Bệ phóng cho Việt Nam
© iStock.com / HuyThoaiQuang cảnh những tòa nhà chọc trời ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
© iStock.com / HuyThoai
Đăng ký
Việt Nam đã bỏ ra rất nhiều nguồn lực, thời gian và công sức để ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng CPTPP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng hết những lợi ích mà các hiệp định này mang lại.
Về điều này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đã chia sẻ nguyên nhân và các giải pháp mà Bộ Công Thương đang xây dựng để làm bệ phóng cho kinh tế Việt Nam.
Chưa tận dụng hết các FTA
Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên thế giới, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản,Trung Quốc, EU, Anh, Nga... Có tất cả 16 FTA đã được ký kết, đưa vào thực thi và 3 FTA đang đàm phán. Các FTA đem lại nhiều tác động tích cực trong việc mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tận dụng hết các cơ hội từ FTA.
"Chúng tôi nhận thấy giá trị xuất khẩu sang các thị trường FTA như EU, Canada, Vương quốc Anh…có tăng; giá trị tuyệt đối tăng nhưng giá trị tương đối còn khiêm tốn. Đó là vấn đề thị phần của các thị trường này chưa tăng như mong đợi”, báo Chính phủ dẫn lời ông Ngô Chung Khanh cho biết.
Theo ông, một trong những nguyên nhân là cần có sự vào cuộc của bộ ngành, địa phương và các chủ thể có liên quan, nhằm tối ưu hóa thế mạnh mỗi chủ thể trong quá trình tận dụng FTA.
Vai trò của cơ quan quản lý
Trên thực tế, Việt Nam đang thúc đẩy nhiều mô hình kết nối như chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng.
Nguyên nhân là do trong chuỗi giá trị hay chuỗi cung ứng chỉ có sự kết nối giữa doanh nghiệp với nhau, tức là thiếu đi cấu phần của cơ quan quản lý. Khi không có cơ quan quản lý thì các doanh nghiệp rất khó có thể tự xoay sở để phát triển tại thị trường quốc tế.
Về điều này, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh đã chia sẻ về mô hình hệ sinh thái tận dụng FTA đang được Bộ Công Thương xây dựng nhằm khắc phục điểm hạn chế trên.
Theo đó, mô hình sẽ có một cấu phần là cơ quan quản lý, bao gồm đại diện các bộ ngành, đại diện các tỉnh, thành địa phương. Cấu phần thứ hai là doanh nghiệp. Đây là linh hồn của hệ sinh thái với đại diện các hiệp hội liên quan, giúp các ý tưởng đi vào cuộc sống.
“Chúng tôi dự kiến có mô hình kinh tế định lượng vì không thể định tính được. Chúng tôi mời các chuyên gia quốc tế để đánh giá xem nếu mô hình thành công thì sẽ giúp được tăng lên giá trị như thế nào, phải có con số cụ thể. Dự kiến tháng 1/2025, chúng tôi sẽ tập trung làm đề án. Có đề án, chúng tôi sẽ gửi xin ý kiến các hiệp hội, các bộ ngành, tỉnh, thành và sẽ tổng hợp, đánh giá tổng thể. Sau đó, chúng tôi mới trình Chính phủ. Chúng tôi hy vọng tháng 9/2025 thì có điều kiện chính thức ra mắt hệ sinh thái”, ông Khanh chia sẻ.
Việt Nam phải mất khoảng 10 năm đàm phán để có được TPP, CPTPP và 9 năm đàm phán để có được EVFTA. Với rất nhiều nguồn lực, công sức đã bỏ ra, nếu không được tận dụng triệt để thì sẽ rất lãng phí.
Các cơ hội mà FTA mang đến, cùng với một nền kinh tế đang đạt độ chín về vị thế, quy mô cũng như năng lực sẽ là bệ phóng lý tưởng cho chu kỳ tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam.