Việt Nam họp Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII để bàn gì?
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn TấnKhai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
Đăng ký
Chiều nay 23/1, Việt Nam khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13, dự kiến diễn ra trong hai ngày để bàn nhiều nội dung đặc biệt quan trọng.
Bộ Chính trị trình Trung ương cho ý kiến nhiều nội dung cải cách mạnh mẽ, như giảm đầu mối, xóa bỏ trung gian trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đề xuất phương án không tổ chức công an cấp quận, huyện.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương cho ý kiến, đặc biệt là các nội dung liên quan đến sự điều hành, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó chỉ rõ “những phần chưa được, những tồn tại, những nội dung cần phải sửa chữa, điều chỉnh”.
Tổng kết Nghị quyết 18
Theo TTXVN đưa tin, chiều ngày 23/1, tại Hà Nội đã diễn ra trọng thể lễ khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc hội nghị. Chủ tịch nước Lương Cường điều hành phiên khai mạc.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến với 5 nội dung, trong đó có 3 nhóm vấn đề quan trọng, bao gồm: Tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đề án bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030; công tác cán bộ theo thẩm quyền của Trung ương; báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2024; báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và chương trình kiểm tra, giám sát năm 2025.
Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh nhóm vấn đề tổng kết Nghị quyết 18. Đây là nội dung trọng tâm nhất của hội nghị lần này.
Căn cứ kết luận của Trung ương tại hội nghị ngày 25/11/2024, trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết 18 từ năm 2017 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết liệt chỉ đạo khẩn trương tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy mới trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, thực hiện bài bản, khoa học, đảm bảo đúng điều lệ của Đảng, quy định, nguyên tắc, định hướng chỉ đạo của Trung ương.
© Ảnh : TTXVN - Hoàng Thống NhấtKhai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
© Ảnh : TTXVN - Hoàng Thống Nhất
Trong vòng 2 tháng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ra 21 kết luận, quyết định, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 đã ban hành 39 văn bản hướng dẫn triển khai hoạt động liên quan đến tổng kết Nghị quyết này.
Theo người đứng đầu Đảng, các cơ quan, ban Đảng Trung ương, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị, xã hội Trung ương đã đi đầu nêu gương, khẩn trương rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ sắp xếp đầu mối bên trong theo định hướng.
Chính phủ đã khẩn trương ban hành các chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động góp phần giải tỏa tâm tư, tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp.
Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai việc thực hiện, tổng kết, nghiên cứu, đề xuất phương án tinh gọn, kết thúc hoạt động, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan đồng bộ theo chỉ đạo của Trung ương.
Việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân; theo đúng tinh thần Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện cũng không chờ cơ sở. Đến nay, về tỏng thể nhiều phần việc đã vượt tiến độ đề ra, bảo đảm đúng định hướng mà Trung ương chỉ đạo.
Theo người đứng đầu Đảng, các công việc thuận lợi, nhanh chóng là vì đã kế thừa các kết quả công tác sắp xếp bộ máy tổ chức đã được triển khai từ nhiều nhiệm kỳ trước, nhiều vấn đề thực tiễn về bộ máy đã được đánh giá và thấy được sự cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nay Trung ương đặt vấn đề tổng kết nên đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao trong Đảng, trong nhân dân, vì đây là những vấn đề đã chín, đã rõ.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị trình Trung ương cho ý kiến vào báo cáo tổng kết Nghị quyết 18, cũng như phương án bố trí, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị với nhiều nội dung mang tính cải cách mạnh mẽ, như giảm đầu mối, xóa bỏ trung gian trong các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đề xuất phương án không tổ chức công an cấp quận, huyện trong hệ thống Công an nhân dân.
© Ảnh : TTXVN - Hoàng Thống NhấtKhai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
© Ảnh : TTXVN - Hoàng Thống Nhất
Tổng Bí thư lưu ý, đây là những vấn đề đặc biệt hệ trọng, mang tính cách mạng cao, đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, đánh giá để tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong tổ chức thực hiện.
Đồng thời, cho ý kiến về những công việc cần tiếp tục triển khai để đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nhằm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Phấn đấu tăng trưởng từ 8% năm 2025
Đối với nhóm các vấn đề kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh, từ sau Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng nhằm tạo nền tảng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường hoàn thiện hạ tầng nhân lực, đặc biệt là những vấn đề mới được thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đây là cơ sở để đặt mục tiêu phát triển cao hơn, cụ thể là đến năm 2025 Việt Nam phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8 % trở lên, tạo đà tăng trưởng liên tục hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
© Ảnh : Hoàng Thống NhấtKhai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
© Ảnh : Hoàng Thống Nhất
Ông lưu ý, nếu không phấn đấu các mục tiêu trên thì nhiều khả năng sẽ không đạt mục tiêu của cả giai đoạn 2021 - 2025, không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, không thể thực hiện được hai mục tiêu 100 năm đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến những vấn đề này, nhất là các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tranh thủ cơ hội phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế các dư địa nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, góp phần đạt được các mục tiêu đã đề ra năm 2025 và cả giai đoạn 2026 - 2030.
Ông cũng yêu cầu từng địa phương, bộ, ngành phải tìm ra những việc cần làm ngay và phải triển khai quyết liệt ngay những việc làm đó thì mới có thể đạt được những chỉ tiêu đề ra.
Chỉ rõ “phần chưa được” trong điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Đối với công tác cán bộ, Tổng Bí thư cho biết, Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương các chủ trương, phương án kiện toàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phương án giới thiệu, bố trí cán bộ các cơ quan sau khi sắp xếp, kiện toàn một số công việc khác liên quan đến công tác cán bộ.
Điều này nhằm từng bước hoàn thiện, tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng, đảm bảo các cơ quan trong hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu rất cao về phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nhằm tạo tiền đề cho công tác tổ chức cán bộ cho Đại hội Đảng lần thứ XIV.
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn TấnKhai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
Đáng chú ý, về đánh giá, kiểm điểm sự điều hành, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024, báo cáo công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và chương trình kiểm tra, giám sát năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương cho ý kiến, nhất là các nội dung liên quan đến sự điều hành, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
“Những phần làm được hay những ưu điểm thì chỉ cần các đồng chí ghi nhận, chúng tôi sẽ rất cần các đồng chí tập trung cho ý kiến về phần chưa được, những tồn tại, những nội dung cần phải sửa chữa, điều chỉnh, cần triển khai thực hiện đối với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thậm chí đối với từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Tổng Bí thư đề nghị các Trung ương, các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung để hội nghị đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.