Những cuộc tuần tra ở Bắc Cực cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong khu vực
© Sputnik / Vera Kostamo
/ Đăng ký
Hoạt động tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc ở Bắc Băng Dương cho thấy Bắc Kinh mong muốn tăng cường sự hiện diện và khẳng định mình là một cường quốc ở Bắc Cực, tờ South China Morning Post dẫn nhận xét của các nhà phân tích cho biết.
Hôm thứ Tư, Cục Cảnh sát biển Trung Quốc thông báo rằng lần đầu tiên Cảnh sát biển Trung Quốc đã cùng với Nga tiến hành tuần tra ở Bắc Băng Dương. Cơ quan này lưu ý rằng các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc lần đầu tiên tiến vào Bắc Băng Dương, điều này đã mở rộng một cách hiệu quả phạm vi các chuyến đi biển của lực lượng Cảnh sát biển, giúp kiểm tra toàn diện về khả năng của các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc khi thực hiện nhiệm vụ ở những vùng nước xa lạ.
Như ông Isaac Cardon thành viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie nói với ấn phẩm, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã hành động tương ứng với mong muốn rõ ràng của ban lãnh đạo trung ương là định vị Trung Quốc trong tư cách một cường quốc Bắc Cực.
"Việc triển khai các cuộc tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển là rất quan trọng. Gần như chắc chắn là không có sứ mệnh thực thi pháp luật đích thực nào ở đây, nhưng có lẽ Trung Quốc đang bắt đầu đạt tới sự cho phép đã chờ đợi từ lâu của phía Nga để hoạt động tích cực hơn ở Bắc Cực và cuối cùng có được khả năng tiếp cận nhiều hơn tới các hành lang và nguồn tài nguyên khổng lồ của các vùng biển mới", - chuyên gia Cardon nêu ý kiến.
Còn ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cấp cao tại tổ chức tư vấn Rand Corporation của Mỹ thì chỉ ra rằng Trung Quốc quyết định cử lực lượng bảo vệ bờ biển thay vì hải quân, vì các tàu của cơ quan thực thi pháp luật “ít khiêu khích hơn tàu quân sự ” khi hoạt động ở những khu vực nhạy cảm về chính trị.
Chuyên gia Heath nói với ấn phẩm: “Cả Nga và Hoa Kỳ đều nhạy cảm với sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực. Tuy nhiên, Cảnh sát biển đang hoạt động trong khuôn khổ sứ mệnh đảm bảo tuân thủ quy tắc nghề cá ở «phần Bắc Thái Bình Dương», điều này giải thích về sự cần thiết có phần tham gia của họ”. Ông Timothy Heath nói thêm rằng "sự lựa chọn thiên về phía các tàu tuần duyên cũng chứng tỏ mối quan tâm của Trung Quốc trong việc định hình các cơ cấu và thực tiễn quản trị quốc tế".
Ngược lại, bà Liselotte Odgaard thành viên cấp cao tại Viện Hudson ở Washington, tuyên bố với ấn phẩm rằng các cuộc tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển là một cách để thể hiện rằng Trung Quốc là một quốc gia cận Bắc Cực, và Bắc Kinh có ý định bảo vệ những gì họ coi là hợp pháp của mình với quyền hoạt động ở khu vực Bắc Cực, bao gồm cả các khu vực cách xa Trung Hoa đại lục.
“Toàn bộ những hoạt động này góp phần tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực, có mục đích kép và do đó, làm gia tăng mối lo ngại của các nước thành viên NATO ở Bắc Cực về việc củng cố hợp tác Nga-Trung trong khu vực”, - chuyên gia Liselotte Odgaard lưu ý.