Việt Nam: Vì sao công nhân không muốn nhận quà Tết?
© AP Photo / Hau DinhSắm quà Tết ở Việt Nam
© AP Photo / Hau Dinh
Đăng ký
Có nhiều nguyên nhân khiến công nhân, người lao động tại Việt Nam từ chối nhận quà Tết.
Theo báo Tuổi Trẻ dẫn lời đại diện doanh nghiệp, công đoàn, công nhân phản ánh, để nhận được quà Voucher 300.000 đồng, người lao động phải mở tài khoản mới của Công ty tài chính HD Saison do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giới thiệu, hợp tác, rồi sau đó mua hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee…
Từ chối nhận quà Tết
Tại Việt Nam, vào dịp cuối năm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn có nhiều chính sách tặng quà Tết, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, để “không ai bị bỏ lại phía sau” và “không ai không có Tết”.
Đây là sự quan tâm đặc biệt, những chính sách hết sức nhân văn, tốt đẹp và được đông đảo người lao động cảm kích đón nhận. Tuy nhiên, không phải ở đâu câu chuyện cũng diễn ra như mong đợi.
Báo Tuổi trẻ ngày 24/1 có bài phản ánh vì sao công nhân từ chối nhận quà Tết. Theo đó, sau khi biết tin sẽ được nhận phần tiền hỗ trợ Tết từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, rất nhiều công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỏ ra vui mừng.
Tuy nhiên để nhận được khoản hỗ trợ Tết, người lao động phải thực hiện một số thủ tục nhất định, thậm chí, bản thân lãnh đạo không ít doanh nghiệp cũng cho rằng, hình thức hỗ trợ quá nhiêu khê nên đã thẳng thừng từ chối nhận.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời một lãnh đạo doanh nghiệp tại Sóc Trăng cho hay, ông rất cảm kích việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ 300.000 đồng cho mỗi công nhân khó khăn để sắm Tết.
Tuy nhiên, theo vị này, mọi năm tiền hỗ trợ chuyển thẳng vào tài khoản của công nhân đã có sẵn, thì nay lại phải mở tài khoản mới của Công ty tài chính HD Saison do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giới thiệu, hợp tác.
Rồi công nhân, người lao động lại phải dùng 300.000 đồng đó mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki…nhưng đáng nói là những sàn thương mại này đâu có bán thịt, trứng để ăn trong mấy ngày Tết, do đó, công nhân vẫn mong được hỗ trợ tiền mặt.
Điều đáng quan ngại nhất chính là việc sau khi mở tài khoản để nhận 300.000 đồng hỗ trợ, thì trong tài khoản mới của Công ty tài chính HD Saison do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giới thiệu, công nhân sẽ được cho vay thêm 5 triệu đồng tiêu dùng dịp Tết.
“Điều tôi lo lắng nhất là công nhân được hỗ trợ, sau khi mua hàng, tài khoản kích hoạt có dư nợ đến 5 triệu đồng. Người lao động mà thấy trong tài khoản có tiền là xài, không tính đến sau này sẽ phải trả lãi”, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp Sóc Trăng lo ngại.
Vị này cũng nói thẳng, hậu quả sẽ rất phiền phức một khi công nhân vướng vào nợ nần rồi ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc.
“Sau khi tham khảo ý kiến công đoàn, chúng tôi từ chối nhận hỗ trợ tiền cho gần 500 công nhân của công ty”, vị lãnh đạo chia sẻ với báo Tuổi Trẻ.
“Không khéo lại vướng vào nợ nần”
Cũng cùng một câu chuyện, một tổng giám đốc một doanh nghiệp khác ở Sóc Trăng cho hay, công ty ông có 300 công nhân thuộc trường hợp được nhận hỗ trợ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, vì thấy thủ tục rườm rà, phức tạp, rồi không khéo dính vào vòng luẩn quẩn vay nợ nên đã quyết định từ chối.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng cho hay, ngoài 6.356 suất quà Tết của đoàn viên, người lao động khó khăn (mỗi suất 500.000 đồng), Sóc Trăng còn được hỗ trợ 2.000 suất, mỗi suất 300.000 đồng, nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động mua sắm hàng hóa.
Sau khi mua hàng, giao dịch xong, người lao động có thể hủy thẻ. Còn trường hợp xài hơn số tiền được hỗ trợ 300.000 đồng, nếu người lao động rút tiền mặt thì bị tính lãi.
Xét về “trải nghiệm người dùng”, báo Tuổi trẻ cũng dẫn lời một nữ công nhân có tên Phan Thanh Th. ở Cà Mau cho hay, bản thân chị đã làm xong thẻ để được nhận 300.000 đồng và mua hàng trên sàn giao dịch điện tử.
Chị Th. cũng đồng ý rằng, việc làm này “quá phiền phức và tốn thời gian”.
“Nhà tôi không có điện thoại thông minh và chỉ vì phần quà mà tốn hết hai buổi lên làm thủ tục thẻ. Tôi sợ nợ lắm đâu dám để thẻ làm gì, lỡ phát sinh nợ sao trả nổi, nên sau khi mua hàng tôi nhờ người đăng ký hủy thẻ luôn rồi”, nữ công nhân chia sẻ.
