Theo đánh giá của chính người Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH), các bên tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam, bao gồm cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đều sử dụng tình báo đến "mức độ tinh vi".
Nhà nghiên cứu Lâm Vĩnh Thế, một người có điều kiện tiếp xúc nhiều nguồn tài liệu từ chế độ Sài Gòn và đồng minh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam trước đây đã có một nghiên cứu tổng hợp về vấn đề này, trong đó có nêu chi tiết về những chiến dịch tình báo thất bại mà Mỹ và VNCH đã thực hiện tại miền Bắc và chiến trường miền Nam Việt Nam. Tạp chí Khám phá trân trọng trích đăng, gửi tới bạn đọc góc nhìn khá thú vị về Tình báo trong chiến tranh Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể hình dung ra tầm vóc cuộc chiến và những chiến công mà Tình báo Quốc phòng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đạt được trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân ta.
Trong thời gian 300 ngày chuyển tiếp của việc thi hành Hiệp Ðịnh Genève 1954, một tổ CIA, dưới sự chỉ huy của Ðại Tá Edward Lansdale, đã tuyển mộ (từ các đảng viên của 2 chính đảng có chủ trương chống Cộng là Ðại Việt và Quốc Dân Ðảng), huấn luyện và gài đặt lại một số tổ tình báo ở miền Bắc.
Kế hoạch "trường kỳ mai phục" này của CIA tương đối thành công vì lúc đó Miền Bắc chưa kiện toàn bộ máy an ninh của họ. Các tổ tình báo này hoạt động được hơn một thập niên nhưng sau cùng cũng bị lộ, bị bắt giam, và đưa ra tòa xét xử.
Trong thập niên 1960, VNCH, với sự yểm trợ tích cực về tài chính và kỹ thuật của CIA, đã gửi nhiều điệp viên và các toán biệt kích ra Miền Bắc với mục đích thực hiện một số công tác về thu thập tin tức, tuyển mộ điệp viên, và phá hoại.
Cơ quan của VNCH hợp tác với CIA trong kế hoạch này là một đơn vị tình báo lúc đầu trực thuộc Phủ Tổng thống dưới quyền chỉ huy của Trung tá Lê Quang Tung (sau thăng lên cấp Ðại tá, Chỉ Huy trưởng Lực lượng đặc biệt), với tên gọi thay đổi nhiều lần: Phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống, Phòng 45, Sở Bắc, Sở Khai Thác Ðịa Hình.
Sau cuộc đảo chính ngày 1.11.1963, Sở Khai thác địa hình bị giải tán, và ngày 12.2.1965, Nha Kỹ thuật được thành lập để đảm nhận công tác tình báo này và được đặt trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu QLVNCH.
Lúc đầu, kế hoạch này chỉ gửi từng điệp viên đơn độc ra nằm vùng tại miền Bắc (trong ngữ vựng của CIA gọi là các "singletons"). Ðiệp viên đầu tiên được gửi ra Miền Bắc trong kế hoạch này là Phạm Chuyên, một cựu Đảng viên Cộng sản của tỉnh bộ Quảng Ninh, đã từ bỏ Đảng và di cư vào Nam. Chuyên được huấn luyện rất kỹ trong hơn 1 năm và sau đó được bí mật đưa ra ém ở Cẩm Phả, trong vùng Vịnh Hạ Long, vào tháng 4.1961, với bí danh là ARES. Nhưng chỉ được hơn 2 tháng thì ARES đã bị bắt.
ARES đầu hàng, trở thành công cụ của Miền Bắc, và gửi nhiều điện văn về để lừa CIA. Lúc đó CIA vẫn chưa biết sự thật về ARES, vẫn tiếp tục chương trình "singletons" này. Kết quả là, cũng giống như ARES, các "singletons" kế tiếp, với các bí danh HIRONDELLE, HERO, TRITON, ATHENA, đều "biến mất" hết một cách bí mật.
Riêng về "singleton" ARES thì từ 1966, CIA đã bắt đầu nghi ngờ và khi họ bố trí cho ARES "trở ra" (exfiltrate) thì ARES không làm theo chỉ thị; lúc đó CIA mới biết chắc ARES đã trở thành công cụ của tình báo Bắc Việt và chấm dứt liên hệ với ARES. Tuy nhiên, tình báo Bắc Việt vẫn tiếp tục sử dụng ARES và ARES vẫn tiếp tục gửi điện về cho mãi đến tận năm 1968.
Chương trình đưa biệt kích ra miền Bắc chính thức bắt đầu bằng NSAM 28 (NSAM = National Security Action Memorandum No. 28,) ngày 9.3.1961, theo đó Tổng thống John F. Kennedy (1961-1963) ra chỉ thị cho CIA phát động chiến tranh du kích tại Miền Bắc.
Tháng 4.1961, vụ đổ bộ tại Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) ở Cuba do CIA tổ chức bị thất bại nặng nề, Tổng thống Kennedy mất tin tưởng vào khả năng tổ chức những công tác bán quân sự bí mật của CIA. Cuối tháng 6.1961, một loạt NSAM ra đời (NSAM 55, 56 và 57, cùng ngày 28.6.1961) nhằm chuyển giao loại công tác đó qua cho Bộ Quốc Phòng, trong khi CIA chỉ đóng vai trò yểm trợ mà thôi.
Nguồn: Khám Phá