Việt Nam có Sở An toàn thực phẩm đầu tiên ở TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan làm Giám đốc
© TTXVN - Đinh Thị HằngTrong ảnh: Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố
© TTXVN - Đinh Thị Hằng
Đăng ký
TP.HCM vừa công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm thuộc UBND thành phố. Đây cũng là Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.
TP.HCM lập Sở An toàn thực phẩm
VTC News đưa tin, sáng 30/12, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.
Theo đó, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lâm Hùng Tấn đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM về bổ nhiệm Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.
Cụ thể, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở An toàn thực phẩm. Bà Lan sẽ đảm nhiệm chức vụ này cho đến khi có quyết định nghỉ hưu theo quy định.
Đồng thời, bổ nhiệm ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm. Các quyết định nói trên có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Báo Dân trí cho biết, theo chủ trương thành lập Sở An toàn thực phẩm mà HĐND TP.HCM đã thông qua tại kỳ họp trước đó, nguồn nhân lực của Sở An toàn thực phẩm được sử dụng từ số người làm việc tại Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM trước đây.
UBND TP.HCM sẽ giao biên chế cho Sở này gắn với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động và nằm trong tổng biên chế hành chính, số lượng người làm việc của địa phương.
Đồng thời, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm phải đảm bảo không phát sinh tổng số lượng biên chế công chức hành chính, số lượng người làm việc được giao trong tổng biên chế của TP.HCM.
© TTXVN - Đinh Thị HằngBà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM
© TTXVN - Đinh Thị Hằng
Sở An toàn thực phẩm sẽ được bố trí trụ sở làm việc tại 2 địa chỉ: số 57, đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Bến Thành, quận 1) và số 18, đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Bến Thành, quận 1).
Cơ cấu lãnh đạo Sở bao gồm Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc. Trong đó, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm là Ủy viên UBND TP.HCM do HĐND thành phố bầu ra.
Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước
Cũng tại hội nghị, ông Lâm Hùng Tấn đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Đồng thời, công bố Nghị quyết của HĐND TP.HCM về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, hoạt động từ ngày 1/1/2024.
Trước đó, Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM của Quốc hội đã cho phép HĐND TP.HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố.
Như vậy, TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước có Sở An toàn thực phẩm được hoạt động từ ngày 1/1/2024. Sở có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước.
Theo kết quả đạt được sau quá trình thí điểm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm từ năm 2017 đến nay, UBND TP.HCM nhận thấy đây là giai đoạn chín mùi để phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác đảm bảo An toàn thực phẩm trong tình hình mới, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân sinh sống và làm việc tại TP.HCM, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng.
© TTXVN - Đinh Thị HằngThành phố Hồ Chí Minh công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm
Thành phố Hồ Chí Minh công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm
© TTXVN - Đinh Thị Hằng
Sở An toàn thực phẩm sẽ đảm nhiệm vai trò là đầu mối thống nhất, tập trung tổng hợp tham mưu và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sở An toàn thực phẩm cũng chịu trách nhiệm trao đổi, hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham mưu UBND thành phố giải pháp quản lý an toàn thực phẩm đem lại hiệu quả cao, đáp ứng thực tiễn và nhu cầu hội nhập của thành phố.
Sở An toàn thực phẩm còn là đầu mối thanh tra, kiểm tra các cơ sở của người dân với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo và hạn chế tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.