Tình tiết mới, bất ngờ nhất vụ xử BS Hoàng Công Lương: "Bóc trần" bản chất của AAMI

Sự xuất hiện của thuật ngữ AAMI trong lời khai của bị cáo Bùi Mạnh Quốc có thể xem là điều mới nhất và bất ngờ nhất trong phiên xử chiều 15/5, vụ án thảm họa y tế ở Hòa Bình.
Sputnik

Lời khai của bị cáo Bùi Mạnh Quốc: Xuất hiện thuật ngữ AAMI

Tại tòa, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh — đơn vị bán và lắp đặt, thay thế vật liệu lọc RO số 2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) khai: Khi nhận gói thầu sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO cho chạy thận nhân tạo từ công ty Thiên Sơn, Quốc chưa ký hợp đồng với công ty này, mà chỉ được thông báo các nội dung cần làm.

Dựa vào đây, phía công ty Trâm Anh do Quốc làm đại diện đã đưa ra báo giá các thiết bị cần thay thế theo yêu cầu từ công ty Thiên Sơn.

Bị cáo Quốc cho biết, người này nắm được việc sau khi bảo dưỡng, thay thế thiết bị phải đảm bảo chất lượng nước căn cứ vào phiếu xét nghiệm AAMI. Nếu chưa có kết quả xét nghiệm thì không được phép chạy. Việc lấy mẫu xét nghiệm phải có sự chứng kiến của 3 bên: Bên bảo dưỡng, công ty Thiên Sơn và phòng vật tư Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình.

Vụ BS Hoàng Công Lương: Những tiết lộ "động trời"

Các bị cáo tại phiên tòa: Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh Quốc (từ trái sang)

Tại thời điểm trước ngày xảy ra sự cố, bị cáo đã sửa chữa xong hệ thống RO nhưng chưa bàn giao bằng giấy tờ, mà chỉ nói miệng với bị cáo Sơn. Quốc khai có nói với Sơn: "Anh đã thay thế và tiệt trùng hệ thống RO xong rồi. Sáng mai anh sẽ vào lấy mẫu nước (để mang đi xét nghiệm AAMI — pv)."

Cũng theo bị cáo Quốc, 7h30 sáng ngày 29/5/2017, bị cáo có đến Đơn nguyên Thận nhân tạo thì thấy máy RO đã chạy để phục vụ lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân rồi. Quốc có hỏi điều dưỡng Hằng sao không để lấy mẫu nước mang đi xét nghiệm rồi hãy chạy thì điều dưỡng Hằng nói không thấy ai bảo gì.

Quốc khai, điều dưỡng Hằng có nói để ca sau lấy mẫu nước mang đi xét nghiệm sau.

HĐXX hỏi: Tại sao bị cáo biết là phải lấy mẫu nước làm xét nghiệm trước khi đưa hệ thống RO vào sử dụng trở lại mà không can ngăn, yêu cầu người có trách nhiệm dừng chạy thận vì hệ thống RO chưa có kết quả xét nghiệm?

Trả lời, bị cáo Quốc cho biết vì nghĩ mình không có quyền ngăn cản, nhưng có nhắc nhở đại diện phòng vật tư BV Đa khoa Hoà Bình (cụ thể là nhắc Sơn) và công ty Thiên Sơn (cụ thể là nhắc giám đốc Đỗ Anh Tuấn) là chưa có kết quả xét nghiệm mà đã cho chạy thì nguy hiểm. Tuy nhiên, phía công ty Thiên Sơn có phản hồi lại là xét nghiệm mất 10 — 15 ngày thì bệnh nhân không biết chạy thận ở đâu.

Từ đó, bị cáo Quốc cho rằng, lỗi của mình là chủ quan, không quyết liệt nhắc nhở người có trách nhiệm về việc chạy thận khi chưa có kết quả xét nghiệm chất lượng nước RO, khiến cho tồn dư hoá chất còn đọng lại trong đường ống chạy vào cơ thể bệnh nhân gây ra cái chết của 8 người khi đang lọc máu chu kỳ. Bị cáo rất ân hận về lỗi này.

Vì sao bị cáo Bùi Mạnh Quốc nhắc đến tiêu chuẩn AAMI? Bản chất tiêu chuẩn này là gì, có bảo đảm an toàn cho bệnh nhân chạy thận không?

Sự xuất hiện của thuật ngữ AAMI trong lời khai của bị cáo Quốc có thể xem là điều mới nhất và bất ngờ nhất trong phiên xử chiều 15/5, bởi tất cả thông tin từ trước tới nay dư luận được biết chưa từng xuất hiện chi tiết này. Nó khiến cho các tình tiết vụ án trở nên phức tạp hơn rất nhiều và HĐXX sẽ phải đánh giá rất kỹ lưỡng để xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.

Vụ BS. Hoàng Công Lương: Cuối cùng liệu công lý có được thực thi?

Có thể hiểu qua lời khai của bị cáo Bùi Mạnh Quốc là: Lẽ ra phải có kết quả xét nghiệm nước theo tiêu chuẩn AAMI mới được tiếp tục chạy thận. Việc chưa có kết quả xét nghiệm mà đã chạy thận cho bệnh nhân không thuộc về trách nhiệm của bị cáo này. Cái sai của bị cáo này là khi thấy Đơn nguyên Thận nhân tạo đã đưa hệ thống RO vào sử dụng mà khi chưa lấy mẫu nước đem đi xét nghiệm, nhận thấy mức độ nguy hiểm nhưng không cảnh báo quyết liệt (dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra).

