«Radar cho chỉ báo không giải thích nổi»: Sự kiện Vịnh Bắc Bộ sáu mươi năm trước
Đăng ký
Nửa đầu thập niên 1960, Biển Đông biến động không yên. Hoa Kỳ mở rộng hiện diện của lực lượng hải quân Mỹ, số vụ khiêu khích chống lại Việt Nam DCCH ngày càng gia tăng. Vốn trước đây tránh bị lôi kéo hoàn toàn vào giao tranh giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, lúc này Washington đã trở thành bên tham gia ác liệt vào cuộc xung đột.
Ngày 2 tháng 8 năm 1964, xảy ra sự cố Vịnh Bắc Bộ lần thứ nhất, bước ngoặt trong lịch sử Chiến tranh Việt Nam.
Những mục tiêu «ma»
Khu trục hạm «Maddox» của Mỹ tuần tra vịnh đã vượt qua biên giới biển của Việt Nam DCCH. Con tàu bị pháo hạm Bắc Việt tấn công, nhưng chỉ nhận lỗ thủng nhỏ do đạn súng máy. Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson nhận thông tin về vụ việc nhưng trì hoãn biện pháp trả đũa. Tình báo thông báo đang có sự chuẩn bị cho cuộc tấn công mới, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ vẫn tiếp nối.
Thứ Ba ngày 4 tháng 8, thời tiết vùng Vịnh Bắc Bộ xấu đi rõ rệt. Bất kể giông bão, mưa lớn, gió giật và sóng dữ, tàu «Maddox» vẫn tiến hành tuần tra. Trong điều kiện thời tiết như vậy, tầm nhìn cực kỳ thấp. Bộ phận radar và sonar thuỷ âm đã làm việc không ngưng nghỉ.
© Ảnh : U.S. Navy/PH3 WhiteChỉ huy tàu USS Maddox Thuyền trưởng John J. Herrick và Herbert L. Ogier
Chỉ huy tàu USS Maddox Thuyền trưởng John J. Herrick và Herbert L. Ogier
© Ảnh : U.S. Navy/PH3 White
Lúc 20:40 «Maddox» báo cáo có vật thể không xác định trên biển. Theo dữ liệu của các nhân viên điều hành radar và thủy âm, dường như có những con tàu đang tiếp cận đồng thời từ hướng đông-bắc và tây-nam. Sau đó, từ phía đông cũng phát hiện mục tiêu tương tự, giống như tàu phóng ngư lôi. Những con tàu chập chờn lúc thì biến mất, lúc lại xuất hiện, nhưng từ phía đối diện. Chỉ huy tàu khu trục là John Herrick không rời chiếc ống nhòm, chăm chú kiểm tra đường chân trời, nhưng chẳng nhìn thấy gì ngoài những con sóng nổi cao và gió bão đang hoành hành.
«Maddox» đang cơ động đã chĩa pháo tàu nã đạn vào kẻ thù giả định. Có thêm tàu khu trục «Turner Joy» tham gia trận thị uy cùng với «Maddox». Đã sử dụng ngư lôi và bom nổ dưới sâu. Hàng không quân sự nhập cuộc. Tuy nhiên, các máy bay quần đảo liên tục cũng không phát hiện thấy vật thể nào để tiêu diệt.
«Các khu trục hạm chỉ đơn giản là nã đạn bắn vào những «mục tiêu ma». Không có dấu hiệu nào của tàu thuyền, không có dấu hiệu của ngư lôi, thậm chí tiếng nổ cũng không, chỉ có nước biển đen ngòm trong cơn bão và sức mạnh quân sự của Mỹ», - phi công James Stockdale kể lại.
Sự tin chắc đáng ngờ
Hiện diện của Hoa Kỳ ở Đông Dương đã tạo ra căng thẳng trong khu vực từ suốt mười năm trước. Nhà chức trách Nam Việt Nam đã nhận tiền, vũ khí và huấn luyện viên quân sự để chống lại miền Bắc cộng sản. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 1963, thấy rõ sự kém cỏi và nạn tham nhũng của chính quyền ở Sài Gòn, Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy đã ra lệnh giảm cơ số quân nhân Mỹ có mặt ở đó xuống 1.000 người.
