Nguyên nhân ông Vương Đình Huệ thôi chức, ai sẽ là Chủ tịch Quốc hội mới?
21:39 26.04.2024 (Đã cập nhật: 21:51 26.04.2024)
© TTXVN - Nhan Hữu SángĐồng chí Vương Đình Huệ.
© TTXVN - Nhan Hữu Sáng
Đăng ký
Ông Vương Đình Huệ, một trong 4 tứ trụ của Việt Nam, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13 đồng ý cho thôi chức Chủ tịch Quốc hội.
Theo thông cáo từ Văn phòng Trung ương Đảng phát ngay sau cuộc họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 26/4, ông Vương Đình Huệ nghỉ công tác theo nguyện vọng cá nhân.
Thông báo do TTXVN dẫn từ Văn phòng Trung ương Đảng cũng đề cập đến nguyên nhân, lý do vì sao Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ thôi các chức vụ. Câu hỏi hiện nay đặt ra là ai sẽ thay thế ông Vương Đình Huệ và quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội được thực hiện như thế nào?
Ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam
Như Sputnik đã đưa tin, hôm nay, tại Việt Nam, Trung ương Đảng khoá 13 đã đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội và về nghỉ.
Trước đó, ông Võ Văn Thưởng cũng vừa rời cương vị Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không lâu. Người đang giữ chức quyền Chủ tịch nước hiện là đồng chí Võ Thị Ánh Xuân cho đến khi Quốc hội phê chuẩn nhân sự mới.
Theo thông cáo báo chí được Thông tấn xã Việt Nam phát đi ngay sau cuộc họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương khoá 13:
“Ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ. Cụ thể, xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026”.
Ông Vương Đình Huệ là một trong 4 tứ trụ của Việt Nam hiện nay gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội.
“Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026”, thông cáo cho biết.
Việc thôi chức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gây chú ý khi 4 ngày trước, ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và là Trợ lý của chính Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, liên quan vụ án tập đoàn Thuận An.
Vì sao ông Vương Đình Huệ thôi chức?
Theo kết luận và báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như các cơ quan chức năng, đồng chí Vương Đình Huệ đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Như vậy, có thể thấy, việc đồng chí Vương Đình Huệ thôi chức không liên quan đến tham nhũng.
Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ: “Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân Đồng chí”.
Do đó, nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cá nhân đồng chí Vương Đình Huệ đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Trung ương Đảng cũng nhấn mạnh: “Đồng chí Vương Đình Huệ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở; được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước”.
Tính đến nay, ông Vương Đình Huệ là người thứ 12 đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội (hoặc tương đương) của Việt Nam. Trước đó, người có thời gian đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Quốc hội ngắn nhất là ông Nguyễn Văn Tố (1889–1947) từ ngày 2/3 đến 8/11/1946 (252 ngày).
Theo đánh giá trên tạp chí Viettimes Cơ quan của Hội Truyền thông số Việt Nam, thì nếu việc miễn nhiệm được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) tới đây, ông Vương Đình Huệ là Chủ tịch Quốc hội có thời gian đảm nhiệm cương vị ngắn thứ hai trong lịch sử, với hơn 3 năm giữ chức vụ này.
Việc bình thường: “Thay lãnh đạo không đổi đường lối”
Thực tế, biến động nhân sự lãnh đạo cấp cao có thể gây chú ý nhưng một lần nữa tái khẳng định quan điểm nhất quán về công tác cán bộ của Đảng – có vào có ra, có lên có xuống, được sự ủng hộ và đồng thuận của cử tri, nhân dân tại Việt Nam.
The Washington Post dẫn lời nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore bình luận về việc thôi chức của ông Huệ với lưu ý, ba nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đã thôi chức chỉ trong một năm. Trước đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức vào tháng 3/2024 - chỉ hơn một năm sau khi nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức do chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu về các sai phạm trong dịch Covid-19.
Ở đây, cần phải hiểu rằng, công tác nhân sự luôn là vấn đề rất khó, phức tạp và nhạy cảm. Đồng thời, trong các phát biểu chính thức, nhiều lãnh đạo, chuyên gia cũng khẳng định rằng, việc Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội từ chức hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến ổn định chính trị tại Việt Nam.
Chẳng hạn, phát biểu trước đó việc đồng chí Võ Văn Thưởng xin thôi chức, Bí thư Đà NẵngNguyễn Văn Quảng khẳng định:
“Dù dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng việc này đã minh chứng cụ thể quan điểm, chủ trương của Đảng trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, PLO dẫn lời ông Quảng nói.
Đồng thời, điều này được nhân dân, dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao, đồng tình. Theo đó, không phải người có chức vụ cao là được miễn trừ.
“Trung ương đã khẳng định dù thay đổi lãnh đạo bất kỳ đâu thì đường lối, quan điểm của Đảng là không thay đổi. Thay người nhưng không thay đổi quan điểm về đường lối chính trị của Đảng”, Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh.
Ai sẽ thay ông Vương Đình Huệ?
Hiện vẫn chưa có thông báo chính thức về người thay thế khi Chủ tịch Quốc hội thôi chức.
Tuy nhiên, theo đúng thông lệ, trước khi chọn ra ai sẽ là người thay thế đồng chí Vương Đình Huệ, Quốc hội sẽ tiến hành tuần tự trình tự miễn nhiệm chức vụ tại kỳ họp tiếp theo.
Theo đó, trình tự miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội sẽ được thực hiện theo khoản 1 Điều 43 Nội quy ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15. Cụ thể, cơ quan, người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu trình Quốc hội miễn nhiệm chứng danh. Sau đó, Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan; Đại diện cơ quan hoặc người có thẩm quyền báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Quốc hội thảo luận. Trước khi Quốc hội thảo luận, người được đề nghị miễn nhiệm, người bị đề nghị bãi nhiệm, cách chức có quyền phát biểu ý kiến; Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu;
Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức bằng hình thức bỏ phiếu kín; Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức; Quốc hội thảo luận; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết; Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
Về việc ai sẽ thay thế Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, theo quy định tại Việt Nam, căn cứ vào khoản 1 Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tiểu sử ông Vương Đình Huệ
Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê ở Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Ông Vương Đình Huệ là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV; Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ông Huệ là giáo sư, tiến sĩ Kinh tế, có trình độ cao cấp Lý luận chính trị, nguyên Giảng viên, Trưởng Khoa rồi Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (tức Học viện Tài chính hiện nay).
Thời trẻ, ông từng làm Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế Bratislara, Cộng hòa Slovakia; Đơn vị trưởng lưu học sinh; Trưởng thành hội lưu học sinh Việt Nam tại Bratislara.
Sau 22 năm công tác ở Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, tháng 7/2001, ông Huệ được bổ nhiệm Phó tổng Kiểm toán Nhà nước; 5 năm sau, ông làm Tổng kiểm toán Nhà nước.
Từ tháng tháng 8/2011- đến tháng 12/2012, ông Huệ được phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương (kiêm nhiệm Bộ trưởng Tài chính đến tháng 5/2013).
Ông giữ cương vị Phó thủ tướng Chính phủ từ tháng 4/2016. Đến tháng 2/2020, ông Huệ được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Sau đó Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng tại kỳ họp tháng 6/2020. Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV hồi cuối tháng 3/2021, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội thứ 12 của Việt Nam, kế nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Đến ngày 26/4/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.