Pha xử lý bản lĩnh
© Ảnh : TTXVN - An Văn ĐăngQuân ủy Trung ương quán triệt công tác về đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội
© Ảnh : TTXVN - An Văn Đăng
Đăng ký
Đại tướng Phan Văn Giang khen ngợi cách xử lý bình tĩnh, bản lĩnh, không sợ hy sinh của 2 phi công vụ trong vụ rơi Yak-130 ở Bình Định.
Bộ trưởng cho rằng đây là một hành động vô cùng quả cảm, anh dũng, một kinh nghiệm quý cho các phi công bởi trong thời bình nhưng cán bộ, chiến sĩ của chúng ta vẫn như trong thời chiến, bay ở mọi điều kiện.
Từ kinh nghiệm của người từng học Không quân ở Liên Xô, từng cầm lái máy bay chiến đấu, tiêm kích, Phó Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam – Trung tướng Phạm Trường Sơn khẳng định, tình huống sự cố của 2 phi công Yak-130 gặp phải là vô cùng phức tạp và quyết định nhảy dù là chính xác. Các phi công nỗ lực đưa máy bay ra xa khỏi khu dân cư để bảo đảm an toàn cho người dân.
© Ảnh : TTXVN - An Văn ĐăngQuân ủy Trung ương quán triệt công tác về đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội
Quân ủy Trung ương quán triệt công tác về đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội
© Ảnh : TTXVN - An Văn Đăng
Phi công bình tĩnh, quả cảm, bản lĩnh
Chiều 7/11, Bộ Quốc phòng Tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Phát biểu tại đây, nhắc về vụ rơi máy bay Yak-130 số hiệu 210D tại Bình Định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, ngày 6/11/2024, Trung đoàn Không quân 940 tổ chức bay huấn luyện tại sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay của Trung đoàn trực tiếp thực hành kíp bay điều khiển máy bay Yak-130 số hiệu 210D.
Khi hoàn thành nhiệm vụ, điều khiển máy bay về sân bay để hạ cánh thì máy bay gặp sự cố kỹ thuật, thả càng không ra, các phi công đã khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý tình huống khẩn cấp để cứu máy bay nhưng bất khả kháng. Chỉ huy bay đã lệnh cho phi công nhảy dù.
“Trong khoảnh khắc rất ngắn, máy bay ở độ cao thấp, rơi rất nhanh, nguy hiểm đến tính mạng nhưng các phi công đã bình tĩnh, dũng cảm điều khiển máy bay ra xa khu vực đông dân cư và nhảy dù an toàn, không gây thiệt hại”, Đại tướng khen ngợi.
Bộ trưởng Phan Văn Giang đánh giá, đây là bài toán khó cho các phi công, bởi lúc này lượng dầu dự trữ đã sử dụng hết, buộc phải rời máy bay.
Theo đó, khoảng hơn 16h cùng ngày đã tìm thấy Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, sau đó đến khoảng 22h đã liên lạc được với Đại tá Nguyễn Văn Sơn. Ngay lập tức 2 phi công đã được đưa tới bệnh viện Quân khu 5.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương: “Đây là một hành động vô cùng quả cảm và anh dũng, thời tiết bấy giờ mưa to gió lớn, việc cứu hộ gặp khó khăn khi trực thăng không thể tiếp cận được, chỉ cứu hộ bằng cách đi bộ. Tuy nhiên, đây là một kinh nghiệm quý cho các phi công. Bởi trong thời bình nhưng cán bộ, chiến sĩ của chúng ta vẫn như trong thời chiến, bay ở mọi điều kiện”.
Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng, đây là tấm gương sáng để nhân rộng điển hình, xác định trách nhiệm cho các bộ chiến sĩ toàn quân.
Khẩn trương tổ chức rút kinh nghiệm
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang đã gửi lời khen ngợi, biểu dương lãnh đạo, chỉ huy cơ quan chức năng các cấp trong Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng, biểu dương Trường Sĩ quan Không quân, Trung đoàn 940 và các cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Ban bay đã làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức chỉ huy bay chặt chẽ, xử lý kịp thời, linh hoạt tình huống xảy ra.
Đại tướng cũng khen ngợi Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Trưởng ban bảo đảm an toàn bay, với trình độ, kinh nghiệm huấn luyện dày dạn và bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao đã bình tĩnh, tự tin, không sợ hy sinh, xử lý kịp thời tình huống bất trắc trên không.
“Việc làm đó, thể hiện trình độ huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Phòng không - Không quân và trách nhiệm vì nhân dân, vì Tổ quốc của người quân nhân cách mạng trong thời kỳ mới”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu rõ.
Bộ trưởng yêu cầu Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân khẩn trương chỉ đạo tổ chức rút kinh nghiệm, đề xuất tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân trong xử lý sự cố Ban bay của Trung đoàn 940.
Đại tướng mong rằng trong thời gian tới, các cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung và Quân chủng Phòng không Không quân nói riêng tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ", chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi Thư khen ngợi, biểu dương lãnh đạo, chỉ huy cơ quan chức năng các cấp trong Quân chủng Phòng không - Không quân; biểu dương Trường Sĩ quan Không quân, Trung đoàn Không quân 940, Đại tá Nguyễn Văn Sơn và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân.
