VinFast có thể cạnh tranh với xe Trung Quốc tại Nga?
© Ảnh : VinFastVinFast công bố sự kiện đầu tiên của chuỗi Triển lãm “VinFast - Vì tương lai xanh”
© Ảnh : VinFast
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Nga đã và có thể sẽ là thị trường mà lãnh đạo hãng xe Việt VinFast hướng đến. Nhận định với Sputnik về khả năng VinFast thâm nhập và “phủ sóng” tại thị trường Nga, các chuyên gia cho rằng thách thức luôn đi kèm cơ hội.
Thị trường phục hồi
Câu chuyện về khả năng xe ô tô Việt Nam xuất hiện trên đường phố Nga đã được lên tiếng trước đại dịch vào năm 2019. Các mẫu thiết kế mà VinFast đăng ký tại thị trường Nga thời điểm đó là hai mẫu xe SUV Lux SA2.0 và Sedan Lux A2.0.
Tuy nhiên, hai mẫu xe này đã bị “khai tử” vào năm 2022. Khi công ty dừng sản xuất xe xăng, chuyển đổi sang xe điện. Dù đến nay chưa có thông tin chính thức từ hãng về việc mở rộng thị trường tại Nga, song điều này cho thấy ngay từ đầu, Nga đã là thị trường mà lãnh đạo hãng xe Việt hướng đến.
Nói về thị trường ô tô tại Nga, ngành công nghiệp ô tô đã phục hồi một phần sau các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự ra đi của nhiều nhà sản xuất ô tô nước ngoài. Các lệnh trừng phạt chống lại Nga không làm giảm sản lượng và doanh số bán ô tô. Thị trường vẫn sôi động và người dân có thêm sự lựa chọn mới với các hãng xe hơi đến từ Trung Quốc.
Nga đã trở thành thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất của Trung Quốc. Thị phần bán xe của Trung Quốc đã đạt đỉnh trên thị trường, trong khi sản lượng ô tô trong nước Nga đang hồi phục.
Nhìn nhận về các nguồn cung cấp xe tại Nga, nói với Sputnik, ông Nguyễn Mạnh Thắng - chuyên gia độc lập về lĩnh vực ô tô tại Việt Nam cho hay, hiện có hai nguồn cung cấp xe ô tô tại Nga. Một là của chính hãng xe nội địa của Nga, như Lada, Moskvich,… Hai là hãng xe đến từ Trung Quốc.
“Hiện nay, do bị cấm vận, các hãng xe từ phương Tây đều không còn hoạt động tại Nga. Tăng trưởng nhập khẩu xe Trung Quốc vào Nga, như chúng ta thấy rõ, trong năm 2023 tăng kỷ lục gần 50%. Các nhà xuất khẩu xe hơi Trung Quốc đều hoạt động tích cực tại Nga. Khi các nhà sản xuất xe hơi phương Tây rời đi, các nhà sản xuất ô tô đã ngay lập tức lấp khoảng trống này tại thị trường Nga. Có một số hãng xe Trung đã lập nhà máy của mình tại đây. Ví dụ như hãng xe Trung Quốc Relou, hợp tác với Tập đoàn ô tô Đông Phong (Trung Quốc), vẫn chuyên cung cấp các phụ kiện để lắp xe tại nhà máy Relou tại Nga”.
Cơ hội vẫn còn
Có thể nói, ô tô Trung Quốc đang thống lĩnh thị trường Nga. Gần như không có đối thủ. Trước câu hỏi, có hay không cơ hội cho thương hiệu ô tô Việt Nam VinFast khi thâm nhập thị trường mới như Nga, ông Thắng bày tỏ quan điểm.
“Điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của lãnh đạo VinFast. Tuy nhiên, cũng cần tính đến tỷ lệ thành công tại thị trường Nga so với thị trường khác mà VinFast đã, đang và sẽ hướng đến. Nga là đất nước có khí hậu lạnh đặc thù. Trong khi, VinFast hiện đang tập trung vào sản xuất xe điện. Điều này đồng nghĩa, việc đầu tư cơ sở hạ tầng trạm sạc sẽ lớn khi Nga có diện tích trải dài từ Âu sang Á. Có thể, đây sẽ là một rào cản của hãng xe Việt đối với việc cạnh tranh với Trung Quốc. Nói vậy không có nghĩa là không có cơ hội, bởi nhu cầu của hơn 150 triệu người dân Nga vẫn rất lớn”, ông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ quan điểm với Sputnik.
