2 trận động đất lớn nhất Việt Nam 100 năm trở lại đây đều ở Điện Biên

© AP PhotoMột trận động đất (hình ảnh tham khảo)
Một trận động đất (hình ảnh tham khảo) - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.05.2025
Đăng ký
Liên tiếp động đất ở Điện Biên. Sáng nay, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Các Khoa học Trái đất) tiếp tục ghi nhận động đất có độ lớn 3.5 ở huyện Mường Chà.
Đáng chú ý, trong 100 năm trở lại đây, hai trận động đất lớn nhất Việt Nam đều xảy ra ở Điện Biên. Nhà chức trách đang theo dõi diễn biến mới nhất, đồng thời khuyến cáo người dân tại khu vực bị ảnh hưởng cần giữ bình tĩnh, theo dõi thông tin chính thức từ cơ quan chức năng và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh thiên tai khi có yêu cầu.

Động đất 3.5 độ richte ở Điện Biên

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Các Khoa học Trái đất) phát đi thông tin cho biết, vào lúc 10 giờ 21 phút 53 giây ngày 23/5 (giờ địa phương), một trận động đất có độ lớn 3.5 đã xảy ra tại khu vực huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.
Trận động đất có tọa độ tâm chấn 21.743 độ vĩ Bắc, 103.146 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trận động đất này được xác định không gây ra rủi ro thiên tai, do cường độ thấp và không có dấu hiệu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực dân cư hoặc cơ sở hạ tầng.
Thời gian gần đây, một chuỗi động đất đáng chú ý được ghi nhận ở Điện Biên từ ngày 16/5. Theo đó, vào ngày 16/5, địa phương này đã ghi nhận hai trận động đất liên tiếp, với độ lớn lần lượt là 5.0 và 4.0.
Trong đó, trận động đất mạnh 5.0 được đánh giá có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 tại khu vực gần tâm chấn – mức có thể gây ảnh hưởng đến kết cấu các công trình dân dụng.
Nhiều người dân ở các khu vực lân cận như TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và thị xã Mường Lay cho biết đã cảm nhận rõ rung chấn trong các trận động đất này.
Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, trận động đất 5.0 độ xảy ra ngày 16/5 đã khiến 8 ngôi nhà, 4 điểm trường học, 1 trạm y tế và 3 trụ sở cơ quan bị nứt tường, với tổng thiệt hại ước tính khoảng 1,85 tỷ đồng.
Hiện tại, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến địa chấn tại khu vực.
Đồng thời, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân giữ bình tĩnh, theo dõi thông tin chính thức và chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó thiên tai khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng.
Biểu đồ địa chấn với các giá trị đỉnh - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.05.2025
Một loạt các trận động đất xảy ra ở Myanmar

Vì sao Điện Biên lại xảy ra động đất mạnh?

Tỉnh Điện Biên nằm trong khu vực Tây Bắc, nơi có 2 dải đứt gãy địa chấn lớn là Điện Biên - Lai Châu và Sông Mã - Sơn La, nên thường xuyên xảy ra động đất trên địa bàn tỉnh.
Cần nhắc lại rằng, trong vòng 100 năm qua, hai trận động đất lớn nhất từng ghi nhận tại Việt Nam đều xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Cụ thể, năm 1935, một trận động đất có độ lớn 6.9 xảy ra ở phía Nam lòng chảo Điện Biên. Đến năm 1983, một trận động đất khác mạnh 6.7 có tâm chấn tại huyện Tuần Giáo. Rất may, cả hai trận động đất này đều không gây thiệt hại lớn do khu vực vào thời điểm đó chủ yếu là đồi núi, ít công trình xây dựng.
Tuy nhiên, trận động đất năm 2001 với độ lớn 5.3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, làm sập đổ hoặc hư hỏng hàng loạt công trình, với tổng thiệt hại lên đến khoảng 210 tỷ đồng. Năm 2022, một trận động đất lớn 4,5 độ cũng được ghi nhận tại huyện Điện Biên Đông.
Do đó, theo các chuyên gia, nguy cơ động đất tại khu vực này vẫn hiện hữu và có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong tương lai, đặc biệt nếu xảy ra ở những khu vực đông dân cư hoặc nơi có công trình trọng điểm.
Do đó, việc đánh giá và cập nhật bản đồ nguy cơ động đất cần được tiến hành thường xuyên để phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như thiết kế kháng chấn cho các công trình xây dựng.
Tiến sĩ Trần Xuân Anh, Phó Viện trưởng Viện Các Khoa học Trái đất – cho biết, Viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về đặc điểm địa chất, kiến tạo và hoạt động địa chấn tại khu vực tỉnh Điện Biên và các vùng lân cận. Đồng thời, Viện cũng cam kết sẽ thông tin kịp thời về các hoạt động địa chấn tới chính quyền địa phương và người dân nhằm nâng cao khả năng ứng phó.
Theo “Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần”, khi nhận được tin báo về động đất hoặc cảnh báo sóng thần, Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm nhanh chóng thông tin tới người dân, tổ chức hướng dẫn sơ tán, huy động phương tiện hỗ trợ và đảm bảo an ninh, trật tự trong khu vực.
Người dân tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cũng cần chủ động nắm bắt thông tin, chuẩn bị sẵn sàng sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала