Tháng 12/1972, Việt Nam đã tiếp nhận từ Liên Xô 4 tàu tên lửa tấn công nhanh Dự án 183R lớp Komar, mỗi tàu được vũ trang bằng 2 ống phóng đơn của tên lửa hành trình chống hạm P-15 Termit có tầm bắn 40 km, đây là phương tiện có sức mạnh lớn nhất của Hải quân Việt Nam tại thời điểm đó.
Nhiệm vụ của Đoàn 173 là nghiên cứu cải tiến đưa tên lửa P-15 từ dưới tàu 183R lắp trên bệ phóng của tên lửa phòng không SA-2 để cơ động chiến đấu trên bờ, tính toán chính xác phần tử bắn cho tên lửa.
Yêu cầu đặt ra là bảo đảm tên lửa cố định vững chắc trên bệ khi cơ động, hoạt động dễ dàng trên rãnh trượt. Đi kèm bệ tên lửa là trạm radar cơ động 403 để bắt bám mục tiêu và một xe nguồn cung cấp điện 50 KVA. Sau thời gian ngắn, cán bộ Đoàn 173 đã xây dựng xong đề án nghiên cứu cải tiến tên lửa.
Tháng 10/1973, Đoàn 173 đã nghiên cứu, thiết kế, thi công hoàn chỉnh bệ thứ nhất. Hội đồng nghiệm thu Quân chủng do đồng chí đại tá Nguyễn Bá Phát — Tư lệnh Hải quân làm Chủ tịch kết luận:
"Việc cải tiến tên lửa đã bảo đảm được các yêu cầu kỹ thuật, chiến thuật và chỉ thị cho Đoàn 173 cùng các đơn vị tiếp tục cải tiến bệ thứ 2".
Phòng Quân lực Bộ Tham mưu đã đề nghị Bộ Quốc phòng cung cấp các trang bị như bệ phóng SA-2, xe xích Kraz, máy phát điện… để phục vụ cải tiến.
Cục Kỹ thuật được Bộ Tư lệnh ủy quyền phê duyệt kế hoạch, dự trù kinh phí, cùng Đoàn 173 chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình thi công.
Sau một năm nghiên cứu, thi công cải tiến và thử nghiệm, đến tháng 10/1974, Bộ Tư lệnh tổ chức bắn thử nghiệm cả 2 bệ, mỗi bệ 1 quả P-15 đã tháo ngòi nổ vào tàu bia neo cố định ở vùng biển Đồ Sơn ở cự ly 13,5 hải lý (cự ly tối ưu).
Kết quả bắn: 2 bệ đều quay tầm hướng, tên lửa trượt trên rãnh bệ tốt, cả 2 quả P-15 đều trúng mục tiêu, 1 quả trúng dàn phản xạ, 1 quả xuyên qua tàu bia. Nhiệm vụ Z1 thành công, mở ra khả năng chiến đấu mới của Quân chủng.
Nguồn: Đất Việt