"Bảo kiếm" giữ trời Hà Nội: Việt Nam đưa tên lửa SPYDER vào trực chiến cùng S-300PMU1

Đại tá Nguyễn Mạnh Khải - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361 cho biết đơn vị đang nỗ lực cao nhất để huấn luyện làm chủ tên lửa SPYDER hiện đại mới tiếp nhận.
Sputnik

Sư đoàn 361 trang bị tên lửa SPYDER

Trong bài viết "Sư đoàn 361 phát huy truyền thống, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng trời Thủ đô" đăng trên Tạp chí QPTD số 12/2017, Đại tá Nguyễn Mạnh Khải cho biết:

Sau Nga, Việt Nam quan tâm đến vũ khí tối tân của Israel

"Sư đoàn 361 tích cực đầu tư, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và vận dụng công nghệ thông tin vào phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, hướng trọng tâm vào huấn luyện làm chủ vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật mới (pháo phòng không tự hành ZCY-23-4M, tên lửa chiến lược tầm xa S-300PMU1, SPYDER), vũ khí kỹ thuật cải tiến (S125-2TM),…"

Tiếp đó, ngày 13/03, Đoàn kiểm tra của Quân chủng PK-KQ do Trung tướng Lê Huy Vịnh — Tư lệnh Quân chủng làm Trưởng đoàn đến kiểm tra công tác huấn luyện chiến sĩ mới năm 2018 tại Trung đoàn 236 (Sư đoàn 361).

Mô hình huấn luyện tên lửa phòng không SPYDER của Trung đoàn 236.

Đồng chí Tư lệnh Quân chủng kiểm tra giáo án, mô hình học cụ huấn luyện chiến sĩ mới ở Trung đoàn 236, trong đó có mô hình tổ hợp tên lửa phòng không SYPDER.

Như vậy, có thể thấy, Sư đoàn phòng không 361 (mà cụ thể là Trung đoàn tên lửa 236) đã được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER hiện đại do Israel sản xuất.

Việt Nam bất ngờ phóng thử tên lửa phòng không Spyder hiện đại hàng đầu Đông Nam Á
Được biết, trong biên chế của Sư đoàn 361 đều là các trung đoàn giàu truyền thống với những chiến công oanh liệt, hầu hết đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND gồm: Trung đoàn tên lửa 236 (Đoàn tên lửa Sông Đà), Trung đoàn tên lửa 250 (Đoàn tên lửa Thăng Long), Trung đoàn tên lửa 257 (Đoàn tên lửa Cờ Đỏ); Trung đoàn radar 293 (Đoàn radar Phù Đổng).

Riêng Trung đoàn tên lửa 64 được thành lập chưa lâu nhưng được kế thừa truyền thống và thành tích chiến đấu của Tiểu đoàn tên lửa 64 Anh hùng. Đơn vị được trang bị tên lửa S-300PMU1, Strela-10M và pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M.

Tiểu đoàn 64 (trước đó thuộc biên chế trung đoàn 236) chính là 1 trong 2 tiểu đoàn tên lửa tham gia đánh thắng trận đầu (24/07/1965), bắn rơi tại chỗ 1 máy bay tiêm kích F-4 của Mỹ, mờ màn cho truyền thống "đánh thắng trận đầu" của Bộ đội tên lửa Việt Nam.

Ngoài ra, trong biên chế Sư đoàn 361 còn có một số trung đoàn pháo phòng không là Trung đoàn 218, Trung đoàn 280.

Kíp trắc thủ Tiểu đoàn 151 - Trung đoàn tên lửa 250 (Sư đoàn 361) huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên tổ hợp S125-2TM.

Cùng S-300PMU1, tên lửa SPYDER canh trời Hà Nội

Nếu Việt Nam sở hữu hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga
Vùng trời Hà Nội — Trái tim của cả nước, trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa, là mục tiêu đặc biệt quan trọng luôn được ưu tiên bảo vệ bởi những đơn vị thiện chiến và được trang bị vũ khí hiện đại nhất và Sư đoàn 361 vinh dự được giao trọng trách này.

