Bên nhau trên bầu trời, bên nhau trong lòng đất
© Sputnik / Yu. Kravchuck
/ Đăng ký
Trong loạt bài chuyên mục “Những trang lịch sử”, Sputnik tiếp nối đề tài về các cố vấn-hướng dẫn viên phi công quân sự Liên Xô đến Việt Nam DCCH trong thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965. Về nguyên tắc chính thức, họ bị cấm tham gia chiến đấu với máy bay Hoa Kỳ trên bầu trời Việt Nam.
Sứ mệnh của các phi công Liên Xô là bay thử nghiệm các máy bay do Liên Xô gửi tới và huấn luyện các phi công Việt Nam trên mặt đất và trên không để lái số phi cơ này. Một trong những chuyến bay huấn luyện đó đã kết thúc một cách bi thảm. Trong buồng lái của chiếc tiêm kích MiG-21 có Đại uý Cơ trưởng Yury Poyarkov và một học viên mới tốt nghiệp trường Hàng không Liên Xô cách đó chưa lâu là Trung úy Cống Phương Thảo.
Một trong những người thầy đầu tiên của Anh hùng bầu trời và vũ trụ Phạm Tuân
Ông Yuri Poyarkov sinh năm 1933 là một trong 11.000 quân nhân Liên Xô từng phục vụ tại Việt Nam DCCH những năm chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ở quê hương Xô-viết, ông là phó chỉ huy phi đội hàng không. Mùa thu năm 1970, ông được cử sang Việt Nam công tác. Trong hồ sơ cá nhân của ông có ghi: “Được cử làm phi công-hướng dẫn viên của Trung đoàn hàng không chiến đấu thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam để huấn luyện các phi công Việt Nam thực hiện các chuyến bay ban ngày và ban đêm trong điều kiện thời tiết bình thường và phức tạp".
Trong số những học viên được huấn luyện viên Yury Poyarkov dạy kỹ năng bay có người hùng tương lai của bầu trời Hà Nội, nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam trong tương lai – phi công Phạm Tuân. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Phạm Tuân nói:
«Lúc đầu tôi bay trên những chiếc MiG-17 của Liên Xô. Sau đó, có lệnh chuyển tôi sang MiG-21. Huấn luyện viên của tôi là Yury Poyarkov, dáng người cao ráo, vui vẻ, ân cần. Chúng tôi ngay lập tức tìm thấy tiếng nói chung. Tôi may mắn được học ở người thầy xuất sắc - ông đã truyền dạy tôi mọi thứ một cách nhanh chóng. Theo chương trình, chúng tôi phải thực hiện sáu chuyến bay chung, nhưng chỉ sau chuyến thứ năm, thầy Yury báo cáo với ban chỉ huy rằng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng để bay độc lập. Sau tôi, ông còn đào tạo những phi công Việt Nam khác. Và trong một chuyến bay, đã có chuyện gì đó xảy ra với chiếc phi cơ huấn luyện. Máy bay rơi ở vùng núi rừng Tam Đảo. Đã tìm kiếm địa điểm máy bay rơi trong suốt bốn mươi ngày, nhưng không thu được kết quả gì, đó là khu vực rất hiểm trở. Ban chỉ huy gửi thư cho gia đình Yury Poyarkov và Cống Phương Thảo, báo tin họ đã hy sinh».
Thảm kịch xảy ra vào 30/4/1971, đúng 4 năm trước ngày giải phóng Sài Gòn. Ba tháng sau, Đại úy Poyarkov được truy tặng các phần thưởng của Việt Nam DCCH: Huân chương Chiến công hạng Nhất “Vì đã lập công giúp nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược” và Huy chương “Đoàn kết vì Tổ quốc chiến thắng giặc Mỹ”. Các phần thưởng này được trao cho bà quả phụ Poyarkova.