Nỗ lực bảo vệ tài sản quốc gia
Chia sẻ với báo chí sau sự cố với Yak-130, phi công buồng sau – Thượng tá Nguyễn Hồng Quân cho biết, lúc 9h55 hôm qua (6/11) anh cùng đồng đội là đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng Không quân 940 tổ chức huấn luyện bay trên chiếc Yak-130, cất cánh từ sân bay Phù Cát, Bình Định.
Khoảng 1 giờ sau khi bài tập kết thúc, cả hai quay về sân bay hạ cánh thì phát hiện máy bay không thể thả càng để đáp xuống đường băng.
“Chúng tôi quyết tâm phải hạ cánh bằng được để bảo vệ tài sản của quốc gia và đã thử nhiều lần với lượng nhiên liệu cho phép nhưng không thành công nên buộc phải nhảy dù”, phi công Nguyễn Hồng Quân bộc bạch.
Theo nguyên tắc, phi công buồng sau sẽ thoát hiểm trước, sau đó đến người ngồi ở buồng trước tránh va chạm.
Khi thoát hiểm ghế phóng có gắn động cơ sẽ đẩy phi công lên cao thêm 96 m rồi bung dù. Để hạn chế lực đẩy tác động, phi công đã buộc phải khép chặt tay, chân vào thân người, ưỡn ngực, giữ đầu thẳng để không bị gãy cổ, hay tổn thương cơ thể và cắn chặt hàm răng tránh cắn lưỡi.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn chia sẻ, sau khi nhảy dù khỏi máy bay, dù hạ cánh xuống khu vực gần suối.
“Việc đầu tiên là tôi tìm kiếm tín hiệu để báo về đơn vị, nhưng tại vị trí tôi đứng không hề bắt được tín hiệu”, anh nói.
Phi công Nguyễn Văn Sơn cho biết đã dùng kỹ năng sinh tồn xác định hướng để đi bộ về nơi cất cánh ở sân bay Phù Cát cùng hướng 90 độ ra biển và đã leo lên ngọn núi, cách vị trí của đồng đội khoảng 600 m ở khu vực rừng núi Hầm Hô, xã Tây Sơn.
Theo Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, lực lượng sẽ họp rút kinh nghiệm sơ bộ sau khi sự ổn định sức khỏe cho hai phi công, đồng thời sẽ tổ chức tìm kiếm máy bay rơi, giải mã hộp đen để tìm nguyên nhân máy bay gặp sự cố.
Tuy nhiên, Trung tướng Phạm Trường Sơn khẳng định, trong trường hợp máy bay gặp sự cố như vừa qua, phi công được chỉ lệnh phải nhảy dù là hoàn toàn chính xác bởi không thể hạ cánh khẩn cấp trên mặt đất, ở đường băng hay đường bêtông được rải chất chống cháy bởi càng của máy bay không bung làm mất thăng bằng dễ xảy ra cháy, nổ khiến phi công hy sinh.
“Tại sao càng trước ra, càng trái ra mà càng phải không ra. Đây là trường hợp bất trắc, vô cùng phức tạp mà trong hướng dẫn của ngành trong trường hợp khẩn cấp là phải nhảy dù. Tuy nhiên phi công vẫn xác định bay hướng về phía núi hơn 20km để nhảy dù, giảm thiểu nhỏ nhất ảnh hưởng đến người dân khu vực”, ông nói.
Cũng từng lái tiêm kích, Trung tướng nhìn nhận, sự cố hai phi công Trung đoàn không quân 940 gặp phải là vô cùng phức tạp.
Khi chuẩn bị về sân bay, họ phát hiện một càng phải phía sau không bung, trong khi càng trước và càng trái phía sau đã sẵn sàng để đáp đất. Trong các phương án đưa ra, thậm chí phi công đã tạo sự quá tải lớn kéo gập gần như phá máy bay mà bộ phận càng không thể hạ.
Trong trường hợp đã cố hết tất cả nhưng càng không bung, phi công vẫn có thể hạ cánh bằng bụng máy bay. Tuy nhiên một càng không ra, còn các càng kia không thể gập lại thì tình huống này dứt khoát phải nhảy dù.
Tướng Sơn cũng nhắc lại việc phi công lái máy bay lựa chọn vị trí nhảy dù cách xa khu dân cư, hướng về phía núi không ảnh hưởng đến dân thường cũng là một hành động chính xác, dũng cảm.
“34 năm lái máy bay chiến đấu, đào tạo phi công, tôi hiểu được tính chất sự cố phải quyết định trong tích tắc và phải thật chính xác, nếu sai sót nhỏ cũng hy sinh”, Phó Tổng tham mưu trưởng nhấn mạnh.
Biểu dương toàn lực lượng tham gia tìm kiếm 2 phi công trong điều kiện hết sức khó khăn, mưa lớn, địa hình phức tạp, Trung tướng Phạm Trường Sơn chia sẻ niềm vui không chỉ là được thấy những người lính trở về - bởi tính mạng của phi công chính là vốn quý của Quân đội.
Trung tướng Phạm Trường Sơn đã nhận không chỉ trăm mà là hàng ngàn tin nhắn từ mọi miền đất nước chúc mừng anh em phi công trở về nhà an toàn.
“Giờ tôi chỉ mong anh em tích cực điều trị để lại sớm cất cánh bay trên bầu trời để huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu”, Phó Tham mưu trưởng nhấn mạnh.