Vì sao Việt Nam phát triển phi thường?
© Ảnh : Báo điện tử Chính phủ/Nhat BacThủ tướng Việt Nam Phạm Minh Trinh đã gửi thông điệp quan trọng tới Phiên họp hẹp cấp cao về biến đổi khí hậu đang được tổ chức tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York
© Ảnh : Báo điện tử Chính phủ/Nhat Bac
Đăng ký
Việt Nam ngày nay được đánh giá là một trong những chủ thể quan trọng nhất của thế giới về quan hệ quốc tế, có quan hệ hữu nghị với tất cả các siêu cường hoặc nước lớn.
Làm thế nào để Việt Nam thành công đạt được vị trí này? Điều gì đã đưa Việt Nam phát triển vượt bậc, thậm chí là phi thường như hiện nay trên tất cả các lĩnh vực?
Điều gì đưa Việt Nam phát triển vượt bậc, thậm chí là phi thường?
Thủ tướng Việt nam Phạm Minh Chính đã trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Clever Group trước thềm chuyến thăm chính thức Romania từ 20-22/1.
Nói về nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đã đưa Việt Nam phát triển vượt bậc, “thậm chí là phi thường” như hiện nay trên tất cả các lĩnh vực, người đứng đầu Chính phủ đã khái quát nhiều vấn đề đáng lưu ý và nhấn mạnh, gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
“Có thể khẳng định, chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, - Cổng TTĐT Chính phủ dẫn lời Thủ tướng cho biết.
Ông Phạm Minh Chính dẫn chứng, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã tăng hơn 53 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 28 lần.
Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ mức 60% vào đầu những năm 1990 xuống còn 2,93% năm 2023, Việt Nam đã hoàn thành sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm cao nhất trong số các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển.
“Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực và là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với mạng lưới 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán”, - lãnh đạo Chính phủ bày tỏ.
Năm 2023, tăng trưởng GDP đạt 5,05%; xuất siêu 28 tỷ USD; thu hút FDI tăng trên 32%. Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu bảo đảm vững chắc an ninh lượng thực trong nước mà còn góp phần bảo đảm an ninh lượng thực toàn cầu. Năm 2023, xuất khẩu 8,34 triệu tấn gạo - cao nhất từ trước đến nay.
Về kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra 5 bài học: Một là, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hai là, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là mục tiêu và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển. Ba là, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Năm là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiết lộ bí quyết Việt Nam có thể kết hợp được lý tưởng Cộng sản với một số quy luật của kinh tế thị trường. Theo đó, ông nhấn mạnh việc nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
“Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng trên 32% so với năm 2022 trong điều kiện thế giới rất khó khăn là minh chứng thể hiện rõ sự hấp dẫn của Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế”, - Thủ tướng dẫn chứng.
Đằng sau thành công của Việt Nam
Một câu hỏi đáng chú ý được đặt cho người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, đó là: “Việt Nam ngày nay là một trong những chủ thể quan trọng nhất của thế giới về quan hệ quốc tế, có quan hệ hữu nghị với tất cả các siêu cường hoặc nước lớn. Làm thế nào để Việt Nam thành công đạt được vị trí này?”.
Mở lòng về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại sự thật lịch sử rằng, Việt Nam là quốc gia chịu nhiều đau thương, mất mát nhất do chiến tranh, do đó, Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của hoà bình.
Theo Thủ tướng Chính: “Với tinh thần "gác lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai", Việt Nam đã biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại và trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”.
Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ với 193 quốc gia trên thế giới; trong số 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, 7 thành viên G7 và 16 thành viên G20. Việt Nam hiện đang là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế, trong đó có các thể chế đa phương quan trọng nhất của khu vực và toàn cầu.
“Bí quyết” để đạt được những thành tựu quan trọng này, theo Thủ tướng, trước hết chính là nhờ có chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, kế thừa, phát huy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao "Cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển".
Ông giải thích, vững ở gốc là truyền thống tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia dân tộc, là tinh thần đoàn kết, nhân ái, thủy chung. Chắc ở thân là bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách và khó khăn, trước vất vả và gian lao. Uyển chuyển ở cành là sự mềm mại, khôn khéo, sáng tạo trong triển khai công tác đối ngoại.
“Chính sự vững chắc, uyển chuyển, linh hoạt trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên tất cả kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Việt Nam”, - ông lưu ý.
Cùng với đó, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội; sự ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không" đã góp phần để Việt Nam có được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Chính sách “bốn không” của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới dự báo tiếp tục biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, với những vấn đề chưa có tiền lệ, đối ngoại Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức hơn.
“Song chúng tôi mong muốn chung tay cùng các quốc gia, dân tộc, cộng đồng quốc tế gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, phát triển bền vững”, - Thủ tướng nói Việt Nam kiên định.
“Tôi không bao giờ quên những tháng năm tuổi trẻ ở Romania”
Trả lời báo chí, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định Việt Nam và Romania có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác “rất tốt đẹp” trong gần 75 năm qua và tiếp tục mở rộng và phát triển tích cực.
Romania là một trong những nước đầu tiên công nhận Việt Nam, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và sự nghiệp xây dựng, phát triển ngày nay.
"Romania đã giúp đỡ đào tạo cho Việt Nam khoảng 4.000 cán bộ, chuyên gia, là nguồn nhân lực rất quý báu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước chúng tôi", - theo lời Thủ tướng.
Romania cũng tích cực hỗ trợ quá trình Việt Nam và EU đàm phán, ký phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), là một trong hai quốc gia EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Với cơ hội, tiềm năng và dư địa hợp tác còn rất lớn, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong cùng Romania tiếp tục tạo đột phá về thương mại, đầu tư trở thành trụ cột trong quan hệ song phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng lấy bằng kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp tại Trường đại học Xây dựng Bucharest (Romania) năm 1984, chuyên ngành kết cấu thép.
Nói về những kỷ niệm trong quãng thời gian học tập, làm việc tại Romania, Thủ tướng cho biết, ông luôn lưu giữ những ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp và kỷ niệm sâu sắc về đất nước Romania tươi đẹp, con người Romania cần cù, thân thiện, mến khách và nghĩa tình.
“Tôi không bao giờ quên những năm tháng tuổi trẻ học tập và thời gian công tác tại Romania; lưu nhớ những gương mặt, giọng nói, tiếng cười và hình ảnh rất đỗi thân thương của các thầy cô, bạn bè Romania. Chính nhờ họ mà đã góp phần quan trọng giúp những lưu học sinh chúng tôi có được như ngày hôm nay”, - Thủ tướng Việt Nam chia sẻ.
Vui mừng và xúc động trở lại Romania lần này, Thủ tướng tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy, tăng cường, làm sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, vì lợi ích của hai dân tộc, của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.