Vậy tiêu chuẩn AAMI là gì? AAMI có được dùng làm tiêu chuẩn đánh chất lượng nước RO hay không? Có liên quan đến lượng hóa chất lớn tồn dư khiến 8 người tử vong không?

Qua tìm hiểu tài liệu và từ những chuyên gia am hiểu về hệ thống RO cho chạy thận nhân tạo, chúng tôi đã có câu trả lời về vấn đề AAMI này.

Theo đó, AAMI là một hệ tiêu chuẩn nước an toàn dành cho hệ thống RO. Khi sản xuất nước RO đạt chuẩn AAMI thì mới đem vào sử dụng cho bệnh nhân. AAMI gồm 23 tiêu chuẩn, bao gồm các tiêu chuẩn về hoá lý và vi sinh (định lượng vi khuẩn và nội độc tố).

Đặc điểm của AAMI là tiêu chuẩn rất chặt, rất an toàn cho chạy thận, nhưng hạn chế là nếu làm thường xuyên thì rất tốn kém, nên một số quốc gia yêu cầu tiêu chuẩn hoá lý chỉ làm 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần, còn tiêu chuẩn vi sinh làm mỗi tháng 1 lần hoặc 3 tháng 1 lần, tuỳ theo điều kiện từng quốc gia.

Người ta sử dụng AAMI với 2 mục đích.

— Mục đích thứ nhất là đánh giá thiết kế hệ thống RO có đảm bảo sản xuất ra nước RO an toàn hay không.

— Mục đích thứ hai là sử dụng tiêu chuẩn AAMI để kiểm tra định kỳ, giám sát hoạt động của hệ thống RO để đảm bảo hệ thống được vận hành hiệu quả và phát hiện sớm các hiện tượng suy giảm chất lượng theo thiết kế ban đầu để tiến hành duy tu, bảo trì hoặc sửa chữa.

Để đảm bảo an toàn, các tiêu chuẩn của AAMI đều có 2 mức: Mức báo động và mức can thiệp.

Nên miễn trách nhiệm hình sự cho BS Hoàng Công Lương

Khi các tiêu chuẩn vượt mức báo động nhưng thấp hơn mức can thiệp thì các cơ sở sử dụng hệ thống RO cần có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng để đảm bảo hệ thống RO hoạt động hiệu quả như thiết kế ban đầu. Khi các tiêu chuẩn vượt ngưỡng can thiệp, thì hệ thống RO cần được dừng lại để sửa chữa khẩn cấp. Hầu hết các sửa chữa này có thể diễn ra trong vòng 1 ngày, sau đó hệ thống RO có thể đưa vào sử dụng ngay.

Trong khi đó, theo tiêu chuẩn AAMI, các chỉ số về vi sinh cần 5 — 7 ngày cấy cho vi khuẩn mọc, chính vì thế kết quả AAMI thường được trả sau 10 — 14 ngày. Nếu dừng hệ thống RO để đợi kết quả AAMI thì sẽ gây khó khăn cản trở cho đơn vị điều trị lọc máu trong quá trình điều trị các bệnh nhân suy thận.

Để khắc phục hiện tượng này các hệ thống RO chuẩn được thiết kế với các đặc điểm kỹ thuật giúp người sử dụng có thể duy tu, bảo trì, sửa chữa hệ thống RO một cách an toàn mà không ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho bệnh nhân suy thận ở bệnh viện.

Cụ thể, trước khi duy tu, bảo trì, sửa chữa, cần phải ngắt hệ thống RO khỏi hệ thống cung cấp nước cho bệnh nhân, chạy hệ thống để xả tồn dư hoá chất, khoá van nối hệ thống RO với tank/bồn chứa nước thành phẩm hoặc máy chạy thận (tức là không sử dụng nước RO cho bệnh nhân). Trong quá trình chạy xả bỏ nếu đảm bảo được về áp suất, độ đẫn điện, độ thải bỏ của màng đạt hiệu quả giống như trong khuyến cáo là 90 — 99% thì hệ thống RO được mặc nhiên là an toàn và có thể đưa vào sử dụng, sau khi đã kiểm tra hoá chất tồn dư.

Việc kiểm tra hoá chất tồn dư sau duy tu, bảo trì, sửa chữa là vô cùng quan trọng với nguyên tắc sử dụng hoá chất nào để tiệt trùng thì phải có que thử nhanh của hoá chất đó, thử đến khi nào không còn hoá chất tồn dư thì mới được nối vào với máy chạy thận nhân tạo để chạy an toàn. Tất cả những khâu này chỉ cần làm trong ngày, đảm bảo không có biến động trong quy trình điều trị bệnh nhân.

Với những phân tích trên đây có thể thấy, không ai sử dụng AAMI để làm tiêu chuẩn an toàn sau mỗi lần sửa chữa hệ thống RO vì rất tốn thời gian và làm đảo lộn kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.

Và cụ thể trong sự cố chạy thận vô cùng nghiêm trọng này, cái gây chết người không nằm ở chuyện AAMI như đã phân tích ở trên, mà nằm ở chính khâu sử dụng hóa chất tiệt trùng — như kết luận của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), thể hiện trong cáo trạng truy tố!

Nguồn: soha

Thảo luận