Trong một phóng sự mới đăng tải trên Kênh truyền hình Quốc phòng, Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Trực thăng — Binh đoàn 18 đã tìm hướng đi của riêng mình trong lĩnh vực sửa chữa trực thăng vừa phù hợp với chương trình đại tu theo tiêu chuẩn mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Hiện Việt Nam là quốc gia duy nhất ngoài Nga có chứng chỉ sửa chữa đại tu máy bay trực thăng dòng Mi.
Để làm được điều đó, đơn vị đã đầu tư trang bị nhiều dụng cụ sửa chữa mới, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sửa chữa, đại tu theo khuyến nghị của Viện Mi ở Nga.
Công ty đã hoặc là đặt mua trang thiết bị phù hợp với khuyến nghị hoặc là có những sáng kiến kỹ thuật được Viện Mi kiểm tra và chấp thuận.
Đây là thành tựu rất lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, khiến chúng ta không chỉ tự chủ sửa chữa trực thăng của mình mà còn giành hợp đồng đại tu, sửa chữa trực thăng Mi cho một số đối tác ở khu vực Nam Á.
Ngoài Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Trực thăng — Binh đoàn 18, Nhà máy A32 thuộc Cục Kỹ thuật — Quân chủng Phòng không — Không quân đã làm chủ dây chuyền sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng cho tiêm kích Su-27SK/UBK và sắp tới sẽ là Su-30MK2.
Đây là một thành tựu lớn khác nếu so sánh với quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có tiềm lực khoa học lẫn tài chính rất hùng mạnh là Indonesia, họ vẫn phải gửi máy bay Su-27 sang Belarus để "phục hồi chức năng" mặc dù tiêm kích của họ còn rất mới, chỉ gặp sự cố khi hoạt động chứ không phải cần đại tu giữa vòng đời như Su-27 của Việt Nam.
Đây là hướng đi rất triển vọng mà ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam được chuyên gia khuyến cáo nên nhanh chóng chớp thời cơ.
Theo: Thời Đại, Báo Đất Việt