Thống đốc yêu cầu Eximbank phải trả lời rõ ràng vụ nợ thẻ tín dụng
© Ảnh : Nguyễn Hùng/Cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt NamEximbank Quảng Ninh
Đăng ký
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu Eximbank báo cáo về vụ nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu đồng sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng gây sốc dư luận ở Quảng Ninh.
Không chỉ đề nghị nhà băng cử người phụ trách thông tin rõ ràng với báo chí, dư luận, Thống đốc Ngân hàng nhà nước còn yêu cầu Eximbank cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân.
Lãnh đạo NHNN yêu cầu Eximbank cầu thị
Ngân hàng Nhà nước cho biết, mấy ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin liên quan đến vụ việc khoản nợ thẻ tín dụng của khách hàng Phạm Huy Anh tại Eximbank Quảng Ninh.
Nhằm để giải quyết kịp thời vấn đề được dư luận quan tâm, Thống thống Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có chỉ đạo đối với Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) liên quan vụ vay thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng sau 11 năm phải trả 8,8 tỷ đồng.
Trên mạng xã hội, động thái này của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân bởi dư luận đều mong chờ NHNN, Eximbank khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng; đồng thời có kết quả xử lý, cung cấp công khai tới các phương tiện thông tin báo chí trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định vụ việc của khách hàng Phạm Huy Anh vừa qua là rất hy hữu, gây sốc với nhiều người bởi cách tính lãi chưa được ngân hàng công bố cùng nhiều diễn biến liên quan vụ việc, có thể gây mất niềm tin của người dân.
Đáng chú ý, sau sự việc, những ngày qua, nhiều người dân đổ xô đi kiểm tra nợ xấu, hủy các thẻ tín dụng đã lâu không còn giao dịch tránh để bị rơi vào tình huống tương tự như tại Eximbank.
Trong văn bản Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Eximbank về khoản nợ thẻ tín dụng của khách hàng P.A.H tại Eximbank Quảng Ninh, Thống đốc NHNN yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Eximbank ngay trong ngày 19/3/2024, bố trí lãnh đạo Eximbank trực tiếp trả lời hoặc thông tin với các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân.
"Khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng", Thống đốc lưu ý.
Theo VOV, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phía Eximbank có thông tin đầy đủ, khách quan, minh bạch về vụ việc, trong đó, giải trình rõ nội dung, quá trình vụ việc, phương hướng xử lý.
Cơ quan quản lý cũng đề nghị nhà băng này triển khai các chương trình truyền thông cụ thể để hướng dân, giới thiệu cách thức sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng nói chung, dịch vụ thẻ nói riêng tới công chúng, người dân qua đó giúp nhân dân nắm rõ các quy định, sử dụng đúng, hiểu quả, góp phần giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu Eximbank báo cáo Thống đốc kết quả xử lý vụ việc (qua Văn phòng NHNN, Vụ Truyền thông) trước ngày 21/3/2024.
Vụ nợ thẻ tín dụng gây sốc ở Eximbank
Trước đó, như Sputnik đưa tin, Eximbank AMC đã gửi công văn cho ông Phạm Huy Anh, trú tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán của khách hàng tạm tính đến ngày 31/10/2023 là hơn 8,8 tỷ đồng (gồm nợ gốc: 8.554.625 đồng và nợ lãi: 8.830.314.924 đồng).
Quá sốc về số tiền nợ xấu, ông Phạm Huy Anh đã chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và trả lời nhiều cơ quan báo đài, phương tiện thông tin đại chúng.
Sau khi vụ việc lan truyền, đã có nhiều ý kiến bình luận đa chiều, gay gắt về vụ việc liên quan đến cách tính lãi của Eximbank; kêu gọi tẩy chay, không tiếp tục sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Eximbank và thẻ tín dụng của các ngân hàng khác.
