếm khoảng 53% nhu cầu tuyển dụng.
Theo PGS. Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành vi mạch ở Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư, làm việc tại 50 công ty, chủ yếu là kỹ sư thiết kế vi mạch. Mỗi năm, những công ty này cần tuyển mới khoảng 150-200 kỹ sư.
Đặc biệt, nhiều công ty hàng đầu thế giới như Infineon, Renesas, Marvell, Samsung cũng đang dự định mở thêm văn phòng, nhà máy ở khu vực phía bắc. Thời gian tới, ông Minh cho rằng mỗi năm các doanh nghiệp cần tuyển mới khoảng 250-300 kỹ sư thiết kế vi mạch.
Còn tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM, gần như mỗi tuần đều có công ty đến khoa Điện - Điện tử tìm kiếm nhân sự thiết kế vi mạch. Nhiều doanh nghiệp thậm chí tiếp cận với sinh viên ngay từ năm thứ hai, thứ ba thông qua các suất thực tập, công việc bán thời gian, học bổng.
"Chúng tôi hay nói với doanh nghiệp nếu đợi sinh viên tốt nghiệp mới đến tuyển thì đã quá trễ", - Vnexpress dẫn lời PGS. Đỗ Hồng Tuấn, trưởng khoa Điện - Điện tử trường Đại học Bách khoa TP.HCM.
Theo khảo sát của HSIA, kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu đồng một tháng. Kỹ sư có 1-3 năm kinh nghiệm, thu nhập từ 15-30 triệu đồng. Sau 6 năm, kỹ sư nhận lương trung bình 0,6-1 tỷ đồng mỗi năm. Với người từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ mỗi năm.
PGS. Nguyễn Đức Minh cho hay, 100% sinh viên định hướng thiết kế vi mạch ra trường được chào đón, có việc ngay. Mức lương khởi điểm của kỹ sư mới khoảng 15-20 triệu đồng, tương đương ngành công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, sau khi theo nghề 5-10 năm, lương kỹ sư ngành này vượt lên cao gấp rưỡi so với ngành Công nghệ thông tin, lên tới 2.500-3.000 USD một tháng (60-70 triệu đồng).
"Công việc của một kỹ sư thiết kế vi mạch khó hơn, các công ty cũng khó đào tạo nhân lực ngành này nên quyết giữ người có kinh nghiệm. Đây là điểm khác biệt với ngành công nghệ thông tin", - ông Minh nhận đinh.