Bà Trương Mỹ Lan: "Các anh ở Ngân hàng Nhà nước đã trấn an tôi an tâm"
10:29 11.03.2024 (Đã cập nhật: 10:31 11.03.2024)
© Ảnh : Phan Thanh Vũ - TTXVNXét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB
© Ảnh : Phan Thanh Vũ - TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 11/3, TAND TP HCM bắt đầu xét hỏi bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về các hành vi sai phạm tại Vạn Thịnh Phát và SCB.
Trả lời thẩm vấn, bà Trương Mỹ Lan cho rằng cáo trạng không đúng hành vi của bà. Bà Lan phủ nhận nội dung không có vị trí nhưng nắm 91% cổ phần SCB. Bà Lan cho rằng trong quá trình điều tra, có lúc bà khai đúng, có phần khai chưa đúng và bà chưa bao giờ xác nhận nắm giữ 90% cổ phần SCB.
Bà Lan cho rằng chỉ sở hữu 5% cổ phần của SCB, còn lại là của người thân, bạn bè trong và ngoài nước.
Theo chủ tọa, cáo trạng không nói "bị cáo khai nhận sở hữu 91,5% cổ phần SCB" mà cáo trạng đã căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác định bị cáo sở hữu từng đó. Tuy nhiên, bà Lan vẫn cho rằng chỉ có hơn 4,9%, sau này (năm 2022) có thêm hai con gái của bà sở hữu mỗi người 5%, bạn bè nước ngoài 30% và bạn bè trong nước hơn 30%.
Chủ tọa truy vấn:
"Bà giải thích thế nào về việc tất cả những người nắm cổ phần về mặt pháp lý đều xác nhận là đứng tên giùm Trương Mỹ Lan?".
Bà Lan cho rằng "những người đang quản lý cổ phần họ không biết mặt tôi”. Những người đứng tên này không có việc làm thì được Tạ Chiêu Trung nhờ đứng tên vì người nước ngoài không thể đứng tên góp vốn được. Bạn bè tôi là Việt kiều Canada, Việt kiều Úc, Việt kiều Mỹ. Bạn bè thấy tôi nên tin tưởng. Cổ đông nước ngoài thì tôi bảo lãnh chứ không phải của tôi.
"Không phải biết Trương Mỹ Lan mới là đứng giùm Trương Mỹ Lan. Những người đứng tên cổ phần đều khai đứng tên cho Trương Mỹ Lan", chủ tọa chất vấn.
"Xin hội đồng xét xử cho tôi nói về cổ đông nước ngoài. Những người này trước đây chỉ vào giúp SCB thôi, không có mục đích gì khác, lúc đầu tôi ra sức thuyết phục họ, giờ làm sao tôi nhớ nổi hết là nhà đầu tư nào, công ty nào… Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng vào ngày 1/1/2012, tôi được động viên từ một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhờ tôi kêu gọi cổ đông 3 ngân hàng đừng quậy phá, vì 3 ngân hàng khác nhau, lãnh đạo khác nhau, nhờ tôi bằng mọi giá phải kêu họ tiếp tục hợp nhất. Tiếp theo Ngân hàng Nhà nước nhờ tôi phải đi kêu gọi bạn bè đầu tư, để làm sao phải nắm số cổ phần trên 65%, nhóm này góp tiếng nói cùng bị cáo để hợp nhất thành công. Lúc đầu tôi từ chối nhiều lần vì tôi không có nghiệp vụ ngân hàng, các anh ở Ngân hàng Nhà nước đã trấn an tôi an tâm, vì tôi có tiếng nói, uy tín với các cổ đông”, bà Lan nói.
Bà Lan nói được yêu cầu nhóm bạn bè phải chiếm trên 65% cổ phần và phải kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài thì mới dễ thành công. Đồng thời, bà cũng được yêu cầu cho mượn tài sản đưa vào cơ cấu ngân hàng.
“Tôi rất là buồn vì không nghĩ tôi có ngày hôm nay", bị cáo Trương Mỹ Lan khóc.
Không đồng tình với cách giải thích của bà Lan, chủ tọa cho rằng:
"Không có một công thức nào là phải biết Trương Mỹ Lan là ai mới đứng tên giúp được. Những người này đều khẳng định đứng giúp bị cáo, còn các cổ đông nước ngoài này có phải đứng tên cổ phần của bị cáo hay không tòa sẽ đánh giá".
Chủ tọa hỏi bị cáo suy nghĩ gì về việc tất cả các bị cáo tại phiên tòa đều khai làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, kể cả các bị cáo làm trong cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước?
Bà Lan cho rằng các bị cáo khác khai không đúng.
"Hôm trước, ông Nguyễn Văn Thùy (phó trưởng ban kiểm tra, giám sát nội bộ Agribank (nguyên phó trưởng ban giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) nói rất rõ đến hôm đọc cáo trạng mới biết. Cậu ấy có biết mặt tôi đâu mà nói chỉ đạo", bà Lan nói.
Bà Lan cũng khẳng định nếu thân tín, thì không thể làm vài tháng, một năm rồi nghỉ.
Về cáo buộc đưa người thân tín vào SCB nắm giữ các chức vụ quan trọng, bà Lan khẳng định những người ở SCB không phải thân tín của mình.
"Tất cả người ở SCB đều không phải người thân tín của tôi, nếu thân tín của tôi thì không thể làm mấy tháng một năm rồi nghỉ, kể cả bà Nguyễn Thị Thu Sương, Lê Khánh Hiền, Võ Tấn Hoàng Văn. Võ Tấn Hoàng Văn là tổng giám đốc một năm gặp tôi không được bao nhiêu lần, một Tổng giám đốc SCB tại sao không dám nói sự thật", bà Lan nói.