Việt Nam không cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến nơi có tham chiến
21:37 15.05.2025 (Đã cập nhật: 21:39 15.05.2025)
© SputnikLực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

© Sputnik
Đăng ký
Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, với việc thực hiện chính sách quốc phòng "4 không", Việt Nam không đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tham gia ở các khu vực tham chiến.
Thông qua nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, giúp các nước tin tưởng Việt Nam hơn nữa, qua đó thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lan toả hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Chiều 15/5, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Tại phiên làm việc, Đại tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 1.083 cán bộ, nhân viên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Trong đó, Bộ Quốc phòng đã cử 1.067 chiến sĩ (với 6 lượt bệnh viện dã chiến cấp hai và 3 đội công binh; 137 lượt theo hình thức cá nhân).
Tỷ lệ nữ của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là trên 16%, cao hơn mức trung bình so với các nước (6-7%). Mặc dù Liên Hợp Quốc không quy định cụ thể nhưng khuyến khích các nước tăng tỷ lệ nữ.
"Ấn tượng nhất là dù trong điều kiện y tế khó khăn nhưng các y bác sĩ đã cấp cứu thành công 2 ca sản phụ. Ở đây, quyết định cá nhân phải nhanh, thứ hai là ý chí của tập thể và cũng phải có trình độ, năng lực. Tưởng rằng 2 ca này không thể qua được nhưng bệnh viện đã cấp cứu thành công", báo Vietnamnet dẫn lời Đại tướng Nguyễn Tân Cương thông tin tại buổi làm việc.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, các cán bộ, chiến sĩ còn tham gia hoạt động xã hội nhằm truyền bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
"Nhân dân nước sở tại khi thấy đội gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở đấy thì rất phấn khởi, đã hát những bài về Việt Nam, Bác Hồ..., rất xúc động", Tổng Tham mưu trưởng bày tỏ.
Theo ông, các cán bộ, chiến sĩ khi lên đường thực hiện công tác đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế cũng đánh giá rất cao các chiến sĩ Việt Nam.
"Lúc đầu, chúng ta triển khai thì chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng từ năm 2018 đến nay thì hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ. Phó Tổng thư ký và cố vấn quân sự của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã gửi thư cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam đối với bệnh viện dã chiến cấp hai", Đại tướng Nguyễn Tân Cương thông tin.
Trong khi đó, Đội Công binh cũng được lãnh đạo phái bộ đánh giá cao khi làm thay đổi diện mạo của phái bộ.
Theo Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Việt Nam có 4 sĩ quan quân đội và 2 sĩ quan công an trúng tuyển vào cơ quan của Liên Hợp Quốc, khi hết nhiệm kỳ được đề nghị công tác tiếp. Được biết, để vào các vị trí này thông thường phải thi tuyển theo tiêu chí của Liên Hợp Quốc.
Không đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến nơi có tham chiến
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, mặc dù lực lượng tham gia không nhiều nhưng có thể khẳng định, thông qua nhiệm vụ này, vị thế, uy tín của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế; góp phần giúp các nước tin tưởng Việt Nam hơn; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ của Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Australia... trong huấn luyện, đào tạo sĩ quan tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã làm chủ công tác huấn luyện.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương cũng cho biết, về chế độ chính sách, tiền lương của cán bộ, chiến sĩ do Liên Hợp Quốc trả trực tiếp vào tài khoản cá nhân. Mỗi tháng, Liên Hợp Quốc sẽ cử lực lượng đến kiểm tra có bao nhiêu phương tiện tham gia hoạt động để tính khấu hao, nhân công, sau đó tính thành tiền trả cho Việt Nam.
Dù vậy, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cũng gặp không ít khó khăn. Đó là tình hình an ninh phức tạp với xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo; thời tiết khắc nghiệt; dịch bệnh phức tạp; đời sống nhân dân sở tại khó khăn..., từ đó dẫn đến tệ nạn xã hội, đặc biệt là trộm cắp, cướp giật.
Chính lực lượng Việt Nam cũng từng gặp một số trường hợp như vậy nhưng đã kịp thời xử lý, bảo đảm an toàn. Đồng thời, môi trường làm việc đa văn hóa, sắc tộc yêu cầu tính chuyên nghiệp, làm việc độc lập và ngoại ngữ cao. Người chỉ huy phải có tính quyết đoán.
Do đó, Đại tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh nhu cầu cần phải có Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung lực lượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình để đa dạng hóa.
"Dự thảo luật quy định rất rõ chúng ta tham gia những lĩnh vực gì, nguyên tắc tham gia... Chúng ta thực hiện chính sách quốc phòng "4 không", vì vậy không đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tham gia ở các khu vực tham chiến...", Đại tướng Nguyễn Tân Cương lưu ý.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng nhấn mạnh quan điểm, những gì không cấm, không thuộc về bí mật quốc gia hay bí mật quân sự thì được truyền bá.