Việt Nam lại chiến thắng
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangBộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn phát biểu
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Đăng ký
Báo Philippines mới đây vừa phàn nàn rằng, trong khi dân Philippines đang mải chăm chăm theo dõi scandal showbiz và tin tức drama của những ngôi sao thì Việt Nam lại giành thêm một chiến thắng mới với thoả thuận lịch sử từ NVIDIA.
Phát biểu hôm nay tại phiên họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, đích thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc Việt Nam ký thỏa thuận với NVIDIA đã tạo tiếng vang lớn trên thế giới.
Kế hoạch chuyển sản xuất sang Việt Nam
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam hiện đang tham gia vào các công đoạn: Thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, sản xuất thiết bị và nguyên liệu liên quan đến bán dẫn nhưng chưa có nhà máy sản xuất chip.
“Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam”, - Bộ trưởng Dũng nói tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hôm nay 14/12.
Theo vị tư lệnh ngành, thời gian qua các cơ quan của Việt Nam đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, Lam Research, Qorvo, AlChip và có các công ty đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam.
Ông Dũng thông tin, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.
Điển hình là Samsung có kế hoạch đầu tư 2 nhà máy kiểm định, đóng gói bán dẫn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,1 tỷ USD.
Riêng với tập đoàn NVIDIA, Bộ cho biết đã được Thủ tướng giao phối hợp với cơ quan liên quan thành lập hai tổ, bao gồm Tổ công tác triển khai hợp tác và Tổ đàm phán với NVIDIA, nhằm thu hút đầu tư, cụ thể hóa phương án hợp tác và thực tế đã đạt được nhiều kết quả đột phá.
Bộ trưởng cũng nêu việc NVIDIA đã ký thỏa thuận với một số đối tác về việc dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam, với cam kết đầu tư từ 4-4,5 tỷ USD trong 4 năm tới. Theo đó, dự kiến giúp tạo thêm khoảng 4.000 việc làm trực tiếp và khoảng 40.000-50.000 việc làm gián tiếp trong những năm tới.
Như Sputnik đã đưa tin, hôm 5/12, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã ký kết thoả thuận hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam.
Thỏa thuận này được xem là "cú hích" quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam; đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và AI.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sự kiện ký kết thỏa thuận với NVIDIA đã được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá rất cao về sự quyết tâm, hành động quyết liệt của các lãnh đạo các cấp, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động, tích cực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông nói: “Sự kiện này cũng tạo một tiếng vang lớn trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ và các quốc gia trên thế giới”.
Ngay sau khi ký kết Thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam nhân chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Jensen Huang, NVIDIA đã triển khai ngay các công việc liên quan như tuyển người, kiện toàn bộ máy lãnh đạo và củng cố, thu hút nhân tài trong và ngoài nước về làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Hiện NVIDIA cũng liên tục đăng tuyển dụng các vị trí kỹ sư, quản lý tại Việt Nam để chuẩn bị cho kế hoạch lớn sắp tới.
Về đề xuất, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội “hiếm có” này để tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Do đó cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Cần phát triển công nghệ lõi, chip chuyên dụng
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu một số khó khăn về phát triển công nghệ bán dẫn ở Việt Nam.
Ông lưu ý ở khâu nghiên cứu, giờ đang thiếu cả về con người lẫn công cụ phần mềm thiết kế. Việc hỗ trợ của nhà nước thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn hạn chế về quy mô, chủ yếu nhằm nâng cao năng lực, tạo dựng nền tảng trong thiết kế vi mạch cho các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu, chưa thực sự tạo ra được các sản phẩm có tính thương mại.
Trong quá trình nghiên cứu thiết kế vi mạch, các nhà khoa học cần kiểm tra, thử nghiệm đều phải gửi ra nước ngoài, do đó sẽ tốn kém cả tài chính và thời gian.
Bộ trưởng chỉ rõ thực tế Việt Nam chưa có phòng chế tạo vi mạch cỡ nhỏ (Minimal Fab) hỗ trợ các nhà nghiên cứu.
