Việt Nam: Đèn 'đang xanh bất ngờ đỏ', Cục CSGT lên tiếng
© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung KiênNgười dân Hà Nội chấp hành luật giao thông tốt lên rõ rệt sau khi Nghị định 168 được triển khai
© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung Kiên
Đăng ký
Trước phản ánh của người dân về việc một số đèn tín hiệu “đang xanh bất ngờ đỏ”, Cục Cảnh sát giao thông đã có phản hồi lý giải nguyên nhân, đồng thời cho biết sẽ kiến nghị đơn vị quản lý đèn tín hiệu sớm nâng cấp.
Sau ngày đầu tiên Nghị định 168/2024 của Chính phủ đi vào hiệu lực, việc chấp hành giao thông tại nhiều tuyến đường và ngã tư đã có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, dù đồng tình với việc tăng mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, nhiều người dân cũng phản ánh tình trạng một số đèn tín hiệu nhảy số không rõ ràng, “đang xanh lại đỏ”, lo ngại họ có nguy cơ bị phạt oan.
“Đèn đang xanh bất ngờ đỏ”
Nghị định 168/2024 của Chính phủ đã chính thức có hiệu lực, với mức phạt nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng gấp nhiều lần. Đây đang là chủ đề "nóng" trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, đặc biệt là lỗi "Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".
Theo đó, người mắc lỗi này đối diện với mức phạt tăng từ 4 - 6 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng (với xe ô tô), tăng từ 1 triệu đồng lên 4 - 6 triệu đồng (với xe máy). Đây là mức phạt nghiêm khắc và đủ sức răn đe, nên phần lớn người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều tài xế tỏ ra lo lắng vì chất lượng đèn tín hiệu ở nhiều đô thị hiện nay không đồng bộ, khiến họ có nguy cơ bị phạt oan.
© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung KiênNgười dân Hà Nội chấp hành luật giao thông hơn khi Nghị định 168 có hiệu lực
Người dân Hà Nội chấp hành luật giao thông hơn khi Nghị định 168 có hiệu lực
© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung Kiên
Trên các trang mạng xã hội, 1 số người khẳng định dù không cố ý vẫn có nguy cơ bị phạt không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông ở những đoạn đường đèn bị lỗi, đặc biệt là khi đèn đếm giây nhảy số không rõ ràng, “đang xanh bất ngờ chuyển sang đỏ”.
Trên các diễn đàn chuyên về giao thông, những bài đăng về vấn đề 'đèn xanh - đèn đỏ' thu hút hàng nghìn lượt tương tác và bình luận của cư dân mạng. Đa số các tài xế đều đồng tình với việc tăng mức phạt, thậm chí tăng cao hơn nữa cũng không vấn đề. Tuy nhiên, người dân mong muốn hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ,... phải hoạt động đúng và đạt tiêu chuẩn.
Nhiều bình luận xung quanh vấn đề này như sau: "khi tôi đi thì đèn vẫn xanh, nháy mắt đã chuyển đỏ"; "đèn hiệu chán lắm, tham gia giao thông mà cứ lo nơm nớp chả biết như nào mà lần"; "đi quanh thành phố đôi khi gặp nhiều đèn tín hiệu rất oái oăm khiến tôi phản xạ không kịp"...
Hoặc nhiều người kêu oan: "tôi gặp đèn 'chập cheng' đã vài lần rồi, nó nháy loạn xạ khiến tôi không biết xanh hay đỏ giờ mức phạt nặng như vậy thì không biết có đi cả tháng lương không?".
© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung KiênNgười dân Hà Nội chấp hành luật giao thông tốt lên rõ rệt sau khi Nghị định 168 được triển khai
Người dân Hà Nội chấp hành luật giao thông tốt lên rõ rệt sau khi Nghị định 168 được triển khai
© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung Kiên
Dù thấy mức phạt lên tới 20 triệu đồng cho hành vi vượt đèn đỏ là xứng đáng, người dân vẫn thấy bất công nếu như phải mất số tiền lớn chỉ vì hệ thống giao thông chưa hoàn thiện chứ không phải do họ cố ý vi phạm.
Phản hồi của Cục Cảnh sát giao thông
Sáng 2/1, báo Tuổi trẻ dẫn lời đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, sau ngày đầu tiên triển khai nghị định 168/2024, việc chấp hành giao thông tại nhiều tuyến đường và ngã tư đã có chuyển biến rõ rệt.
Cụ thể, phần đông người tham gia giao thông đã có ý thức chấp hành việc dừng đèn đỏ, dừng đúng vạch, không vượt đèn đỏ.
"Vi phạm còn tồn tại chủ yếu ở những người hành nghề xe ôm công nghệ, người giao hàng, xe ba bánh... Lực lượng chức năng sẽ kiên trì tuyên truyền, xử lý để người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và hình thành văn hóa giao thông”, vị này nói.
© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung KiênNgười dân Hà Nội chấp hành luật giao thông tốt lên rõ rệt sau khi Nghị định 168 được triển khai
Người dân Hà Nội chấp hành luật giao thông tốt lên rõ rệt sau khi Nghị định 168 được triển khai
© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung Kiên
Cục Cảnh sát giao thông cũng cho hay, việc xử lý nghiêm nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nhằm mục tiêu kiềm chế số vụ tai nạn, số người chết và bị thương.
Đối với phản ánh của người dân về hiện tượng đèn tín hiệu giao thông "đang xanh bỗng dưng đỏ", đại diện Cục Cảnh sát giao thông cũng có phản hồi như sau:
"Nguyên nhân của tình trạng này là ở một số nút giao, hệ thống đèn tín hiệu giao thông là thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công. Do vậy dẫn đến có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày", vị này giải thích.
Ví dụ, một cột đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển chu kỳ từ khung giờ cao điểm sang thấp điểm hoặc ngược lại.
Để khắc phục tình trạng nói trên, Cục Cảnh sát giao thông đã đề nghị các đơn vị vận hành, quản lý hệ thống đèn tín hiệu giao thông sớm tiến hành nâng cấp các đèn tín hiệu đã cũ.
“Người tham gia giao thông sẽ không bị phạt oan, phạt sai trong các trường hợp này do đối với phạt nguội, lực lượng chức năng sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản”, vị đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định.
Riêng đối với biện pháp phạt trực tiếp, lực lượng phụ trách đèn sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông tại chốt, thông báo vi phạm vượt đèn đỏ để dừng, xử lý. Đồng thời, lực lượng cũng sẽ gửi clip từ trung tâm cho cảnh sát tại chốt để thông báo cho người vi phạm.
Đặc biệt, trường hợp lái xe không chấp hành tín hiệu đèn để nhường đường cho xe ưu tiên, xe cấp cứu… sẽ không bị xử phạt. Bởi vì, Luật xử lý vi phạm hành chính đã có quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết.
Theo đó, tình thế cấp thiết được định nghĩa là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.