Việt Nam sẽ có tỷ phú USD về nông nghiệp và công nghệ?
© Ảnh : Tập đoàn THDự án đầu tư của Tập đoàn TH tại Vùng Kaluga (Nga)
© Ảnh : Tập đoàn TH
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Dù Việt Nam đứng top đầu thế giới về xuất khẩu nông thủy sản, nhưng trong số 6 tỷ phú có tên trong danh sách Những người giàu nhất thế giới do Forbes xếp hạng, chưa có tỷ phú nào đi lên từ ngành nông nghiệp. Đâu là nhân tố cần và đủ để mục tiêu của Việt Nam được hiện thực hóa?
Từ tỷ phú nông nghiệp…
Việt Nam vừa đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam với trọng tâm là doanh nghiệp tư nhân làm động lực chính. Đáng chú ý, trong đó có nội dung phấn đấu để có các doanh nhân làm chủ tập đoàn, có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghệ và nông nghiệp.
Ở đây có một thực tế rằng, dù Việt Nam đứng top đầu thế giới về xuất khẩu nông thủy sản, nhưng trong số 6 tỷ phú có tên trong danh sách Những người giàu nhất thế giới do Forbes xếp hạng, chưa có tỷ phú nào đi lên từ ngành nông nghiệp. Nông nghiệp chỉ là một lĩnh vực mở rộng sau khi các doanh nhân này đã phát triển ổn định và không phải là ngành chính của họ.
Lý giải về điều này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, lợi nhuận từ nông nghiệp thường không ổn định. Hơn nữa, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động theo tính chất manh mún. Bởi vậy đầu tư lớn vào nông nghiệp không phải là một cuộc chơi dễ dàng.
“Việt Nam hiện có hàng chục mặt hàng nông sản xuất khẩu thế giới. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng năm đạt 50-55 tỷ USD. Trong đó có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, như tiêu điều, gạo, cafe, cao su, thủy sản… Tuy nhiên, những mặt hàng xuất khẩu này do các doanh nhân mua từ các thương lái, chưa phải người tự tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi sản xuất kinh doanh mua bán xuất nhập khẩu. Họ chỉ có trách nhiệm trong việc mua hàng hóa và xuất khẩu. Vì vậy, mục tiêu để có các doanh nhân làm chủ tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị nông nghiệp rất khó. Ở đây, bản chất của các doanh nghiệp nông nghiệp là thu mua, gom hàng từ các thương nhân và từ người nông dân”, chuyên gia chỉ ra.
Ông Thịnh cũng đánh giá rằng, tiềm năng để gia tăng giá trị nông nghiệp Việt Nam vẫn còn khá lớn và Việt Nam nên tập trung vào đầu tư cho chuỗi công nghiệp chế biến sâu để tạo ra giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng là yếu tố cần để có thể xuất hiện những doanh nghiệp tỷ USD, những tỷ phú USD trong nông nghiệp không phải là điều quá khó khăn.
“Nếu muốn có được nền nông nghiệp công nghệ cao cần phải thay đổi tư duy. Đó là Việt Nam cần phải có quy hoạch, chiến lược và phát triển định hướng tầm nhìn thì mục tiêu có tỷ phú dẫn dắt ngành nông nghiệp sẽ không khó. Thực tế, hiện nay các sản phẩm nông nghiệp thô của Việt Nam vẫn chưa làm tốt hoàn toàn. Nếu làm tốt ngay từ khâu chế biến thô, năng suất đã đạt hiệu quả khác rồi. Tất cả cần làm là tạo ra mạng lưới sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị thực. Khi đó người nông dân, thương nhân và chủ chuỗi sản xuất đó có thu nhập cao để trở thành tỷ phú từ nông nghiệp”.
Đến tỷ phú công nghệ
Song song với lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam cũng đặt mục tiêu có thêm doanh nhân, tỷ phủ dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghệ. Hiện nay, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh như FPT. Nhưng để chủ doanh nghiệp này trở thành tỷ phú USD, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - cần thời gian và sự đổi mới. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp cần sản xuất chip bán dẫn và linh kiện điện tử với quy mô lớn.
“Tôi cho rằng, trước hết công nghệ bán dẫn và chip cần phải phát triển. Công nghệ phần cứng và phần mềm cần liên thông với nhau. Việc phát hiện, bồi dưỡng và phát triển thương hiệu là vấn đề cấp bách. Nhiều trường hợp, Việt Nam vẫn chưa gắn liền lợi ích cá nhân với lợi ích của doanh nghiệp và quốc gia. Đâu đó vẫn thiếu sự nhanh nhạy của cơ quan nhà nước. Nói cách khác, Nhà nước cần phải có hướng dẫn, bảo vệ và hỗ trợ cho các nhân tài công nghệ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Việc khuyến khích đào tạo và tự đào tạo cho đội ngũ doanh nhân là rất quan trọng. Chỉ có những người có trình độ và kiến thức đầy đủ mới có khả năng để điều hành và phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, cạnh tranh không chỉ tại Việt Nam mà còn ở khu vực lân cận.
Chuyên gia lấy ví dụ về câu chuyện của nhà phát triển game Flappy Bird, nếu Việt Nam có khuyến khích, bảo vệ và định hướng và hướng dẫn cụ thể. Rõ ràng, đây có thể là cơ hội để xuất hiện những tỷ phú USD và đem thương hiệu và hình ảnh đất nước Việt Nam vươn ra toàn cầu.
Thực tế, việc coi doanh nghiệp tư nhân là động lực chính cho sự phát triển của đất nước là một chủ trương đúng đắn và sáng suốt. Trong đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tự do hoạt động theo quy định của pháp luật là cần thiết.
Tất nhiên, việc quy hoạch và định hướng này không thể thiếu “bàn tay” của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, các doanh nghiệp phải là người tham gia để quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững trong khoảng thời gian đủ dài để có thương hiệu kèm theo chất lượng đảm bảo. Điều này sẽ cần nhiều nỗ lực của các bên.