Sau thành công vang dội của Silicon Valley, nơi không chỉ là 'trái tim' ngành công nghệ nước Mỹ mà còn của thế giới; 'Silicon Valley' không còn là danh từ riêng mà trở thành danh từ chung chỉ về thủ phủ công nghệ của một vùng đất nào đó. Theo đó, tất nhiên, mọi quốc gia trên thế giới đều ước mình có thể biến thành 'Silicon Valley' hoặc có thể xây dựng một khu công nghệ như 'Silicon Valley', Việt Nam cũng vậy.
Theo các nhà lãnh đạo hàng đầu trong ngành công nghệ Việt Nam và thế giới có mặt trong Diễn đàn "Cách mạng công nghiệp 4.0 — vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội" do Hiệp hội Nữ doanh nhân TP. HCM tổ chức, đó không hề là ước mơ viển vông, Việt Nam đang hội đủ mọi điều kiện để chạm đến nó trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Bà Đặng Thị Thanh Vân, CEO Công ty phần mềm Savvcom, đồng thời là Phó chủ tịch Liên minh các coanh nghiệp gia công công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam (với 200 công ty thành viên) cho rằng, ước mơ trở thành 'Silicon Valley' của Đông Nam Á là điều tất nhiên phải đến.
"Trong tương lai, Việt Nam không chỉ là Silicon Valley của Đông Nam Á mà cả thế giới, vì chúng ta đã tập hợp được rất nhiều nguồn lực về công nghệ. Việt Nam đang đứng đầu khu vực về xuất khẩu phần mềm. Việt Nam cũng có hàng chục ngàn sinh viên về công nghệ đang dùi mài kinh sử trong các trường đại học. Cả nước có tổng cộng 10.000 công ty IT. Ý chí học tập và sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới của giới trẻ Việt Nam luôn ngùn ngụt", bà Vân khẳng định.
Med2lab đã thuê và tuyển rất nhiều nhân sự người Việt, trong đó có nhiều người chính là tinh hoa của công ty. Nhiều dự án của Med2lab lên kế hoạch ở San Francisco nhưng triển khai ở Việt Nam. Theo ông biết, có không ít người Việt ở Silicon Valley đã quay trở về Việt Nam làm việc.
Khát khao tri thức cũng là yếu tố, mà theo ông Mic Nguyễn, sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành trung tâm công nghệ của cả Đông Nam Á. Ông thấy không ít học sinh của các trường chuyên năng khiếu đến từ vùng sâu vùng xa, nghèo tới mức không đủ tiền mua dụng cụ học tập, song vẫn cố bươn chải học tập, đi thi Olympic toán quốc tế.
Bà Nicholle Linder, Giám đốc Dịch vụ — Công nghệ tài chính khu vực châu á Thái Bình Dương của Global Financial Services còn lạc quan hơn: "Không chỉ tự thân giới công nghệ, mà tôi thấy Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm tới lĩnh vực này, khi họ đã nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư lớn vào công nghệ, fintech, thương mại điện tử… Người dân Việt Nam được tiếp cận giáo dục rộng và sâu sắc hơn.
Ở góc nhìn ngược lại, dù đánh giá rất cao giới công nghệ Việt Nam, song ông Pankaj Rathi, Giám đốc điều hành Deloitte Consulting Đông Nam Á cho rằng mọi chuyện sẽ không dễ dàng như lời các diễn giả trên.
Deloitte Consulting đã thực hiện rất nhiều dự án trong 18 nước ở châu Á và thế giới, và ông Pankaj Rathi tiết lộ, trong 5 năm qua, gần 50% nhân viên trong các đội dự án của ông là người Việt, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại Indonesia, Campuchia hay Thái Lan. Đội dự án của Deloitte ở nhiều khu vực khác cũng có nhiều tài năng người Việt.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện hóa mục tiêu lớn lao đó, Việt Nam cần phải cải thiện nhiều thứ.
Theo ông Pankaj Rathi, Việt Nam cần xây dựng và phát triển nhiều mô hình sinh thái công nghệ hơn nữa. Tư duy học tập về lĩnh vực công nghệ cũng cần phải xem lại.
"Có tinh thần thôi chưa đủ, mà các doanh nghiệp và Nhà nước cần bắt tay tạo ra những kế hoạch cụ thể, như tạo ra các hệ sinh thái công nghệ như đã nói ở trên. Nếu không, Việt Nam sẽ không đủ nhân sự và trình độ để đón đầu khi cơ hội đến", ông Pankaj Rathi nhấn mạnh.
Theo: The Leader