Ai để Vũ "Nhôm" trốn?

Ai để Vũ “Nhôm” trốn? Làm thế nào để công tác cán bộ không bị thao túng?
Sputnik

"Trong cuộc chiến chống tham nhũng, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo sáng suốt và quyết liệt: Chặt rễ con, tỉa cành nhỏ trước, cứ thế, từng bước "nhốt quyền lực" của các nhóm lợi ích lại, từ đó sẽ xử lý bình tĩnh và chính xác. Cách làm đó đã đem lại những kết quả bước đầu rất quan trọng. Mặc dù, cuộc đấu tranh còn gay cấn lắm, các nhóm lợi ích không dễ gì từ bỏ đặc quyền, đặc lợi của mình" — ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương chia sẻ.

Ai để Vũ "Nhôm" trốn?

Biệt thự sáng đèn của Vũ "nhôm" và cái lưng còng bất ngờ của Trịnh Xuân Thanh
Dường như cứ sau một sự kiện, nhất là những sự kiện hệ trọng như chỉnh đốn Đảng hay xử lý một nhân vật nào đó liên quan tới tham nhũng thì giới truyền thông lại tìm tới ông. Tính ông bộc trực, nói thẳng vào vấn đề, không né tránh ngay cả những chuyện được coi là "nhạy cảm". Cái vị thế 55 năm làm công tác tổ chức và bảo vệ chính trị nội bộ "không tì vết" của mình đủ để cho ông nói mà không phải "nhìn trước, ngó sau".

Tôi tới thăm ông vào một ngày cuối năm. Cái rét như cắt vào da thịt. Hà Nội năm nay rét đến lạ kỳ. Căn phòng khách nhỏ bé của ông như nóng dần lên bởi những câu chuyện thời sự như Đinh La Thăng hầu tòa, đến chuyện Vũ "Nhôm" bị bắt giữ.

Kết thúc câu chuyện về Đinh La Thăng, ông bảo: "Nhiều người từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng gọi điện cho tôi nói họ rất phấn khởi. Điều đó nghĩa là quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là rất hợp lòng dân. Đó không phải là một, hai vụ đơn lẻ mà là một chủ trương lớn, những hành động rất quyết đoán, ra đòn rất trúng. Lần này, ta mới thực sự thực hiện được điều mong mỏi của người dân là không có vùng cấm trong chống tham nhũng, không có chuyện chỉ "tắm từ vai trở xuống". Và sẽ không còn có chuyện "anh — chị" nào đó dám xưng tuyên bố: "Cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền".

Những lời tâm gan của con trai Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn về Đảng, về ông Đinh La Thăng
Ông bảo, trong hơn 50 năm làm công tác tổ chức, ông đã chứng kiến nhiều vụ. Từng có 3 Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, trong đó 1 người bị khiển trách, 1 người bị cách chức Ủy viên Trung ương, 1 người bị khai trừ khỏi Đảng.

Ủy viên Trung ương Vũ Ngọc Hải là Bộ trưởng Bộ Năng lượng khi làm đường dây 500 KV, ông có lỗi về việc "chấm mút" 3.000 tấn thép và bị tù 3 năm.

Khi ông Mười Vân, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai lấy vàng của người dân vượt biên bị xử tử hình, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khi ấy đã bị 3 năm án treo và khai trừ khỏi Đảng.

Ông Ngô Xuân Lộc do liên quan đến dự án Thủy cung Thăng Long, Bộ Chính trị quyết định cho mất chức Phó Thủ tướng dù chưa gây ra mất mát gì. Ông Lê Huy Ngọ trong vụ án Lã Thị Kim Oanh cũng mất chức Bộ trưởng.

Gần đây là Vũ Huy Hoàng, lỗi lớn nhất là đưa Trịnh Xuân Thanh từ dầu khí lên làm Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, rồi ký quyết định cho vào Hậu Giang. Ông Hoàng đã bị kỷ luật…

Giọng ông đột nhiên chùng xuống: "Nói thế thôi, nhưng sự việc diễn ra trong vụ Đinh La Thăng thực sự là điều đau lòng của Đảng, trong đó có những người làm công tác tổ chức như chúng tôi. Đinh La Thăng đã từng gặp tôi cách đây dăm năm. Tôi có nói, cậu làm dầu khí mà sao lấn sang nhiều thứ quá. Làm cả ngân hàng, cả nhà máy sợi, nhà máy điện, cả đường sá, cầu cống nữa. Liệu có bền không? Dần dần, Đinh La Thăng vào đến Trung ương, làm đến Bộ trưởng, vào đến Bộ Chính trị, làm cả đến Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lịch sử của Đảng, đã từng có những Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, bị cách chức, nhưng chỉ là do bất đồng quan điểm, do có một số việc chưa trung thực với Đảng, chứ chưa bao giờ có trường hợp bị truy tố, đem ra xét xử vì tội liên quan tới tham nhũng. Điều cay đắng là ngay từ Đại hội 11 đã nhận ra vấn đề này rồi, tại sao đến Đại hội 12 vẫn để lọt.

