Trump gây kinh hãi cho Trung Quốc, Việt Nam không thể chủ quan
15:51 04.02.2025 (Đã cập nhật: 15:52 04.02.2025)
Đăng ký
Tổng thống Donald Trump vừa áp loạt thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc đã gây lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu. Việt Nam là nước có thâm hụt thương mại với Mỹ, do đó, cần có phương án đối phó.
Theo chuyên gia, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bằng cách này, Việt Nam không chỉ có thể thu hút đầu tư chất lượng, tránh được rủi ro từ căng thẳng thương mại, tận dụng cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng, mà còn từng bước trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ chiến lược trong khu vực.
Trump gây kinh hãi vì nguy cơ chiến tranh thương mại quy mô lớn
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump - “ẩn số” gây kinh hãi cho nền thương mại toàn cầu – đã ký sắc lệnh áp thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.
Điều này đang gây ra lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu, bởi bất kỳ quốc gia nào có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu.
Chưa hết, việc giá cả hàng hóa leo thang, sức mua của người tiêu dùng suy giảm có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, nơi có nền kinh tế với độ mở cao, phụ thuộc vào xuất khẩu và dòng vốn FDI.
Khi các quốc gia tăng cường áp thuế lẫn nhau, không chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu bị tác động, mà các biện pháp phi thuế quan khác cũng có thể xuất hiện.
Theo giới chuyên gia, một cuộc chiến thương mại quy mô lớn có nguy cơ bùng phát từ hàng loạt phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia chịu ảnh hưởng chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ.
Đặc biệt, khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại mới dưới thời của chính quyền Trump nhiệm kỳ hai có thể dẫn đến mức thuế cao hơn đối với hàng tái xuất, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên nhận định, kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Donald Trump có thể dẫn đến tình trạng thu gom hàng “chạy thuế”, làm cho nhu cầu và giá cước vận chuyển container tăng mạnh.
Việt Nam cũng đứng trước thách thức cạnh tranh xuất khẩu về giá do gia tăng các chi phí về logistics.
Khi chính sách thuế nhập khẩu tăng lên, nhu cầu tiêu dùng từ Mỹ về lâu dài có thể giảm do chi phí hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ, từ đó kéo theo sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam.
Điều này cần đặc biệt lưu ý với với tỷ trọng 30% giá trị hàng xuất khẩu là sang thị trường Mỹ, GDP của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng một cách sâu rộng.
Đó là chưa tính đến trường hợp nhu cầu Mỹ sẽ dẫn tới việc hàng hóa giá rẻ từ một số quốc gia sẽ tràn sang những thị trường khác, tạo áp lực cạnh tranh lên hàng hóa và các ngành công nghiệp nội địa của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế TS. Hà Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh tế tại Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam phân tích trước đó thì việc ông Trump đề xuất áp thuế toàn diện lên hàng nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí hàng hóa Việt Nam tại Mỹ, khiến các ngành xuất khẩu lớn như điện tử, may mặc, và da giày mất lợi thế cạnh tranh.
Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam, vốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hợp đồng và thị trường.
Chiến lược mặc cả của Mỹ và Donald Trump
Báo Tuổi trẻ dẫn lời TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam không nên vội mừng vì không nằm trong các quốc gia áp thêm thuế hoặc các mặt hàng bị đánh thuế chưa rơi vào nhóm xuất khẩu chủ lực.
“Bởi lẽ sớm hay muộn, chiến lược mặc cả trong đàm phán thương mại của Mỹ sẽ nhắm đến các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn”, - ông Việt nói.
Theo ông, khi các biện pháp thuế quan và trừng phạt qua lại giữa các nền kinh tế lớn leo thang, giá cả hàng hóa sẽ tăng mạnh. Doanh nghiệp buộc phải chuyển phần thuế này vào giá bán, và người tiêu dùng cuối cùng là bên phải gánh chịu chi phí cao hơn. Có phân tích cho thấy, mỗi người dân Mỹ sẽ chịu thêm một khoản chi phí không nhỏ do chính sách áp thuế.
Đây có thể là lý do khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lo ngại tình trạng lạm phát quay trở lại, buộc phải cân nhắc trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất. Chính quyền Mỹ, đặc biệt là sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, có xu hướng sử dụng thuế suất như một công cụ mặc cả trong quan hệ thương mại. Theo đó, bất kỳ quốc gia nào có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu, mà Việt Nam không phải ngoại lệ.
Ông Hoàng Mạnh Cường, đồng sáng lập Công ty TNHH Vinaxo - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh trái cây sấy, cho rằng Trung Quốc và Mexico đang là 2 đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Việt Nam trong ngành hàng này tại thị trường Mỹ.
Song, theo ông, thách thức không chỉ đến từ các quốc gia này, mà còn từ chính những hoạt động thương mại ngay trên lãnh thổ Việt Nam.
"Một mối nguy tiềm ẩn lớn mà chúng ta phải đối mặt là việc các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là từ Ấn Độ và Trung Quốc đến Việt Nam mở nhà xưởng, thực hiện tạm nhập tái xuất hoặc đơn giản là đóng gói lại sản phẩm từ Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ dưới nhãn mác "made in Vietnam" để né thuế. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, điều này có thể ảnh hưởng ngành xuất khẩu", - ông Cường lưu ý.