“Hiện tại, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn với quy mô công nghiệp của doanh nghiệp Việt, chưa nhiều cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về vi mạch, thiết kế vi mạch”, - ông Đạt đề cập.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề xuất cần nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng Đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Cùng với đó, cần bố trí nguồn lực nghiên cứu, phát triển thiết bị điện tử với trọng tâm là thiết bị điện tử thế hệ mới tích hợp các chip chuyên dụng, chip AI; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài phục vụ thiết kế, sản xuất vi mạch bán dẫn.
Việt Nam cũng cần sớm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm bán dẫn.
Thúc đẩy “ngoại giao bán dẫn”
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam có những lợi thế chiến lược về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông dẫn chứng, trữ lượng đất hiếm Việt Nam đứng thứ hai thế giới, nằm ở vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi (nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu), nguồn nhân lực dồi dào và nhiều tiềm năng (1 trong 16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới với dân số trẻ chiếm tỉ lệ cao, xếp hạng 44/133 nền kinh tế về đổi mới sáng tạo).
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được thành lập cùng các khu công nghệ cao TP HCM, Hòa Lạc, Đà Nẵng. Nhiều khu công nghiệp là điểm đến tiềm năng trong quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất bán dẫn và thu hút vốn FDI của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Amkor, Samsung, Hana Micron, Foxconn, LAM Research, Coherent, Intel...
Ngoài ra, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhà đầu tư tốt như Viettel, FPT, Phenikaa đang đẩy mạnh các dự án cụ thể trong lĩnh vực bán dẫn; bắt đầu có các start-up tiềm năng về bán dẫn như Infrasen, VnChip, Hyphen Deux.
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới như NVIDIA, Samsung, Qualcomm, LAM Research, Marvell, Qorvo được mời gọi sang để tìm hiểu môi trường đầu tư, hướng tới mở rộng sản xuất, kinh doanh và xây dựng cứ điểm tại Việt Nam.
Khuôn khổ hợp tác bán dẫn giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ được thiết lập.Triển vọng hợp tác với Mỹ cũng rất lớn.
Về khó khăn, thách thức, Thủ tướng cho biết nhu cầu về vốn đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn là rất lớn, nhưng cơ chế ưu đãi đặc thù để hỗ trợ đầu tư, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực này còn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu phát triển, đào tạo, ươm tạo cũng như phục vụ sản xuất, kinh doanh; việc cung ứng điện của Việt Nam có nơi, có lúc chưa bảo đảm(như kiến nghị của Samsung và Intel). Hạn chế về tiếp cận công nghệ tiên tiến và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết để phát triển ngành bán dẫn.
Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi, Thủ tướng nhấn mạnh cần có bước đi, lộ trình, định hướng cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; phát huy trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào dứt việc đó.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: “Tiếp tục thúc đẩy ngoại giao bán dẫn, có chính sách visa thuận lợi, phù hợp; nhanh chóng phát triển các trung tâm thiết kế, kiểm thử, đóng gói chip; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn; phát triển lĩnh vực này trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về vị trí địa lý, con người, ổn định chính trị, phát triển hài hòa và cân bằng trong quan hệ với các nước lớn”.
Sớm gỡ lệnh cấm của Mỹ
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương bảo đảm an ninh cung cấp điện, dứt khoát không để thiếu điện, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao vận động các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ sớm đưa Việt Nam ra khỏi các danh sách bị hạn chế xuất khẩu công nghệ cao, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ và thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn.
Bộ Ngoại giao xây dựng "Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử Việt Nam". Nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế về bán dẫn đối với một số quốc gia, nền kinh tế hàng đầu về bán dẫn; tăng cường hợp tác song phương, đa phương về bán dẫn.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tập trung và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, đặc biệt là các nhóm nhiệm vụ cụ thể phát triển chip chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực khoa học công nghệ của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là phát triển các công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng.
Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu có chính sách visa phù hợp, thuận lợi để phát triển ngành bán dẫn.
Thủ tướng đề nghị các bộ làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn về bán dẫn như: Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron. Ông đánh giá việc tập đoàn FPT ký kết hợp tác toàn diện với NIVIDA tháng 4 năm nay cũng là một dấu ấn quan trọng, một bài học về hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bán dẫn nhanh chóng, bền vững và toàn diện.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai xây dựng tuyến đường sắt kết nối từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Lạc và kết nối giao thông ngắn nhất, thuận tiện nhất giữa sân bay Long Thành (Đồng Nai) và Tân Sơn Nhất (TPHCM).