Sau khi Kennedy qua đởi vì bị ám sát, Lyndon Johnson trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Ông ta cố gắng tiếp tục chính sách “kiềm chế chủ nghĩa cộng sản”, kể cả bằng vũ lực. Trước khi xảy ra vụ việc ở vịnh Bắc Bộ, máy bay ném bom do lính đánh thuê Thái Lan điều khiển với hậu thuẫn của Hoa Kỳ đã tấn công các tiền đồn biên giới ở phía tây-nam của Việt Nam DCCH. Trong vòng 5 ngày, các chủ thể ở Bắc Việt Nam bị tấn công 4 lần.
Ngoài ra, kể từ năm 1961, CIA Mỹ đã triển khai chiến dịch bí mật mang tên "Hành quân 34A” hay “Kế Hoạch Hành Quân 34 Alpha” (Operation Plan 34 Alpha). Đó là chương trình tối mật, tổ chức các hoạt động bí mật chống lại chính quyền miền Bắc Việt Nam, bao gồm cho điệp viên luồn vào các địa phương, thả những toán biệt kích xâm nhập miền Bắc, song hành với hoạt động trinh sát trên không và. sử dụng đơn vị Biệt Hải (Biệt kích Hải quân) đánh phá những mục tiêu dọc theo bờ biển miền Bắc. CIA đã giúp các toán biệt kích Nam Việt Nam đổ bộ lên bờ biển miền Bắc. Hải quân cung cấp dữ liệu trinh sát và yểm trợ. Khu trục hạm «Maddox» chịu trách nhiệm hỗ trợ những cuộc đột kích như vậy.
© AP Photo / DODTàu khu trục Mỹ "Maddox"
Tàu khu trục Mỹ "Maddox"
© AP Photo / DOD
Vài giờ sau vụ tấn công tưởng tượng, thuyền trưởng tàu khu trục đã thấy nghi ngờ tính xác thực của sự kiện. Trong một thông điệp gửi về Washington, Herrick lưu ý «những hiệu ứng kỳ quặc trên radar» và đề nghị không vội đưa ra quyết định chừng nào chưa có đánh giá đầy đủ. Trong Nhà Trắng lan tràn ngự trị tâm thế bối rối lúng túng. Nếu đã xảy ra tấn công thực sự thì Hoa Kỳ sẽ có cớ để «xuống tay» ở Đông Dương và có phản ứng cứng rắn với Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã gọi cho Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Grant Sharp, người tuyên bố rằng rất ít khả năng xảy ra cuộc tấn công. Tổng thống Johnson có bài phát biểu cáo buộc Việt Nam DCCH dường như đã gây hấn ở vùng biển quốc tế. Công luận đánh giá đây là sự kiện vịnh Bắc Bộ lần hai, nhưng không ai chắc chắn về tính hiện thực của vụ việc.
“Chưa kể đến Tổng thống Johnson, Bộ trưởng McNamara và Cố vấn An ninh Quốc gia Bundy, những người trong cộng đồng tình báo chúng tôi đều biết rõ rằng bằng chứng về cuộc tấn công vũ trang vào tối ngày 4 tháng 8 năm 1964 là rất đáng ngờ”, - ông Ray McGovern chuyên gia phân tích của CIA từ năm 1963 đến năm 1990 lưu ý.
Theo cách giải thích chính thức, trong vòng hai ngày tàu chiến Mỹ đã bị phía Bắc Việt Nam tấn công hai lần - một dạng casus belli kinh điển (casus belli - “trường hợp cho chiến sự”, “sự cố quân sự”, thuật ngữ pháp lý chỉ lý do chính thức để tuyên chiến). Trên đường dây nóng, liền đó Johnson đưa ra lời cam đoan với Matxcơva rằng phía Hoa Kỳ sẽ không phát động cuộc chiến tranh toàn diện. Và đồng thời ông ta công bố «Chiến dịch Mũi tên Xuyên» (Operation Pierce Arrow), mở đầu bằng loạt cuộc ném bom từ trên không oanh tạc miền Bắc Việt Nam.