Rồi vụ Trịnh Xuân Thanh và bây giờ là Vũ "Nhôm"! Ai là người giới thiệu, ai là người bao che. Vũ "Nhôm" sao có thể thoái hết vốn và bỏ trốn dễ dàng như vậy? Những vấn đề này phải làm rõ. Đó là những vấn đề rất hệ trọng. Vì thế phải có những bước đi thích hợp. Trong cuộc chiến này, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo sáng suốt và quyết liệt, lại có cách làm rất đúng, chặt rễ con trước, tỉa cành nhỏ trước, cứ thế dần dần "nhốt quyền lực" của các nhóm lợi ích lại, từ đó sẽ xử lý bình tĩnh và chính xác. Cách làm đó đã đem lại những kết quả bước đầu rất quan trọng. Mặc dù thế, cuộc đấu tranh còn gay cấn lắm, các nhóm lợi ích không dễ gì từ bỏ đặc quyền, đặc lợi của mình. Vũ "Nhôm" phải có người chống lưng, phải tìm mọi cách để có người chống lưng. Mà ai mới có thể chống lưng chứ. Chính là những người có chức có quyền. Một bên có quyền, một bên có tiền, "liên minh ma quỷ" với nhau để có nhiều tiền hơn, từ đó đưa người vào nắm các vị trí cao hơn.

Ông Nguyễn Đình Hương

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Việt Nam cần loại khỏi bộ máy cán bộ hư hỏng
Ông Hương đứng dậy cho thêm nước sôi vào ấm trà. Quay lại bàn, rót trà cho chúng tôi, ông bảo: "Gốc rễ của mọi vấn đề là ở công tác cán bộ. Ngay từ tháng 10 năm 1947, trong tác phẩm "Sửa đổi lề lối làm việc" Bác đã viết: Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.

Và: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng… Ðảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta. Phải khéo dùng cán bộ. Không phạm vào những bệnh sau đây: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người khác. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người không hợp tính tình với mình…".

Nhấp một ngụm trà. Trầm ngâm một lúc, ông nói: "Đấy, ngay từ năm 1947, Bác Hồ đã nhìn ra vấn đề lạm dụng quyền lực này rồi. Bác đã viết về nguy cơ này và đã có những hành động quyết liệt để ngăn chặn. Khi xảy ra vụ việc Trần Dụ Châu (Cục trưởng Cục Quân nhu bị truy tố về tội tham nhũng), đồng chí Trần Đăng Ninh — Tổng Cục trưởng Tổng cục Cung cấp xin gặp Bác ngỏ ý xin giảm mức hình phạt. Bác không trả lời thẳng mà hỏi lại: "Thế khi có một cái cây bị thối ruột thì chú làm thế nào?". Ông Ninh trả lời rằng, trường hợp đó thì phải đốn cây thôi, để nó không truyền mầm bệnh cho cây khác. Tức là ông hiểu ý Bác không nhân nhượng với tham nhũng được. Dù đó là ai, Cục trưởng hay cao hơn nữa, cũng phải loại bỏ khỏi tổ chức nếu muốn tồn tại được.

"Với kinh nghiệm hơn 50 năm làm công tác tổ chức, theo ông trong công tác cán bộ khâu nào là quan trọng nhất?" — Tôi hỏi ông.

Ông bảo: Công tác đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất. Đồng thời cũng là khâu khó nhất.

Trước hết, đó là do những người có thẩm quyền đánh giá có những cách nhìn khác nhau, mà nhìn người thì lại càng khác nhau. Ví dụ, trường hợp một đồng chí nguyên là cấp phó của tôi (sau này là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) chẳng hạn. Đồng chí Đỗ Mười khi đó là Tổng Bí thư thì ủng hộ, nhưng đồng chí Võ Chí Công (khi ấy là Chủ tịch Nước) lại không. Các đồng chí đó cho gọi tôi lên, tôi phân tích cái được và chưa được của ông này. Cuối cùng, phương án là để lại Trung ương nhưng không giữ lại ở Đà Nẵng. Nói như vậy để thấy rằng, khi đánh giá là phải rất công tâm.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từng nói với tôi: "50 năm cậu làm công tác tổ chức cán bộ mà cậu không chọn được một người nào là con các ông Bộ Chính trị vào Bộ Chính trị?". Tôi bảo: "Thưa anh, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan cao nhất của Đảng chứ không phải nơi kết nối con ông cháu cha".

Cho nên con ông Lê Duẩn, con ông Phạm Văn Đồng, con ông Nguyễn Văn Linh, con ông Phạm Hùng… có vào đâu. Cuối cùng con ông Trường Chinh là Đặng Xuân Kỳ vào được BCH Trung ương, chỉ một trường hợp Đặng Xuân Kỳ mà thôi.