Nói về nội dung "Công văn nhắc nợ quá hạn do Eximbank AMC gửi khách hàng", Eximbank thông tin, khách hàng Phạm Huy Anh thực hiện mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/03/2013 với hạn mức 10.000.000 đồng (mười triệu đồng).
Phát sinh 02 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/04/2013 và 26/07/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/09/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã nợ chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.
Phía Eximbank cũng khẳng định đã thực hiện các thủ tục nhằm thu hồi khoản nợ của ông Phạm Huy Anh.
Theo đó, ngày 16/09/2013: Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã thông báo bằng văn bản đến khách hàng về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ; Ngày 12/12/2017: Khách hàng có văn bản khiếu nại về việc không nhận được thông báo việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán;
Ngày 23/12/2017: Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã có văn bản phúc đáp về nghĩa vụ thanh toán, đồng thời đề nghị ông P.H.A có phương án thanh toán khoản nợ cho Ngân hàng;
Ngày 19/08/2021: Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) theo ủy thác đã trực tiếp làm việc, giải quyết khoản nợ đối với ông Phạm Huy Anh.
Ngày 10/05/2022: Eximbank AMC tiếp tục có buổi gặp gỡ ông Phạm Huy Anh để trao đổi, tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng xử lý nợ;
Ngày 08/11/2023: Eximbank AMC có Công văn số 2155/2023/EIBA/CV-TGĐ gửi khách hàng này để thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán, phối hợp cùng ngân hàng thực hiện xử lý khoản nợ nêu trên.
"Đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ. Việc Eximbank phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng", ngân hàng cho biết.
Về phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/03/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).
Hiện nay, Eximbank đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ.
"Bí mật kinh doanh"
Theo VTC News dẫn lời luật sư Tạ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Emme Law, thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội, người đại diện cho ông Phạm Huy Anh, phía Eximbank và khách hàng đã có buổi làm việc đầu tiên.
"Hai bên đã cùng trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc. Khách hàng - ngân hàng đã lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ toàn bộ nội dung diễn biến vụ việc. Cả hai bên thống nhất mong muốn sẽ phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất", luật sư cho biết.
Trao đổi với báo Lao Động sáng nay 20/3, một nhân sự thuộc Hội sở Eximbank xác nhận, ngày 19/3 Eximbank đã có cuộc làm việc với đại diện của ông Phạm huy Anh.
Sau cuộc gặp, ban lãnh đạo ngân hàng chưa công bố cụ thể chi tiết các nội dung thỏa thuận, nhưng cũng không phủ nhận những thông tin phía khách hàng đưa ra như không hề nhận được thông báo việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh xác nhận, ngân hàng Eximbank chi nhánh Quảng Ninh đã có báo cáo giải trình vụ việc nhưng không thể cung cấp thông tin vì đây là bí mật kinh doanh.
"Đây là tranh chấp dân sự giữa Eximbank và khách hàng. Trước mắt, hai bên tự giải quyết cho ổn thỏa. Trong trường hợp không giải quyết được thì đưa ra tòa. Khi đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Quảng Ninh mới tham gia nhưng chỉ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước", báo Người lao động dẫn lời lãnh đạo chi nhánh NHNN tại tỉnh Quảng Ninh nói.
Phản hồi mới nhất từ Eximbank
Thông tin trên TTXVN cho biết, ngay sau khi có thông tin từ báo chí, ngân hàng đã và đang khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại chính sách, quy định, quy trình, hợp đồng, thỏa thuận.
Trong đó, Eximbank khẳng định, nhà băng này cũng xem lại phương pháp tính lãi, trong việc cho vay, cấp tín dụng qua thẻ cũng như quy trình chăm sóc khách hàng để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả ngân hàng và khách hàng.
Eximbank cũng xác nhận ngày 19/3 đã gặp gỡ khách hàng Phạm Huy Anh tại Hà Nội.
"Eximbank đã cùng khách hàng trao đổi thẳn thắng trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ. Các bên cùng thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp lý hợp tình cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất", Eximbank cho biết.
