"Trong suốt cuộc đời của mình, ông là cha, là thầy, là đồng chí, là cố vấn. Còn bây giờ Người là một ngôi sao chỉ lối cho chúng ta tiến tới cuộc cách mạng xã hội."
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết như thế trên tờ báo Trung ương Xô Viết Pravda (Sự thật), vài ngày sau cái chết của vị lãnh tụ, người mà Bác Hồ chưa có dịp hội ngộ khi còn sống.
Ở Việt Nam, những lời này của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Lenin thời Liên Xô còn tồn tại có rất nhiều người biết. Nhưng hôm nay, số người biết đã ít đi nhiều. Và thậm chí còn hiếm hoi hơn những người biết rằng….
Lenin là một trong số ít các chính trị gia trên thế giới không có tự truyện. Trong kho lưu trữ, người ta tìm thấy duy nhất một mảnh giấy, trên đó, vị lãnh tụ của giai cấp vô sản thử cố gắng miêu tả câu chuyện cuộc đời mình, nhưng rồi hồi kết của bản tự thuật không còn được viết tiếp nữa.
Lenin lúc ấu thơ như thế nào?
Có những ký ức về Lenin của nhiều người khác nhau, quen biết ông trong từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Trên mạng Internet, bạn có thể tìm thấy, ví dụ như, có nhắc đến chuyện thời thơ ấu của Lenin. Ông từng là một cậu bé hoàn hảo — điều này được chứng minh rõ ràng từ những bức ảnh của Người. Cậu bé Vladimir bắt đầu tập đi khá muộn, ngã nhiều và thường xuyên té đập đầu — cha mẹ thậm chí còn sợ rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trí tuệ của con trai. Nhưng sau đó cậu bé trở nên nhanh nhẹn và vui vẻ, yêu thích những trò chơi náo nhiệt sôi động, và hay làm hỏng đồ chơi.
Lenin chọc giận thầy giáo như thế nào?
Volodya mang khát khao học hỏi kiến thức vô cùng lớn. Ông thông minh sáng dạ, dễ dàng học thuộc các bài khóa lớn, ngay lập tức thi đỗ vào trường trung học, đọc những bài diễn thuyết của các nhà hùng biện bằng tiếng Hy Lạp cổ. Kiến thức cứ thế ngấm vào máu thịt cậu bé mà không cần nhồi nhét — Chàng trai chỉ cần đọc lướt qua tài liệu và ngay lập tức đã ghi nhớ được thông tin. Khi còn niên thiếu, Volodya rất nóng tính. Chuyện xung đột của cậu với một giáo viên tiếng Pháp trong trường đã quá nổi tiếng. Ở quê hương, bên Pháp, ông thầy chỉ là một gã xà ích, còn ở Nga, ông ta đã lấy được "vợ hời", kết hôn với một nữ địa chủ và quyết định đi dạy ngôn ngữ ở trường trung học. Và khi người thầy ấy viết sai một từ trên bảng, Volodya đã ngay lập tức cười nhạo thầy ngay trong giờ học.
Ai tài trợ cho tuổi trẻ của Lenin?
Trước cách mạng, Lenin chẳng có gì để khoe khoang về sự sung túc tài chính. Ngược lại. Một nữ nhà văn, nhà báo và nhà sử học gốc Bỉ, Diane Ducret, đã viết trong cuốn sách "Những người phụ nữ của các nhà độc tài" rằng trước năm 24 tuổi, Lenin hành nghề luật gia tại St. Petersburg, nhưng ông có ít khách hàng đến nỗi tiền kiếm được còn chẳng đủ mua nuôi thân.
Vào thời điểm đó, trong những lá thư gửi mẹ, yêu cầu thường xuyên nhất của Lenin là: "Con đã chi hết số tiền dành dụm của mình rồi và giờ thì chẳng hy vọng còn có thể xoay sở ở đâu thêm nữa. Nếu được, mẹ gửi cho con thêm một trăm rúp nhé". Người mẹ không bao giờ từ chối, nếu con trai bà đã ngỏ lời xin tiền. Đối với Maria Alexandrovna, vị lãnh tụ tương lai của cuộc cách mạng luôn luôn chỉ là một đứa trẻ. Vì con, bà sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì. Nhưng điều này chẳng đáng ngạc nhiên, và là cội nguồn của một nỗi đau khác. Xét cho cùng, trong nhà không còn người đàn ông nào cả (cha và anh trai của Vladimir Ilyich đều đã bị sát hại).
Người có tới 148 bút danh
Lenin có tới 148 bí danh khác nhau. Phổ biến nhất là Tulin, Cụ già, diễn viên câm đóng vai phụ, Frey, Ilyin, Petrov, Meyer. Vào đầu thế kỷ 20, tác phẩm của Vladimir Ilyich ra đời dưới bút tự là Lenin. Gia đình mang họ Lenin ấy đã sống ở Petersburg. Vladimir Ulyanov đã quen thuộc với từng thành viên trong nhà.