Thích tiền mặt hơn
Một công nhân khác đang làm việc tại Khu công nghiệp Trà Nóc (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cũng cho rằng hỗ trợ tiền mặt sẽ tốt hơn, còn mở thẻ tín dụng thủ tục phức tạp, xài không khéo lại mang nợ. Do đó, công nhân này đã không nhận tiền hỗ trợ.
Theo bà Lê Thanh Thúy, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, công đoàn được Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ phân bổ 800 thẻ tín dụng để hỗ trợ công nhân mua sắm qua sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên do thời gian triển khai gấp rút, với thủ tục nhiều quá nên một số doanh nghiệp không triển khai được.
“Công nhân phải cung cấp số điện thoại rồi giấy chứng minh nhân dân nên họ cũng sợ phiền phức. Công nhân thích xài tiền mặt hơn, cần gì thì ghé chợ, siêu thị mua cho tiện”, bà Thúy cho biết.
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Đương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Cà Mau - thông tin, có một số trường hợp người lao động không có điện thoại thông minh nên họ không dám đăng ký làm thẻ để nhận 300.000 đồng hỗ trợ.
Ông Đương cho biết, thành phố Cà Mau nhận 345 suất hỗ trợ, trong đó mấy anh em nghiệp đoàn xe ôm gần 100 suất nhưng đa số họ không xài điện thoại thông minh “nên thua, không làm được”.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Minh Giới, Trưởng ban chính sách pháp luật và quan hệ lao động Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau cho biết, năm nay chuyển đổi hình thức trao quà theo chuyển đổi số nên Cà Mau được phân bổ 2.500 suất (mỗi suất 300.000 đồng).
Ông Giới cho hay, hiện Cà Mau triển khai giai đoạn 1, đã cấp cho người dân khoảng 1.500 suất. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai gặp nhiều khó khăn do một số người nhận là công nhân không có điện thoại thông minh nên không thể kích hoạt tài khoản.
“Sắp tới chúng tôi sẽ có ý kiến trong cuộc họp trực tuyến với tổng liên đoàn để có hướng giải quyết, khắc phục”, ông Giới nói.
Lo lộ thông tin
Tại Đồng Nai, một chủ tịch công đoàn một doanh nghiệp với hơn 20.000 lao động cũng cho hay chương trình hỗ trợ quà Tết này được triển khai vào cuối tháng 12/2023.
Theo đó, để nhận được số tiền 300.000 đồng, người lao động buộc phải cung cấp thông tin cá nhân (căn cước công dân, số điện thoại), mở thẻ tín dụng với hạn mức 5 triệu đồng.
“Điều này khiến người lao động lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin cũng như phát sinh các chi phí khác chưa biết. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều có các nguồn quỹ để người lao động vay vốn với lãi suất thấp hơn. Do đó, công nhân không mặn mà tham gia chương trình”, theo vị chủ tịch công đoàn ở Đồng Nai này.
Đáng chú ý, theo báo Tuổi Trẻ, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã chọn khoảng 4.000 đoàn viên, người lao động tham gia chương trình "Chợ Tết công đoàn năm 2024" qua sàn giao dịch thương mại điện tử với số tiền 300.000 đồng/người.
Tuy nhiên, sau quá trình đôn đốc, triển khai tại các cấp công đoàn, đến nay Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai “chưa nhận được hồ sơ của đoàn viên, người lao động đăng ký tham gia chương trình”.
Trả lời Tuổi Trẻ về tình trạng công nhân từ chối nhận quà Tết, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 24/1 cho hay, tổ chức công đoàn có hội nghị đánh giá, rà soát triển khai hỗ trợ công nhân, lao động và giải quyết vướng mắc của các địa phương.
“Bởi một số công nhân khó khăn khi sử dụng voucher quà tặng (300.000 đồng) và mong muốn nhận tiền mặt nhưng quan điểm chúng tôi là phân bổ hết hơn 200.000 voucher. Trường hợp một số nơi không dùng hết, voucher sẽ chuyển sang đơn vị khác”, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nói.
Ông Phan Văn Anh thông tin thêm, công đoàn Việt Nam đã có gói hỗ trợ 500 tỷ đồng với giá trị 500.000 đồng/người chuyển vào tài khoản cá nhân của các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra còn có voucher trị giá 300.000 đồng/người tặng thêm cho công nhân khó khăn. Người lao động có thể dùng hết 300.000 đồng quà tặng của công đoàn.
“Còn nếu phát sinh chi tiêu thì đó là thỏa thuận dân sự giữa người lao động và HD Saison”, ông Anh cho biết.
Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhắc lại, đoàn viên, người lao động cần hiểu là 300.000 đồng voucher là phiếu giảm giá mua hàng trên Chợ Tết công đoàn tổ chức ở các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki. Voucher có giá trị mua hàng chứ không được rút tiền mặt.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp thiết thực, hiệu quả để chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của dân tộc.
Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chỉ đạo hoàn thành trả gộp 2 tháng lương hưu trước 20/1, chi trả tiền lương, tiền thưởng kịp thời, bố trí nghỉ Tết đúng chế độ, bảo đảm mọi người đều có Tết, đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và không để ai bị bỏ lại phía sau.