Biển Đông

Bạn hay đối thủ: Mỹ - Trung sẽ đụng nhau trên biển Đông?

Nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm và xung đột vũ trang trên biển Đông đang tăng lên khi Trung Quốc bắt đầu thách thức sự thống trị của Mỹ trên vùng biển tranh chấp này, đại sứ của Philippines tại Bắc Kinh vừa cảnh báo.
Sputnik

Tại một diễn đàn ở Manila hôm 19/2, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Chito Romana nói rằng cân bằng quyền lực trong khu vực đang thay đổi.

Quan chức Philippines bình luận về tính toán sai lầm và xung đột vũ trang ở Biển Đông

"Trước đây, biển Đông do Hạm đội 7 của Mỹ thống trị, giờ hải quân Trung Quốc đang bắt đầu thách thức sự thống trị này", ông Romana nói. Nhưng ông cho rằng, biển Đông chưa bị biến thành "ao của Trung Quốc".

Ông Romana đề cập việc tàu USS Carl Vinson vừa có chuyến tuần tra trên biển Đông và thăm Philippines trong tuần này. Tuy nhiên, ông Xu Liping, nhà nghiên cứu về châu Á — Thái Bình Dương tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, đánh giá: "Các chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ chỉ mang ý nghĩa biểu tượng — để thể hiện rằng Mỹ vẫn có hiện diện quân sự ở khu vực và vẫn có quyền bá chủ. Nhưng với chương trình xây dựng quân sự trên 3 đảo chính trên biển Đông, Trung Quốc đã lập nên một mạng lưới thu thập tình báo và năng lực quân sự hiệu quả".

USS Carl Vinson

Tại một buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ tuần trước, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, nói rằng, Bắc Kinh đã đơn phương xây dựng 7 cơ sở quân sự mới trên biển Đông, với những hạ tầng mới gồm "hầm chứa máy bay, doanh trại, hệ thống radar, hệ thống vũ khí và các đường băng dài hơn 3km".

Thế giới mải dõi theo Triều Tiên, còn Trung Quốc âm thầm "thâu tóm" Biển Đông
Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington tuần trước cũng cho biết Trung Quốc vừa lắp đặt thêm ở góc phía đông bắc của đá Chữ Thập hệ thống thông tin liên lạc quy mô lớn. Tổ chức tư vấn chính sách của Mỹ nói rằng, cơ sở này có thể trở thành trung tâm thông tin liên lạc và tín hiệu tình báo cho lực lượng của Trung Quốc ở khu vực. Ông Aaron Rabena, quản lý chương trình của tổ chức Con đường tiến bộ châu Á — Thái Bình Dương tại Manila, đánh giá các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên biển Đông là "nhân tố thay đổi cuộc chơi thực sự", sẽ thách thức sự thống trị của Mỹ ở khu vực. Lợi thế chiến lược và cân bằng quyền lực liên quan cả yếu tố địa lý và năng lực, và Trung Quốc nay đã có cả hai yếu tố đó trên biển Đông, ông Rabena nói.

Biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc gần như đã hoàn thành quá trình quân sự hóa các tiền đồn mà họ chiếm đóng trên biển Đông, các quan chức cấp cao ở Lầu Năm Góc tiết lộ rằng, trong nội bộ cơ quan này đang có những cuộc thảo luận về việc liệu quân đội Mỹ có nên đặt một số vũ khí, như hệ thống bắn pháo di động trên mặt đất, ở khu vực này hay không, tạp chí National Interest đưa tin. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, trong năm 2018, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông. Theo giới quan sát, một diễn biến chủ chốt cần theo dõi năm 2018 là việc liệu Nhà Trắng có coi hoạt động tuần tra tự do hàng hải là công cụ quan trọng để ngăn chặn Trung Quốc trên biển Đông hay sẽ dùng nó làm công cụ mặc cả để có được sự ủng hộ từ Trung Quốc trong những vấn đề khác.

Trung Quốc lo lắng "xuất chiêu" ứng phó khi Mỹ "chọn" Indonesia - Việt Nam ở Biển Đông
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý cho rằng, tình hình biển Đông trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm. Nhưng hầu như tất cả các nước trên thế giới đều có lợi ích ở biển Đông. Vì lợi ích của chính họ ở biển Đông, ở Đông Nam Á và các khu vực khác, các nước, nhất là những nước lớn, phải tính toán kỹ các bước đi tới đây của họ ở biển Đông.

Đối thủ của "Vành đai — Con đường"

Úc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đang bàn với nhau về việc lập ra một kế hoạch phát triển hạ tầng khu vực chung như một lựa chọn thay thế cho sáng kiến "Vành đai — Con đường" trị giá nhiều tỷ đô la của Trung Quốc, theo một báo cáo của Úc dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ hôm 19/2. Vị quan chức Mỹ giấu tên nói rằng, kế hoạch này vẫn ở giai đoạn sơ khai, "chưa đủ chín để được tuyên bố" trong chuyến thăm của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đến Mỹ vào cuối tuần này. Trong khi đó, Nhật Bản có kế hoạch sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để thúc đẩy "Chiến lược Ấn Độ — Thái Bình Dương mở và tự do", bao gồm các dự án hạ tầng chất lượng cao, theo bản tóm tắt sách trắng về ODA năm 2017 của Nhật Bản.

"Một vành đai - một con đường."

Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho rằng, việc Mỹ và Nhật Bản gần đây điều chỉnh khái niệm châu Á — Thái Bình Dương thành Ấn Độ — Thái Bình Dương thứ nhất thể hiện sự quan tâm hơn của thế giới đối với khu vực khi xu thế chung hiện nay là chuyển dịch trọng tâm tăng trưởng, trọng tâm chú ý từ tây sang đông, từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thứ hai, nếu Ấn Độ tiếp tục nổi lên với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt 6-7%/năm, quan hệ quốc tế ở khu vực này sẽ diễn ra sôi động hơn. Trung Quốc và Ấn Độ cùng nổi lên; vai trò của ASEAN ở giữa cũng sẽ được tăng cường vì nhiều người cần ASEAN hơn. Các nước khác như Mỹ cũng phải quan tâm đến khu vực nhiều hơn, thực chất hơn nữa.

Theo: Tiền Phong

Thảo luận