Việt Nam-Trung Quốc giữ biên giới hòa bình để hợp tác kinh tế
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng tọa đàm với doanh nghiệp Trung Quốc về kinh tế xanh, kinh tế số
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Đăng ký
Đối thoại chân thành, cởi mở với Đại sứ Hùng Ba và đại diện 19 tập đoàn lớn hàng đầu của Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp có uy tín của nước bạn đầu tư vào các dự án đường bộ, đường sắt, những lĩnh vực có thế mạnh và nhu cầu cao.
Hai bên nhất trí chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đồng thời, tăng cường trao đổi thương mại song phương.
Tọa đàm với 19 doanh nghiệp Trung Quốc
Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số.
Theo cổng TTĐT Chính phủ, Thủ tướng cho biết, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc và luôn khuyến khích doanh nghiệp uy tín của Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như đường bộ, đường sắt, phát triển kinh tế xanh.
Dự tọa đàm về phía Trung Quốc có Đại sứ Hùng Ba, đại diện 19 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hoan nghênh và đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung thời gian qua.
“Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại”, - Thủ tướng khẳng định.
Đặc biệt, mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thống nhất xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược với nội hàm “6 hơn”.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng tọa đàm với doanh nghiệp Trung Quốc về kinh tế xanh, kinh tế số
Thủ tướng tọa đàm với doanh nghiệp Trung Quốc về kinh tế xanh, kinh tế số
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Theo người đứng đầu Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc nắm vai trò quan trọng đóng góp vào nội hàm “6 hơn” này, để đưa hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư thành điểm sáng.
Tọa đàm lần này thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, sự lắng nghe, chia sẻ với các doanh nghiệp nước ngoài, với tinh thần “đã nói là làm”, “đã cam kết là phải thực hiện”, “đã làm, đã thực hiện thì phải có sản phẩm cụ thể, hiệu quả, cân đo đong đếm được”…
Theo Cổng TTĐT Chính phủ, tại tọa đàm, các doanh nghiệp Trung Quốc và các bộ, ngành Việt Nam đã trao đổi nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị, chân thành và có trách nhiệm, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến hợp tác thiết thực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Kế hoach và Đầu tư cùng các bộ, ngành chủ động xử lý ngay, có văn bản trả lời rõ ràng cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Lãnh đạo Chính phủ tiếp tục thông tin về con đường đi lên CNXH của Việt Nam, các chính sách kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, văn hóa và những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới.
“Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; đã ký 16 FTA với hơn 60 nước”, - Thủ tướng tự hào nhắc lại.
Ông nhấn mạnh, thành công của Việt Nam đã khẳng định tính đúng đắn, chiến lược các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng 3 yếu tố nền tảng về dân chủ, pháp chế và thị trường, không đánh đổi để chạy theo tăng trưởng.
Năm 2023 và 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng bất chấp các khó khăn thách thức.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường thanh tra, giám sát.
Việt Nam tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam
Thủ tướng nói với các đại diện doanh nghiệp Trung Quốc rằng, Việt Nam tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, liên kết vùng, đô thị hóa.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện, năm ngoái, đất nước hút 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022; vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%; vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%.
Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2023 của Việt Nam đã tăng 12 bậc theo đánh giá của Tạp chí Nhà kinh tế (Tổ chức EIU).
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022 theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8 bậc, từ vị trí 115 lên vị trí 107, tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao (UNDP công bố tháng 3/2024).
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Nói về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, Việt Nam cũng xác định rõ định hướng thu hút FDI có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy hợp tác công tư.
“Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao, như đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, y tế, giáo dục”, - Thủ tướng nói.
Chính phủ cũng kêu gọi hai bên xây dựng và triển khai các dự án hợp tác cụ thể trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác song phương đã thiết lập và các cơ chế hợp tác đa phương hai bên cùng tham gia.
Thủ tướng Việt Nam mong các doanh nghiệp lớn, có năng lực, có uy tín của Trung Quốc cùng hợp tác để sớm có những dự án lớn, công nghệ cao, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Ông cũng đề nghị áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các tập đoàn, các khu vực và trên toàn cầu.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị hai bên đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế Việt – Trung, sớm cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ xuyên biên giới, thúc đẩy xây dựng các khu hợp tác qua biên giới, đẩy nhanh mở mới, nâng cấp một số cặp cửa khẩu đã thỏa thuận, triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh, số hóa các hoạt động giao thương, qua đó, vừa giữ biên giới hòa bình, vừa phát triển kinh tế.
Thủ tướng cũng mong phía Trung Quốc tiếp tục tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại song phương, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản, hàng chất lượng cao của Việt Nam.
Theo người đứng đầu Chính phủ, thực tiễn công cuộc đổi mới của Việt Nam cho thấy "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp". Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Chính phủ Việt Nam cam kết "3 cùng" và "3 bảo đảm".
“Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam, thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của Việt Nam”, - Thủ tướng khẳng định.
Coi trọng thị trường Việt Nam
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp Trung Quốc khẳng định rất coi trọng thị trường Việt Nam, đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện với những định hướng, chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp, nhất là về kinh tế xanh, các lĩnh vực mới nổi.
Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng ấn tượng với sự phát triển năng động, nhanh chóng và những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Trung Quốc khẳng định, tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. Họ mong muốn gắn bó lâu dài, tham gia tích cực trong tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam, tin tưởng mạnh mẽ, vững chắc vào cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh với Việt Nam, trên nền tảng quan hệ ngày càng lớn mạnh và nhiều điều kiện, ưu thế hợp tác độc đáo giữa hai nước.
“Phía Trung Quốc khuyến khích ngày càng có nhiều doanh nghiệp có thực lực, công nghệ, uy tín tích cực tham gia các lĩnh vực hợp tác theo các định hướng mà Thủ tướng đã đề cập”, - Đại sứ Hùng Ba nói.
Báo cáo tại tòa đàm cho biết, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 70 lần, Trung Quốc cũng trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam.
Năm ngoái, Trung Quốc vươn lên thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam (tính đến tháng 3 năm nay, Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 27,6 tỷ USD).