Cựu đại sứ Việt Nam bị tố "mang tranh đi tặng không xin phép", họa sĩ đòi lại tranh nghìn USD
© Ảnh : Báo VietNamNet/Đại sứ Nguyễn Hoàng LongÔng Nguyễn Hoàng Long, tân Thứ trưởng Công Thương.

Đăng ký
Một vụ việc gây tranh cãi liên quan đến quyền sở hữu tác phẩm nghệ thuật vừa được chia sẻ công khai trên mạng xã hội, khi họa sĩ Trần Gia Tùng công bố thư ngỏ gửi cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Anh, ông Nguyễn Hoàng Long, hiện là Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Nội dung thư xoay quanh việc một số bức tranh của ông Tùng và ba họa sĩ khác bị mang đi triển lãm rồi sử dụng làm quà tặng, mà không có sự đồng ý từ tác giả.
Theo thư ngỏ đăng trên trang cá nhân, họa sĩ Trần Gia Tùng cho biết bốn bức tranh của ông cùng tranh của các họa sĩ Lê Minh, Trần Trung Thành và Trần Mạnh Linh được ông Nguyễn Hoàng Long mang đến Anh năm 2020 để triển lãm nhân sự kiện Ngày Văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sự kiện không diễn ra. Các tác phẩm sau đó tiếp tục lưu tại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh.
Đến năm 2024, sau khi ông Long về nước và đảm nhận vai trò Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Tùng liên hệ đề nghị được nhận lại tranh thì không thể liên lạc. Ông cho biết mình bị chặn liên lạc hoàn toàn. Theo ông Tùng, những bức tranh này đã bị "tặng hoặc bán" mà không có sự đồng ý nào từ các tác giả.
"Hiện, tôi muốn được trả lại tranh hoặc được trả tiền cho 3 bức tranh của mình đã được ông Long mang đi triển lãm, mỗi bức tranh trị giá 5.000 USD", họa sĩ Trần Gia Tùng nói.
Là những người sáng tạo nghệ thuật, ông Tùng cho biết quyền sở hữu và quyền tác giả đối với tác phẩm của mình phải được tôn trọng theo đúng quy định pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế về sở hữu trí tuệ. Ông cũng nhấn mạnh mình là một trong những người đầu tiên đưa tranh ra nước ngoài làm ngoại giao văn hóa từ năm 2008 và đây là lần đầu gặp sự việc như vậy.
Cựu đại sứ nói “rất tiếc và thật buồn”
Trả lời phỏng vấn VTC News tối 26/3, ông Nguyễn Hoàng Long xác nhận có nhận tranh từ nhóm họa sĩ qua đầu mối là họa sĩ Trần Trung Thành. Ông Long cho biết các bức tranh được dùng để trưng bày tại Đại sứ quán và một số được tặng làm quà đối ngoại cấp cao.
Theo cựu đại sứ Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ quán không biết các hoạ sĩ khác muốn gì vì chỉ làm việc thống nhất với hoạ sĩ Trần Trung Thành, cũng không biết về giá cả của các tranh vì mục đích chỉ làm triển lãm, quảng bá nghệ thuật Việt Nam, tặng quà một số lãnh đạo cấp cao của Anh, và đã gửi lại hoạ sĩ Thành như thống nhất.
“Nội bộ nhóm hoạ sĩ không thống nhất với hoạ sĩ Thành nên Đại sứ quán không biết vấn đề này. Sứ quán chỉ làm việc và nhận tranh làm sự kiện quảng bá văn hoá đối ngoại từ hoạ sĩ Thành và đã thống nhất với hoạ sĩ Thành. Thực tế các hoạt động đã rất thành công, góp phần nâng cao vị trí hình ảnh đối ngoại của Việt Nam tại Anh”, ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
Theo cựu đại sứ, Đại sứ quán và hoạ sĩ Thành quan hệ thân thiết và hợp tác tốt. Hoạ sĩ Thành gửi tranh cho sứ quán không có giấy biên nhận, không cụ thể tranh nào của ai. Đại sứ quán làm công việc quảng bá hình ảnh, văn hoá Việt Nam, tặng một vài tranh đối ngoại cấp cao và gửi lại Thành (cũng không giấy biên nhận tranh nào, của ai) như đã thống nhất. Việc này cũng đã thực hiện trong nhiều năm rồi.
“Tôi nghĩ những hoạ sĩ đã từng tham gia với Đại sứ quán đều hiểu đánh giá cao Đại sứ quán. Hoạ sĩ Thành khi nhờ mang tranh đi triển lãm, làm đối ngoại đã ca ngợi hết lời, vì mang lại danh tiếng cho các hoạ sĩ và cũng không tốn bất kỳ chi phí nào, cũng chẳng biên nhận và nói giá tranh. Bây giờ sau nhiều năm nội bộ lục đục thì quay lại đòi Đại sứ quán một vài tranh và tính tiền. Đây là việc rất tiếc và thật buồn”, ông Nguyễn Hoàng Long nói.