Trong thời gian tới, Eximbank cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình truyền thông minh bạch, đầy đủ, rõ ràng về quyền và trách nhiệm của chủ thẻ cũng như các khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng.
Các chuyên gia khẳng định, đối với vụ việc này, đúng sai sẽ rõ khi thanh tra, công an vào cuộc.
Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng hiện thường áp dụng theo thông lệ là đối với một khoản nợ thẻ tín dụng đã bị chuyển thành nợ xấu, các nhà băng sẽ khoanh nợ sau khi tính cả gốc, lãi và tiền phạt.
Do đó, dù có là 10 hay 11 năm, tiền lãi cũng sẽ chỉ dừng ở mức 60 triệu đồng để không tạo áp lực nợ không thể trả đối với khách hàng.
TTXVN dẫn lời chuyên gia Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA cho biết, dù không có đủ hồ sơ liên quan vụ việc như hợp đồng, hồ sơ mở thẻ, các quy định, quy trình liên quan đến quản lý dư nợ và xử lý nợ của Eximbank nên không thể khẳng định chắc chắn về vấn đề ngân hàng có làm đúng quy định pháp luật và quy trình nhưng do Ngân hàng Nhà nước có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh chi tiết hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và hoạt động phát hành thẻ bao gồm thẻ tín dụng.
Trong đó có ghi nhận nguyên tắc, ngân hàng và khách hàng phải giao kết hợp đồng quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến lãi suất, cách tính lãi, cách chuyển nợ quá hạn. Ngoài ra, ngân hàng có nghĩa vụ thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; ngân hàng phải xây dựng và thực hiện các quy trình chặt chẽ trong xác minh và nhận diện khách hàng khi phát hành thẻ tín dụng….
Theo vị chuyên gia này, do hệ thống ngân hàng quá lớn nên cũng không hiếm những trường hợp các đơn vị trực thuộc hoặc cán bộ nhân viên của ngân hàng không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định, hướng dẫn.
"Đối với lĩnh vực phát hành thẻ tín dụng, việc xác minh, nhận diện khách hàng hầu như được thực hiện rất đơn giản, đôi khi cán bộ ngân hàng cũng không gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng mà chỉ dựa trên hồ sơ đăng ký sẵn, thậm chí có trường hợp khách hàngchỉ việc ký sẵn còn cán bộ ngân hàng sẽ điền thông tin sau", bà Ngọc Anh cho biết.
Vì vậy, xét về thông lệ, việc khách hàng nói rằng không hề nhận được thẻ cũng như không hề nhận được thông tin liên quan đến khoản dư nợ tại ngân hàng cũng không phải là không thể xảy ra.
Theo TS Châu Đình Linh, Giảng viên ĐH Ngân hàng TPHCM, điểm sai của ngân hàng Eximbank đầu tiên đó là về quy trình mở thẻ, tiếp theo là quy trình nhắc nợ, và cách xử lý nợ quá hạn khi phân loại nợ.
Phân tích với báo Lao động, TS. Linh cho rằng, thông thường, khi một khách hàng chậm trả nợ thẻ tín dụng, ngân hàng liên tục có tin nhắn, thông báo gửi về để nhắc nợ.
Thậm chí, nợ nhảy sang nhóm 2, ngân hàng đã phải có biện pháp can thiệp rốt ráo chứ không phải để 11 năm rồi đẩy thiệt hại cho chủ thẻ.
Chuyên gia nhắc lại, thẻ tín dụng có phân loại nợ theo từng nhóm, mỗi nhóm nợ ngân hàng sẽ có trích lập dự phòng và sẽ có biện pháp can thiệp, xử lý nợ kịp thời, không có lý do gì mà Eximbank lại để tận 11 năm nhưu vậy.
"Vậy có nghĩa là quy trình xử lý nợ của Eximbank có vấn đề, vướng trong cách tiếp cận khi thu hồi nợ. Đây là cái sai của Eximbank", TS. Châu Đình Linh lưu ý.