Bài học Việt Nam
Ba ngày sau các sự kiện ngoài khơi Việt Nam, Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu gần như nhất trí cho cái gọi là Nghị quyết vịnh Bắc Bộ, trao cho Johnson quyền sử dụng lực lượng quân sự ở Đông Nam Á mà không cần tuyên bố chính thức phát động chiến tranh Quyết định này được thông qua vội vàng vì sợ gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả cuộc bầu cử sắp tới.
Việc ném bom có hệ thống chỉ bắt đầu vào tháng 2 năm 1965. Dần dần triển khai cả lực lượng mặt đất - vào tháng 3. Đến tháng 6 đã có 82.000 quân nhân Mỹ ở Việt Nam. Năm 1968, cơ số đội quân Mỹ ở Việt Nam đã vượt mốc nửa triệu người, đạt đến đỉnh cao. Số nạn nhân tăng lên ở cả hai bên. Ngày càng đông đảo người Mỹ lên tiếng chống chiến tranh và tham gia các hoạt động phản chiến thu hút hàng nghìn người.
«Sau khi bùng nổ hoạt động chiến sự, những sự kiện không thể tiên liệu đã buộc chúng tôi phải đi chệch khỏi đường lối kế hoạch đã định. Chúng tôi đã không giải thích được rõ ràng đến cùng - chuyện gì đang xảy ra và tại sao chúng tôi lại làm những việc mình đang làm», - tướng McNamara sau này hồi tưởng lại.
Ngày 9 tháng 11 năm 1995, thu hút sự chú ý rộng lớn của giới truyền thông là sự kiện tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, viên tướng Mỹ McNamara 79 tuổi đã gặp ông Võ Nguyên Giáp, cựu Tổng tư lệnh các lực lượng Bắc Việt. Nhà quân sự Việt Nam huyền thoại bước ra trong chiếc áo khoác kaki tướng quân đơn giản, không mang bất kỳ huân huy chương nào. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn giữ vững phong độ và thần thái tinh anh mẫn tiệp.
“Tôi đã nghe nói về anh từ lâu rồi", - vị tướng Việt Nam mỉm cười nói, bắt tay kẻ thù cũ.
“Tôi cũng đã nghe nói về anh từ lâu”, - vị Bộ trưởng Mỹ đã nghỉ hưu đáp lời.
Cuộc trò chuyện diễn ra trong bầu không khí thân thiện. Chẳng phải giấu nhau điều gì nữa, chiến tranh đã qua từ lâu. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều chủ đề nhức nhối, không thể bỏ qua không bàn đến.
“Cho đến nay tôi vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra vào ngày 2 và 4 tháng 8 năm 1964 ở Vịnh Bắc Bộ. Tôi nghĩ chúng ta đã mắc phải hai sai lầm nghiêm trọng. Về cái gọi là cuộc tấn công thứ hai - liệu có thực là đã xảy ra hay không?”, - tướng McNamara hỏi tướng Giáp. - “Ngày 4 tháng 8 tuyệt nhiên không xảy ra chuyện gì", - vị tướng Việt Nam khẳng định chắc nịch.
Đây là lý do tại sao từ chỗ radar hải quân cung cấp chỉ báo không chính xác đã biến thành cuộc chiến đẫm máu, trong đó gần 60.000 người Mỹ và hàng trăm nghìn quân nhân Việt Nam thiệt mạng, chưa tính đến thương vong to lớn gây ra cho dân thường. Như thói thường, Washington bây giờ đang tìm kiếm cái cớ để bắt đầu cuộc xung đột quy mô lớn - và Hoa Kỳ đã tìm ra nó, mặc cho phải nói dối toàn thế giới. Tướng McNamara đã nói rất nhiều với tướng Giáp về những bài học lịch sử nhưng có vẻ như cho đến tận bây giờ Nhà Trắng vẫn chưa học được chút gì.