Vụ Vũ Nhôm trái chỉ đạo của Thủ tướng Việt Nam liệu có chìm xuồng "tập thể"?

Thủ tướng đã có chỉ đạo điều tra, làm rõ nhưng gần 6 năm qua, vụ mua bán đất vàng trái phép ở Đà Nẵng vẫn chưa được làm sáng tỏ. Đáng chú ý, ngoài hàng loạt đơn vị có trách nhiệm liên quan, phải kể đến trách nhiệm của bà Trung Thị Lâm Ngọc...
Sputnik

Thủ tướng từng chỉ đạo điều tra từ năm 2012

Như báo Công lý đã đưa tin, ngày 27/1/2013, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo số 160/TBKL-TTCP do Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh ký về kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về Thanh tra, Khiếu nại, tố cáo và Phòng, chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư có liên quan đến việc quản lý sử dụng đất; công khai nội dung ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý sau thanh tra.

Hé lộ thân thế quý bà bỏ túi trăm tỷ nhờ "qua lại" với Vũ “nhôm”

Trong bản kết luận dài 9 trang này, đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã nhiều lần nhắc đến các sai phạm liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ. Cụ thể, trong 6 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho một số tổ chức, cá nhân trái pháp luật, có tới hai trường hợp liên quan trực tiếp tới ông Vũ và Công ty của ông Vũ. Trong đó, nổi lên thương vụ chuyển nhượng Khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng. Năm 2006, UBND thành phố chuyển nhượng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỷ đồng. Đến năm 2008, ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá chuyển nhượng là 581,526 tỷ đồng (thu chênh lệch 495,374 tỷ đồng). Năm 2009, ông Phạm Đăng Quan lại tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang với giá là 585 tỷ đồng. Hiện trạng khu đất này đến nay (năm 2017) vẫn bỏ trống, chưa được đầu tư.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ từng nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng

Ngày 19/11/2012, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1930/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý sau thanh tra tại thành phố Đà Nẵng, có nội dung: "Giao Bộ Công an xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật, gây thất thu ngân sách nhà nước, trước hết là 6 trường hợp nêu tại Điểm 5, Mục I, Phần III của Kết luận thanh tra (Điểm 6, Mục I của Thông báo kết luận thanh tra) nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật". Nhưng điều kỳ lạ là đến nay, phải đến khi ông Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố thì các thương vụ chuyển nhượng liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ mới đang được điều tra, xác minh, làm rõ, đồng nghĩa với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từng bị "chìm xuồng".

Liệu có chìm xuồng trách nhiệm các cá nhân, tập thể?

Vũ "nhôm" và "vị lãnh đạo cấp cao": Thà một lần đau để lấy lại lòng tin của nhân dân
Trong thương vụ nói trên, một cái tên đáng chú ý là bà Trung Lâm Thị Ngọc. Vậy bà Trung Lâm Thị Ngọc là ai mà tham gia vào thương vụ "béo bở" này? Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay chỉ có một người duy nhất có tên Trung Thị Lâm Ngọc có mã số thuế cá nhân đã đăng ký với cơ quan thuế. Bà Trung Thị Lâm Ngọc cũng là người đại diện pháp luật cho nhiều doanh nghiệp, bao gồm: 1. Công ty CP Nhiếp ảnh Hà Nội; 2. Công ty CP Đầu tư Sao Thùy — chi nhánh Bắc Ninh; 3. Công ty CP Ánh Sáng Sông Hồng; 4. Công ty TNHH Đầu tư và Truyền thông Cine Việt Nam; 5. Công ty TNHH Bến Thành — Sao Thùy.

Cách đây hai năm, vào tháng 4-2016, theo thông tin trên trang Cafef.vn và một số tờ báo, trong thông báo gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Trung Thị Lâm Ngọc, vợ ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã đăng ký bán toàn bộ gần 21,7 triệu cổ phần nắm giữ tương đương 3,91% vốn tại TPBank sang cho con gái Đỗ Quỳnh Anh. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 20/4 đến ngày 10/5/2016. Thời điểm đó, ông Đỗ Anh Tú sở hữu 27,75 triệu cổ phần TPBank, tương đương 5% vốn ngân hàng.

Tướng công an Việt Nam nói về vụ thẻ sĩ quan tình báo của Vũ nhôm
Sau khi khởi tố Phan Văn Anh Vũ về tội làm lộ bí mật Nhà nước, ngày 7/2/2018 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" để điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của Phan Văn Anh Vũ và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.

Trở lại với kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị UBND TP Đà Nẵng kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật Giám đốc các Sở: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố, Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Giám đốc Công ty Quản lý và khai thác đất thành phố, Giám đốc Ban quản lý dự án công trình đường Bạch Đằng Đông và các cá nhân có liên quan đã để xảy ra các sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra. Tuy nhiên 6 năm đã trôi qua, vẫn chưa có cán bộ nào bị xử lý kỷ luật.

"Giao Bộ Công an xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm các quy định của pháp luật đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật thu lợi số tiền lớn, gây thất thu ngân sách Nhà nước của tổ chức và cá nhân có liên quan, tập trung vào 06 trường hợp nêu ở Điểm 6, Mục I của Thông báo kết luận thanh tra, nếu cấu thành tội phạm thì xử lý theo Bộ luật Hình sự" — kết luận kiến nghị.

Vấn đề đặt ra hiện nay là thương vụ thu lời bất chính hơn 495 tỷ đồng từ công sản Nhà nước như vậy ngoài Phan Văn Anh Vũ thì những tập thể, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Số tiền thu lời bất chính cần phải được truy thu về ngân sách Nhà nước kèm theo tiền lãi và phải tiếp tục điều tra, làm rõ các tập thể, cá nhân liên quan.

Nguồn: Báo Công lý

Thảo luận