Nền kinh tế có nhiều cơ hội bứt phá
Năm Đinh Dậu khép lại, Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế và được nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao. Đặc biệt, tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%, cao nhất trong 7 năm qua.
Năm 2017 cũng là năm đầu tiên Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt nền kinh tế đang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.
Việc đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi, động lực trong toàn xã hội. Trong đó, nhiều chỉ số kinh tế quan trọng đều tăng trưởng mạnh, lập kỷ lục như kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt qua cả dầu khí, gạo.
Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên nền kinh tế Việt Nam đạt quy mô 5 triệu tỷ đồng (tương đương 223 tỷ đô la Mỹ). Mức GDP bình quân trên đầu người đạt 2.385 đô la Mỹ, tăng thêm 170 đô la Mỹ so với năm 2016.
Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên hạng 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo Ngân hàng thế giới công bố, báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018, Việt Nam đã tăng 14 bậc.
Bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang theo chiều hướng tốt lên, cùng với đó, những nền tảng cho tăng trưởng kinh tế tiếp tục được phát huy trong thời gian qua, được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Từ những chỉ số trên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2018 và các năm tiếp theo kinh tế Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bứt phá và đạt những thành tựu lớn hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm — nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đánh giá: "Nội lực phát triển nền kinh tế Việt Nam đang tăng mạnh, tăng đều từ xuất khẩu, chế biến chế tạo, nông nghiệp đến đầu tư nước ngoài (FDI)…
Những chỉ số kinh tế đều tăng trưởng mạnh năm 2017 mới chỉ là những biểu hiện của sự phát triển nhưng sẽ là tiền đề phát triển kinh tế bền vững năm 2018 và các năm tiếp theo.
Năm qua nền kinh tế nước ta đã phát triển đều trên nhiều lĩnh vực như thị trường chứng khoán, hàng hóa, lao động, khoa học công nghệ đều phát triển rất khởi sắc. Có thể nói là phát triển trên tất cả các lĩnh vực đều tốt hơn, điều này rất đáng mừng".
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm chỉ ra: "Đặc biệt là những vấn đề trước đây chúng ta làm nhiều lần, nói nhiều lần nhưng làm chưa được hoặc làm chưa tới, kết quả không được như mong muốn.
Như vấn đề chống tham nhũng, trước đây nói rất nhiều nhưng làm chưa hiệu quả. Qua những vụ xử lý cán bộ tham nhũng, tham ô vừa vừa qua có thể thấy rõ. Qua đó, lấy lại được lòng tin trong nhân dân. Đặc biệt liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, xử lý cán bộ làm trong sạch nội bộ.
Bao trùm hơn nữa là lấy lại được lòng tin của nhân dân, những năm qua thực tế lòng tin người dân có giảm. Công cuộc chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định, kinh tế phát triển toàn diện được quốc tế đánh giá cao trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo…
Kinh tế phát triển mà nhân dân vẫn thiếu lòng tin thì cũng không ổn, nhưng thời gian gần đây niềm tin trong nhân dân tiếp tục được củng cố, đó là điều rất đáng mừng".
Cần phải tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại cán bộ
Ngoài những mặt tích cực, điểm sáng nền kinh tế xã hội năm qua, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cũng chỉ ra một số vấn đề, hạn chế còn tồn tại: "Sự chuyển động nhận thức và hành động toàn bộ máy chưa đều, còn lỗ hổng, trong đó chuyển động mạnh mẽ nhất mới ở cấp trung ương và lan sang một số tỉnh từ việc xây dựng đường lối, xây dựng luật pháp, nhận thức tư tưởng.
Nếu cứ như thế này mãi thì rất đáng lo bởi cấp trên chỉ đạo, đưa ra đường lối, chủ trương đúng đắn mà dưới thực hiện không đến nơi đến chốn, thiếu hiệu quả, thiếu quyết liệt. Như thế người dân sẽ càng mất dần niềm tin.
Vấn đề lớn hơn là công tác phòng chống tham nhũng, vừa qua chúng ta mới gợi lên được nhận thức, ý thức chứ chưa thành hành động, chưa thành sự tự giác toàn hệ thống.
Những cán bộ bị xử lý gần đây chủ yếu là những vụ án quy mô lớn, nhưng tình trạng tham nhũng vặt ở các địa phương vẫn còn, điều này gây tâm lý bức xúc cho người dân.
Thêm nữa, vấn đề năng suất lao động, trình độ khoa học công nghệ, kỹ thuật, sức cạnh tranh nền kinh tế Việt Nam so với khu vực và thế giới còn khá xa. Cho nên muốn thực hiện được kế hoạch đuổi kịp các nước cần phải có những bước đột phá".
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm phân tích: "Trước hết đột phá về bộ máy tổ chức con người, khoa học công nghệ, cách làm, phương pháp làm, kỷ cương kỷ luật. Nếu đẩy lên được sẽ tạo được cú hích, tạo đột phá phát triển nền kinh tế.
Bóng đá có huấn luyện viên tốt sẽ tập hợp được sức mạnh, tạo được chí khí chung nhìn về một mục tiêu của toàn đội. Đồng lòng theo một mục tiêu sẽ thành công, kinh tế cũng vậy làm được như thế sẽ phát triển.
Đúc kết từ bóng đá để nghĩ về kinh tế sẽ thấy khó khăn nào cũng vượt qua và bật lên được, chưa bao giờ cầu thủ Việt Nam đá bóng trên tuyết mà thi đấu ngang ngửa với các đội bóng hơn cả về kinh nghiệm, thành tích, thể lực… Đó là bài học kinh nghiệm cần rút ra và phấn đấu theo hướng đó".
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, từ việc nhỏ đó thôi đã chỉ ra kinh nghiệm, thực tiễn, công tác cán bộ rất quan trọng, lịch sử vẫn như thế, vẫn những con người đấy, nhưng người đứng đầu khơi dậy được, tập hợp được sẽ tạo thành sức mạnh và vượt qua tất cả.
Không chỉ bóng đá mà kinh tế cũng vậy, chưa làm đã đòi bớt xén, vơ vét thì làm sao người ta có động lực làm việc, phấn đấu, có kết quả, có phong trào.
Nhận định về tình hình kinh tế năm 2018, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm tin tưởng: "Kết quả năm 2017 sẽ kế thừa, tạo nền tảng cho năm 2018 và các năm tiếp theo. Doanh nghiệp cốt lõi của nền kinh tế đang trên đà phát triển, chuyển hướng, khởi sắc, kể cả số doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp đã hoạt động.
Tạo lên những vòng xoay mới, động lực mới cho nền kinh tế phát triển, tạo thế đứng của chúng ta vững chắc. Năm nay các ngành vươn lên được đang dẫn dắt nền kinh tế được xã hội coi trọng như xuất khẩu, nông nghiệp công nghệ cao… tạo động lực thực sự.
Sắp tới vọng Nghị quyết trung ương 6 về công tác cán bộ, bố trí lại cán bộ, sàng lọc để loại bỏ những cán bộ năng lực yếu kém, bố trí cán bộ có năng lực sẽ làm bật nền kinh tế đi lên.
Không gì bằng chí khí, sự đoàn kết, đặt mục tiêu chung và cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau sẽ tạo thành sức mạnh".
Nguồn: GDVN