Nhìn lại sự kiện lịch sử vào cuối tháng 11/2022, hãng xe Việt xuất khẩu lô xe điện đầu tiên ra thế giới, cụ thể là thị trường Mỹ. Dù là thương hiệu khá “non trẻ” song công ty Việt này đã có nước đi táo bạo khi quyết định bước chân vào thị trường Bắc Mỹ, vốn là thị trường cực kỳ khó tính và sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các hãng ô tô nổi tiếng trên thế giới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng, đây là quyết định khôn ngoan và cần thiết, mặc dù Mỹ là thị trường cực kỳ khó tính. Tuy nhiên, cái được của doanh nghiệp này khi thâm nhập vào Bắc Mỹ là đem lại danh tiếng cho hãng xe mới này.
Trái với quan điểm trên, một chuyên gia khác khi trao đổi với Sputnik cho rằng, để đánh giá năng lực cạnh tranh của thương hiệu ô tô Việt Nam tại thị trường nước ngoài, cần nhìn lại năng lực sản xuất nội địa của hãng xe đó và ngành công nghiệp vật liệu cho sản xuất ô tô đã đủ mạnh.
“Hiện nay vẫn chưa rõ chiến lược cụ thể của hãng xe. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế tại các thị trường mà VinFast đã tiến vào (như thị trường Mỹ) vẫn chưa đạt được thành công nhất định. Theo tôi đánh giá, hiện những doanh nghiệp lớn như VinFast vẫn đang tập trung vào việc lắp ráp, chứ năng lực sản xuất của hãng vẫn chưa lớn <...>. Bởi vậy, khó có thể đánh giá năng lực cạnh tranh với Trung Quốc, vốn đã rất mạnh trong việc sản xuất xe điện”, vị chuyên gia nói.
“Làn gió mới”
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những nỗ lực “phủ sóng” toàn cầu của hãng xe đầu tiên của Việt Nam. Tính riêng trong quý 3/2023, VinFast đã bàn giao hơn 10.000 ô tô điện, mở rộng quy mô toàn cầu.
Gần đây nhất, VinFast đã có những bước đi cụ thể tại các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Indonesia và Trung Đông,... Bên cạnh việc liên tục ra mắt các mẫu xe mới tại thị trường trong nước, doanh nghiệp này cũng đang mở rộng hệ thống phân phối thông qua việc hợp tác với các đại lý và nhà phân phối trên toàn cầu. Mô hình mới này sẽ giúp VinFast tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và tăng tốc độ hiện diện trên các thị trường mục tiêu, đồng thời tối ưu hóa chi phí đầu tư.
Trước đó, tại thị trường châu Âu ở giai đoạn đầu, thương hiệu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tập trung tại một số thị trường như Pháp, Đức và Hà Lan.
Còn với Nga, mới đây cuối tháng 1/2024, VinFast đã mời Tham tán thương mại Nga tại Việt Nam đến thăm nhà máy tại thành phố Hải Phòng. Với mong muốn mở rộng mối quan hệ với các nhà máy ô tô tại Nga. Đồng thời, kêu gọi các công ty Nga đầu tư vào ngành sản xuất xe tại Việt Nam.
Những động thái trên cho thấy, hãng xe Việt đã sẵn sàng tiến vào một thời kỳ tăng trưởng mới, trên quy mô và phạm vi toàn cầu. Trong đó, đang từng bước tiến gần hơn tới Nga. Trong tương lai không xa, rất có thể thương hiệu xe điện Việt sẽ đem lại “làn gió mới” tại Nga - thị trường ô tô lớn thứ hai ở châu Âu và lớn thứ tám trên thế giới.
Ý kiến của chuyên gia trong bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.