Việt Nam cần tránh vết xe đổ của Trung Quốc, Canada, Mexico
TS. Nguyễn Quốc Việt cảnh báo, hệ quả tất yếu của căng thẳng thương mại là sự dịch chuyển sản xuất. Các doanh nghiệp Đông Bắc Á có thể chuyển một phần sản xuất sang Đông Nam Á để né thuế, từ đó càng làm gia tăng thâm hụt thương mại giữa các nước đó với Mỹ.
Nếu khoảng cách giữa xuất khẩu sang Mỹ và nhập khẩu từ Mỹ ngày càng lớn, Việt Nam sẽ có thể bị "soi" kỹ hơn.
Dù vậy, theo chuyên gia, đây cũng có thể là cơ hội chiến lược. Là điểm đến hấp dẫn của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ đầu tư mạnh hơn vào thị trường nội địa.
Nếu các ông lớn Mỹ bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp này không chỉ có thể khai thác thị trường trong nước, mà còn có thể coi Việt Nam như một cửa ngõ để tiếp cận sâu hơn vào Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, việc mở cửa hơn nữa lĩnh vực dịch vụ có thể là một chiến lược quan trọng. Nếu thu hút được những doanh nghiệp top đầu về trí tuệ nhân tạo (AI), tài chính - ngân hàng, bảo hiểm hay giáo dục của Mỹ, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm dịch vụ của khu vực.
Điều này không chỉ giúp cân bằng thương mại, mà còn tạo ra động lực tăng trưởng mới cho đất nước.
"Việc cân bằng thương mại với Mỹ không thể diễn ra ngay lập tức với các nước trong khu vực. Nhưng nếu có những biện pháp khéo léo và mở cửa thị trường một cách phù hợp, đây có thể trở thành động lực và tạo ra không gian tăng trưởng mới mà Việt Nam đang hướng tới", - báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Quốc Việt.
Theo chuyên gia, để tận dụng cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro căng thẳng thương mại, Việt Nam cần thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Làm được như vậy, Việt Nam không chỉ có thể thu hút đầu tư chất lượng, mà còn từng bước trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ chiến lược trong khu vực.
Theo ông Hoàng Mạnh Cường, chính quyền Mỹ hiện nay ngày càng quan tâm đến việc cân bằng cán cân thương mại, và những thay đổi về chính sách có thể tác động mạnh đến ngành xuất khẩu.
Ông Cường cho rằng, các doanh nghiệp chỉ có thể cố gắng làm tốt phần việc của mình, còn để đảm bảo cân bằng cán cân thương mại mà chính quyền Mỹ quan tâm, cần có sự điều chỉnh từ chính sách vĩ mô.
"Chúng tôi hy vọng Chính phủ năm nay sẽ có sự định hướng đúng đắn, kịp thời và hiệu quả để lèo lái ngành xuất khẩu, đặc biệt là thế mạnh của Việt Nam là nông sản, vươn mạnh để cạnh tranh", - ông Cường chia sẻ.
Giảm phụ thuộc vào Mỹ
Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung khuyến nghị, cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường khác như EU, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Bên cạnh đó, việc gia tăng giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào gia công cũng là một giải pháp cần thiết nhằm hạn chế rủi ro bị đánh thuế.
"Ngoài ra cần nâng cao tính minh bạch trong chứng nhận xuất xứ sản phẩm để tránh bị nghi ngờ, đồng thời tận dụng các hiệp định thương mại tự do khác nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Năm 2023, Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên thép Việt Nam với mức lên đến 256%", - chuyên gia cảnh báo.
Ngoài ra, cần lưu ý là sự bất ổn địa chính trị và căng thẳng thương mại toàn cầu có thể leo thang bất cứ lúc nào, nhất là khi các nước đã tuyên bố sẽ đưa ra những cách trả đũa khác nhau.
Trước tình hình đó, với việc sở hữu nhiều lợi thế như môi trường chính trị ổn định, đường bờ biển dài thuận lợi cho giao thương, có hàng loạt hiệp định thương mại ưu đãi lớn, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội, biến thách thức thành lợi thế.
Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc Mỹ tăng mức áp thuế với các nước đã được dự báo trước và có thể Việt Nam lâm vào cảnh tương tự. Do đó việc chủ động tính toán để có giải pháp tránh thiệt hại là điều cần thiết.
Đối với ngành rau quả, Việt Nam hiện nay đang xuất khẩu đến khoảng 80 quốc gia, trong đó kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ đạt khoảng 300 triệu USD với 7 mặt hàng xuất chính ngạch.
“Chúng tôi đang cố gắng thay đổi tình trạng "bỏ trứng vào một rổ" bằng cách giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường lớn, đồng thời gia tăng xuất khẩu qua thị trường mới như châu Phi, Trung Đông...”, - ông Bình nói.
Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe cho rằng, Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Mọi bước đi của Mỹ đều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành thuỷ sản Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Hoè, Việt Nam có những sản phẩm thế mạnh như cá tra và tôm. Đây đều là thực phẩm thiết yếu, không nhiều nước sản xuất lớn, nên các nước phải nhập khẩu và tiêu dùng.
Ngoài ra, theo ông, thách thức cũng đi liền với cơ hội nếu Việt Nam biết cư xử hợp lý và chủ động. Chẳng hạn, tôm nguyên liệu của Ecuador và Ấn Độ đang có giá bán khá tốt trên thế giới.
Thay vì chỉ xuất tôm nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã điều chỉnh sang hướng tăng chế biến sâu để cạnh tranh và đã thành công, trong đó có việc thâm nhập tốt vào thị trường Mỹ.
Có thể thấy, điều quan trọng là Việt Nam có những sản phẩm gì, có cái khách hàng cần hay không và giá bán phải thật tốt.