Bỏ độc quyền vàng miếng là 'mồ chôn' của buôn lậu và chênh lệch giá vàng
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn ĐiệpĐại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn phát biểu

© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn Điệp
Đăng ký
Sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về xoá độc quyền vàng miếng, các đại biểu cho rằng đã đến lúc thay đổi tư duy về vàng, cần minh bạch và trả vàng về đúng vị trí của nó như một loại hàng hóa thuần tuý.
Việc độc quyền vàng miếng kéo dài nhiều năm đã tạo ra những méo mó trên thị trường, đẩy giá trong nước và thế giới ngày càng chênh lệch. Giờ là lúc gỡ bỏ những rào cản, tạo điều kiện cho vàng miếng lưu thông thuận lợi trên thị trường.
“Việc cần làm từ lâu”
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) cho rằng, việc xóa độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng là cần thiết và lẽ ra cần làm từ vài năm trước.
“Với quy trình vừa kiểm soát sản xuất, phân phối, nhập khẩu vàng miếng hiện nay thì chưa đúng với nguyên tắc hoạt động của thị trường; đồng thời rất khó để xử lý, giải quyết những chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, kể cả câu chuyện buôn lậu vàng qua biên giới”, - báo PLO dẫn lời đại biểu đoàn TP.HCM.
The ông Tuấn, khi các doanh nghiệp được tạo điều kiện nhập khẩu vàng (kể cả sản xuất và bán ra) như những hàng hóa khác thì khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới mới có thể được rút ngắn.
Do đó, đại biểu cho rằng cần tạo điều kiện, cấp phép cho nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vàng miếng, tạo nguồn cung dồi dào, giúp cân bằng lại mức chênh lệch của giá vàng trong nước với thế giới.
“Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong bình ổn vàng, kiểm soát và hạn chế được vấn đề buôn lậu vàng miếng qua biên giới”, - đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cũng đề xuất có thể mở rộng sản xuất vàng miếng nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, chứ không chỉ dừng ở việc chỉ định như hiện nay.
“Chúng ta cần gỡ những rào cản, tạo điều kiện cho thị trường vàng miếng lưu thông một cách thuận lợi trên thị trường, tuy nhiên Nhà nước vẫn giữ vai trò kiểm soát chung. Khi đó, nguồn cung vàng miếng cho thị trường sẽ dồi dào và thuận hơn, sự ổn định của thị trường cũng tốt hơn”, - đại biểu đoàn TP.HCM nêu ý kiến.
Thay đổi tư duy về vàng
Về phần mình, đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại) cho biết,những bất cập trong quản lý thị trường vàng đã tồn tại từ lâu. Việc Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu xóa độc quyền vàng miếng, nghiên cứu lập Sở giao dịch vàng quốc gia, mở rộng quyền nhập khẩu có kiểm soát… là cần thiết, có cơ sở pháp lý và thực tiễn.
“Vàng không phải là lĩnh vực quá to tát như bất động sản hay chứng khoán, nhưng lại trở thành điểm nóng vì không được quản lý đúng với bản chất là một loại hàng hóa”, - ông Trịnh Xuân An nhận định.
Theo ông, Nghị định 24 về quản lý vàng đã lỗi thời, cần phải sửa đổi theo hướng bỏ độc quyền một cách có kiểm soát. Trong đó, Nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng, nhưng cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh vàng, thay vì chỉ giao cho một tổ chức.
Ông An cho rằng không nên biến vàng thành tài sản trú ẩn, nơi cất giấu dòng tiền bất hợp pháp hoặc công cụ để rửa tiền. Đại biểu ủng hộ thúc đẩy phát triển vàng trang sức mỹ nghệ, lĩnh vực còn nhiều dư địa và có thể giúp tăng thu ngân sách.
“Giao các tổ chức tín dụng bán vàng là không đúng nguyên tắc thị trường”, - đại biểu Trịnh Xuân An kiến nghị.
Ông cũng đề xuất cần để thị trường vàng vận hành theo quy luật cung – cầu, chứ không nên áp đặt cơ chế hành chính theo kiểu ‘ai được bán, ai được mua’.
Đại biểu Trịnh Xuân Anh cũng đồng ý với đề xuất thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia, song nhấn mạnh đây phải là sàn giao dịch minh bạch, có kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, tránh để biến tướng thành “sàn vàng ảo” như trước đây.
“Chúng ta đã đến lúc thay đổi tư duy về vàng. Đừng coi vàng là thứ gì quá đặc biệt. Khi được trả về đúng vị trí của một loại hàng hóa thuần túy, thị trường vàng sẽ lành mạnh và đóng góp tích cực cho nền kinh tế”, - ông An chia sẻ.
ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, trong bối cảnh giá vàng diễn biến phức tạp, có sự chênh lệch giá giữa các thương hiệu vàng trong nước với nhau, sự chênh lệch rất lớn giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới, việc Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu xóa bỏ độc quyền nhà nước về vàng miếng, cho phép nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, mở rộng nhập khẩu có kiểm soát và nghiên cứu áp dụng thuế với giao dịch mua bán vàng là hết sức cần thiết.
Sau chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan chức năng cần triển khai nghiêm túc việc xoá bỏ độc quyền vàng, đồng thời dùng chính sách thuế để điều tiết xuất nhập khẩu vàng, quản lý vàng, mở ra phương thức kinh doanh mới để giao dịch qua sàn và có nhiều kênh để huy động vàng. Như vậy sẽ đảm bảo ổn định thị trường vàng và trả thị trường vàng về đúng nghĩa.