Thứ hai, người được đánh giá cũng không phải trước thế nào, sau vẫn giữ thế. Vì chỉ khi nắm quyền lực, nhất là quyền lực ở cấp cao thì người ta mới bộc lộ hết tham vọng của mình. Một ví dụ, trước đây khi còn làm Phó ban Tổ chức Trung ương, tôi có đề nghị Bộ Chính trị bổ nhiệm ông Phạm Song làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Sau ba năm tôi buộc phải đề nghị Bộ Chính trị cách chức ông này. Có đồng chí hỏi tôi, vì sao vậy? Đó là vì khi nắm quyền rồi, hành xử của ông đã đổi khác. Ông ấy muốn chuyển sang ngôi nhà khác — nhà từng là của ông Phạm Ngọc Thạch, to hơn. Tôi và một số người khác khuyên là không nên chuyển, ông ấy trả lời: "Vợ tôi quyết rồi" và tiếp tục làm theo ý mình. Tôi báo cáo Bộ Chính trị và cuối cùng cách chức. Con người ta biến động, khi chưa có vật chất thì khác, có vật chất vào hư hỏng, hư hỏng thì cách chức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Dũng khí và mưu lược của kẻ sĩ Bắc Hà
Con người ta thay đổi như thế thì không thể giữ cách đánh giá cũ được.

Làm thế nào để công tác cán bộ không bị thao túng?

"Chuyện "con ông cháu cha" lâu nay cũng được nhắc tới nhiều, nhất là chuyện các "cậu ấm, cô chiêu" được cất nhắc "thần tốc" để lại rất nhiều tai tiếng mà Đảng ta đang phải xử lý. Ông nhìn nhận về "vấn nạn" này như thế nào?" — Tôi hỏi ông.

Ông nói: Một vấn đề nóng hiện nay là số cán bộ là con em lãnh đạo được đưa vào các vị trí "có quyền lực" trong bộ máy là khá lớn. Tôi ủng hộ lớp trẻ — tre già măng phải mọc thôi — nhưng trẻ phải thế nào? Phải rèn luyện qua thực tiễn và thực tiễn nhiều hơn nữa. Trước đây, không có hiện tượng các đồng chí lãnh đạo can thiệp cho con em, người thân của mình. Còn bây giờ thì người ta dùng nhiều cách để đưa những người thân hữu của mình vào các vị trí "ngon", thậm chí "mua" chức. Vì thế nói là dân chủ, công khai, nhưng cũng rất dễ bị thao túng. Tới đây phải có sự sửa đổi trong Điều lệ Đảng, Luật để khắc phục tình trạng này. Ví dụ, một trong những lý do Đinh La Thăng trúng vào Bộ Chính trị chính là quy định của Điều lệ. Theo đó Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị, bầu Tổng Bí thư trong số Ủy viên Bộ Chính trị.

Tôi có hỏi đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí ấy nói, khi Đại hội bầu ra Ban chấp hành khóa mới thì khi đó, tôi không phải là Tổng Bí thư mà chỉ là một ủy viên Trung ương như các đồng chí ủy viên khác, vì thế đâu có thể chỉ đạo bầu ai hay không bầu ai đâu.

Lạ lùng Trịnh Xuân Thanh: Án chung thân vẫn “hồn nhiên như cô tiên“
Trước khi chia tay chúng tôi, ông Hương bảo:

"Vấn đề kiểm soát quyền lực, quy định trách nhiệm người đứng đầu chắc sẽ phải sửa đổi mạnh mẽ. Ta luôn nhắc đến cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, nhưng thực tế hiện nay khi có vấn đề thì không quy được trách nhiệm cho ai. Không có cơ chế từ chức. Như thế thì làm sao kiểm soát được quyền lực, làm sao ngăn được lạm dụng quyền lực… Tôi cho rằng, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là bao nhiêu, 100 hay 200 vị không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà quan trọng nhất là phải bầu ra được 12 người nắm những chức danh chủ chốt trong bộ máy Đảng và Nhà nước, đó là 4 người nắm tứ trụ, người phụ trách công tác kiểm tra, tuyên giáo, tổ chức, công an, quốc phòng, ngoại giao và bí thư hai thành phố lớn. Nhất là vị trí Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Đất nước không ổn định, kinh tế rơi vào khủng hoảng thì những vị trí chủ chốt phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng.

Rồi vấn đề cơ cấu vùng miền, cơ cấu độ tuổi cũng đang tỏ ra có nhiều bất cập.

Tất cả những vấn đề đó sẽ được mổ xẻ, phân tích và tìm ra phương pháp khắc phục, đưa công tác cán bộ thực sự là then chốt của then chốt, mới có thể khắc phục được ba cuộc khủng hoảng hiện nay là khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng niềm tin và khủng hoảng người đứng đầu".

Rời nhà ông Hương, tôi bất chợt nhận ra, cơn mưa phùn đã dứt từ lâu. Về trưa trời hửng nắng. Hà Nội ấm dần lên trong một ngày đông cuối năm.

 Nguồn: Báo Lao Động Nghệ An

Thảo luận