Vào năm 1900, một thành viên trong gia đình lo ngại rằng các nhà chức trách sẽ từ chối cấp hộ chiếu xuất cảnh cho Ulyanov. Người này đã giao cho Vladimir hộ chiếu của người trụ cột gia đình đang ốm nặng và sửa đổi ngày sinh trong đó. Vào thời điểm đó, Vladimir Ilyich không cần hộ chiếu này. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng ông đã trao giấy tờ này cho chủ nhà in " Zarya (Rạng đông)" để đáp lại yêu cầu chứng minh rằng ông thực sự là Lenin. Có lẽ đây là tiền đề cho việc chọn bút danh Lenin sau này.
Lenin đối với việc hút thuốc như thế nào?
Lenin không hút thuốc. Tuy nhiên ông có từng thử qua. Ngay sau cách mạng, ông có nói với những người lính hồng quân, những người đang nhả những lọn khói thuốc:
"Tôi còn nhớ khi còn học trung học, có một lần tôi cùng đám bạn say thuốc lá, cảm giác thật tồi tệ".
Sau ông cũng từng có lần thử hút lại. Mẹ ông, lo lắng cho sức khỏe con trai, đã thúc giục ông bỏ thuốc. Viện hết lý lẽ về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, dường như chẳng tác động gì nhiều đến cậu con trai, mẹ ông đã phải cho ông hiểu rằng, tiền mua thuốc là khoản chi lãng phí, dù là từng đồng cắc nhỏ (khi đó cả gia đình ông sống nhờ lương hưu của mẹ, vì chàng trai vẫn chưa tự kiếm ra tiền). Đây là lý do tiên quyết khiến Volodya vĩnh viễn từ bỏ thuốc lá.
Lenin thích loại rượu nào?
Lenin không thích rượu lắm. Người bạn chiến đấu của ông là Valentinov từng viết:
"Ông không cho phép mình say bao giờ. Hình ảnh một người đồng chí ở Paris say xỉn đã gợi lên trong ông sự sợ hãi và ghê tởm".
Tuy nhiên Lenin thích bia. Ông đã say mê nó khi còn ở München. Nadezhda Krupskaya nhớ lại, rằng họ đã ở thành phố vài giờ đồng hồ, đến nhà hàng, thưởng thức một loại bia đặc biệt. Ilyich khen bia München với vẻ mặt của một người yêu và sành bia". Tuy nhiên Valentinov khẳng định, rằng ông không bao giờ thấy Lenin uống hơn 1 cốc bia.
Chuyện tình tay ba của Lenin
Vào thời điểm trước cách mạng, Lenin và vợ Nadezhda Krupskaya có đến thăm Paris, Lenin gọi đến một cô gái và cho biết đấy là tình nhân của mình, không hề giấu diếm vợ. Inessa Armand — người phụ nữ nhỏ hơn Lenin 4 tuổi, bất ngờ quyến rũ người anh hùng của chúng ta, trở thành tình yêu đam mê của nhà cách mạng. Krupskaya, người đã ở bên cạnh Lenin trong 3 năm lưu đày đến Siberi, giờ đây đành chấp nhận sống chung với tình nhân của chồng. Nhà sử học người Tây Ban Nha Inigo Bolinaga khẳng định trong cuốn "Lược sử cách mạng Nga" rằng Nadia biết rõ về mối quan hệ của Lenin với Inessa: "Armand là nhân tình của Lenin, và vợ ông biết điều này. Huyền thoại về lãnh tụ cách mạng cũng như vị anh hùng với những nguyên tắc đạo đức bất di bất dịch, người đã lập nên kỷ nguyên của chủ nghĩa Stalin, bị đánh đổ, nhường chỗ cho một con người với những dục vọng và sự yếu đuối".
Ai đã bắn Lenin?
Cho đến nay người ta vẫn không biết rõ, sau cách mạng, ai là người đã bắn Lenin. Nhưng những lời đồn đại về Fanny Kaplan, người bị kết tội đã ám sát Lenin, vẫn sống, và tin đồn vẫn mãi là tin đồn. Bản án trên giấy trắng mực đen về cuộc xử bắn Fanny Kaplan không thể được tìm thầy ở cả văn khố trung ương của KGB lẫn của Ủy ban Hành chính Trung ương toàn Nga. Tuy nhiên viên sĩ quan chỉ huy của điện Kremlin Malkov khẳng định, ông có trong tay kết luận về vụ này.
Nguyện ước chưa thành của Lenin không được Stalin thực hiện
Lenin luôn lo sợ việc bị bại liệt, mất khả năng làm việc. Khi cảm thấy cơn đột quỵ đến gần, ông cho gọi Stalin và yêu cầu, nếu ông bị bại liệt hãy giải thoát ông bằng liều thuốc độc. Nhưng Stalin đã không thực hiện di nguyện này.