Dư thừa cán bộ nhà nước: Vượt hơn 57.000 biên chế thì ‘tiền đâu chịu nổi’?

Năm 2017 phát hiện thừa biên chế 57.175 người trong khu vực nhà nước. Trong năm 2018 liệu có giải quyết dứt điểm số biên chế dôi dư này?
Sputnik

Sáng nay 12/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

"Đổi tình lấy biên chế": Chuyện thường ở Việt Nam?

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công.

Từ năm 2015 đến ngày 30/11/2017, cả nước thực hiện tinh giản biên chế 32.154 người, trong đó, các cơ quan của Đảng, đoàn thể là: 1.290 người; các cơ quan hành chính là: 3.842 người; các đơn vị sự nghiệp công lập là: 21.951 người; cán bộ, công chức cấp xã là: 5.287 người; doanh nghiệp nhà nước: 164 người.    

Tuy nhiên, công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập chưa theo kịp yêu cầu. Cơ cấu đội ngũ viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp. 

Bộ trưởng Tô Lâm nói về việc cắt giảm biên chế ngành Công an
Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo. Chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn. Kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm tỷ lệ trên 50% tổng kinh phí hoạt động của các đơn vị (khoảng 140.000 tỷ đồng), tăng 2,2% so với năm 2016. 

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2017 phát hiện thừa biên chế 57.175 người trong khu vực nhà nước. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính về công tác quản lý ngân sách nhà nước cũng phát hiện một số địa phương giao biên chế sự nghiệp giáo duc và đào tạo vượt định mức (An Giang vượt 99 người; Lâm Đồng vượt 63 người).

Tinh giản biên chế trong mắt Bộ trưởng Nội vụ
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, năm 2017 Kiểm toán Nhà nước phát hiện đơn vị sự nghiệp công lập có biên chế vượt rất lớn như trên thì "tiền đâu chịu nổi". Mặc dù chưa thể hoàn toàn khẳng định đây là lãng phí nhưng con số đưa ra như thế đã thể hiện thực hiện không đúng quy định, cần phải làm rõ có sai phạm hay không.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu, hiện có tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí cải cách tiền lương, gây ảnh hưởng và là không công bằng trong quản lý ngân sách nhà nước. Ông Giàu dẫn chứng, có tỉnh chi tới 293,8 tỷ đồng, sau khi phát hiện cần phải làm rõ có thu hồi hay không thu hồi để trả lai sự công bằng trong sử dụng tài sản công.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng cho rằng, cần cân nhắc khi đưa ra chỉ tiêu năm 2018 sẽ giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập cũng như giải quyết quyết dứt điểm trên 57.000 biên chế vượt của năm 2017. 

Ông Phan Thanh Bình cũng đề nghị cân nhắc khi thực hiện tinh giản biên chế trong lĩnh vực giáo dục. Bởi số lượng giáo viên phải tính trên số lượng học sinh chứ không thể tính cơ học là cứ hai người nghỉ hưu thì được tuyển một thầy cô như quy định. 

"Cán bộ ta không phải là nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo"
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018, sẽ thực hiện quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp; dừng việc giao bổ sung biên chế. 

Đặc biệt, chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao; giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao. 

Theo đó, năm 2018 sẽ giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015. 

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định

 Theo: TTXVN

Thảo luận