Sáng kiến từ tâm nguyện của cháu gái Yury Poyarkov
Cô Anna cháu gái của cố phi công Yury Poyarkov nói trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
«Tôi chào đời năm 1990 và chỉ thấy ông qua những bức ảnh. Không thể không chú ý vì ông rất đẹp trai. Khi lớn lên, tôi bắt đầu thắc mắc - ông là người thế nào và từng phục vụ ở đâu. Trên mặt sau của một số tấm thiệp có ghi: Việt Nam và đóng dấu năm tháng. Tôi quyết định tìm hiểu chi tiết về cái chết của ông mình».
Với hy vọng có được thông tin nào đó, Anna đã tìm đến Sputnik và mạng xã hội. Hóa ra các cựu chiến binh hàng không quân sự Việt Nam vẫn nhớ người huấn luyện viên Xô-viết. Cựu phi công Nam Nguyễn xác định được địa bàn rộng khoảng 30 cây số vuông mà ông cho rằng là nơi máy bay rơi. Còn chuyên gia địa hình quân sự Nguyễn Lê Anh, bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Khoa Toán-Cơ Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva và là người ham mê môn leo núi, thì thậm chí đã vẽ ra lộ trình có thể của chiếc phi cơ sau khi hoàn thành chuyến bay huấn luyện sẽ quay về sân bay căn cứ.
Sputnik đã kể với các độc giả Việt Nam tất cả những chi tiết này vào cuối năm 2017. Bài báo của chúng tôi đã thu hút sự chú ý của anh Vương Văn Yên, một nhân viên chính quyền huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Anh thông báo với phóng viên Sputnik Vietnam qua điện thoại:
«Lần đầu tiên tôi nghe nói về thảm kịch này là khi tôi còn nhỏ, vào đầu những năm 1990. Có câu chuyện từ những người đã tự mình đến hiện trường vụ tai nạn máy bay trong những năm chiến tranh. Họ không tìm thấy thi thể các phi công. Thời đó rất khó khăn, người ta nhặt những mảnh nhôm thân máy bay về dùng làm vật liệu xây dựng và sửa chữa. Không một ai tính đến chuyện báo cáo chính quyền về những phát hiện này: người dân ở đó rất đơn giản, cứ nghĩ ai cần báo cáo và tự chính quyền chắc cũng biết. Bây giờ thì mọi người sẵn sàng chỉ đường đến chỗ đó».
Anh Đặng Tuân, quê ở Mỹ Yên, huyện Đại Từ, trong gia đình không những vẫn nhắc về vụ máy bay rơi mà còn biết đường đi đến đó, cũng thông báo sẵn sàng tham gia tìm kiếm. Nhóm tình nguyện gồm những thành viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, thậm chí có cả Tiến sĩ Khoa học, Giáo sư Hóa học Lê Thị Mai Hương.
Sứ mệnh cao quý của những người Việt Nam nhiệt tình
Cuộc điền dã tìm kiếm bắt đầu sau kỳ nghỉ Tết năm 2018, ông Nguyễn Lê Anh cho biết trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
«Điểm xuất phát là Mỹ Yên, nơi bà con dân làng hứa đưa chúng tôi đến nơi xảy ra thảm kịch - chính là địa điểm mà tôi đã giả định trước đó. Nơi này cách làng khoảng 5 km. Đó là tính theo đường thẳng nhưng chúng tôi phải leo núi, xuyên qua khu rừng rậm rạp. Và chúng tôi đã đến đích! Chúng tôi tìm thấy mảnh vỡ khá lớn của chiếc máy bay, trên đó có in chữ Nga».
Trong những ngày tiếp theo, những người nhiệt tình đam mê đã tìm thấy thêm một số mảnh vỡ của máy bay, miếng lốp khung gầm và thậm chí cả những phần di cốt của phi công. Sau cuộc khám nghiệm do Bộ Quốc phòng Việt Nam tiến hành, hài cốt của các phi công đã được an táng tại nghĩa trang quân đội tỉnh Thái Nguyên. Và tại điểm máy bay rơi đã dựng đài tưởng niệm với tấm bia ghi họ tên các phi công Việt Nam và Liên Xô.