Để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và quản lý vùng trời đặc biệt quan trọng này, Sư đoàn 361 được trang bị nhiều vũ khí mới, cải tiến hiện đại, trong đó nổi bật nhất là tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU1 và tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER.

S-300PMU1 để dành bắn mục tiêu đặc biệt quan trọng

S-300PMU1 được thiết kế cho nhiệm vụ phòng chống các cuộc tiến công đường không ồ ạt ở mọi độ cao và tốc độ chiến đấu, cũng như hoạt động chế áp điện tử mạnh của các loại phương tiện chiến đấu đường không hiện tại và thế hệ mới của đối phương.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa này có thể tiêu diệt mọi loại mục tiêu như máy bay chiến đấu, kể cả máy bay tàng hình; vũ khí tấn công tầng thấp; tên lửa hành trình chiến lược; các loại tên lửa đường đạn chiến thuật, chiến thuật — chiến dịch hay tên lửa đường đạn hoạt động trong tầng khí quyển.

S-300PMU1 có khả năng tác chiến độc lập hay hiệp đồng trong đội hình phòng không hợp thành thông qua các hệ thống khí tài chỉ huy đồng bộ, tương thích với các hệ thống nhận diện bảo mật mặt đất và khí tài thông tin liên lạc của các cấp chỉ huy chiến đấu.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU1

Là loại tên lửa phòng không chiến lược, giá thành mỗi phát bắn rất đắt, ước tính mỗi quả đạn tên lửa có giá lên tới hàng triệu USD nên mặc dù có thể diệt mọi loại mục tiêu bay nhưng tên lửa S-300 thường chỉ phóng đạn bắn các mục tiêu có giá trị lớn, hiện đại và đặc biệt nguy hiểm như tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu tàng hình nhằm bẻ gãy ý chí tiến công của đối phương.

Thành tựu Quân đội Việt Nam: Đưa tên lửa P-15 lên bệ phóng SA-2
SPYDER thay thế SAM-2 (S-75) và hơn thế nữa

Sau những chiến tích huy hoàng bảo vệ vùng trời miền Bắc, khiến Không quân Mỹ phải nể sợ, các tổ hợp tên lửa S-75 Volga (SAM-2) đã đi đến cuối vòng đời của mình cần sớm được thay thế và SPYDER — một loại tên lửa phòng không thế hệ mới do Israel chế tạo đã được trang bị cho các đơn vị tên lửa của Quân chủng PK-KQ.

Theo Catalogue giới thiệu của nhà chế tạo, tên lửa SPYDER được thiết kế để phục vụ cho việc tổ chức tác chiến phòng không theo phương thức tác chiến mạng trung tâm, tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng cơ động tự hành cao, chuyển cấp chiến đấu nhanh và ngắm bắn được nhiều mục tiêu cùng lúc.

SPYDER kết hợp các mảng ghép công nghệ hiện đại hàng đầu TG về hệ thống Thông tin chỉ huy — Quản lý sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật — Xử lý tình báo (C4I), hệ thống khí tài trinh sát mục tiêu đường không tiên tiến và đạn tên lửa có tính năng kỹ chiến thuật ưu việt.

​Như vậy, không chỉ thay thế SAM-2, SPYDER còn tạo ra một sức mạnh chiến đấu mới, vượt trội, giúp phòng không Việt Nam nói chung và Sư đoàn phòng không Hà Nội đủ sức đương đầu với các loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 và SPYDER cùng nhiều loại vũ khí phòng không khác có thể cơ động, chuyển hoá thế trận nhanh để đảm bảo có một lưới lửa phòng không liên hoàn, hiểm hóc, có chiều sâu và vững chắc.

Theo: Thời Đại

Thảo luận