Khi xuống gần mặt đất, hệ thống phanh sử dụng động cơ phản lực, vứt bỏ các cáp treo, và chiếc BMD nhẹ nhàng chạm mặt đất, rồi ngay lập tức tiến phía trước để yểm trợ hỏa lực cho lính dù đi đằng sau. Những người lính cũng có thể nhảy lên xe bọc thép để thực hiện cuộc đột kích vào hậu phương địch.
Không một quân đội nào khác trên thế giới có thể lặp lại điều này. Những chi tiết trong bài viết của "Sputnik".
Đã hơn 40 năm nay Lực lượng đổ bộ đường không của Nga (VDV) sử dụng phương pháp thả dù xe bọc thép với kíp lái ngồi bên trong. Tuy nhiên, đây vẫn là một công việc đầy mạo hiểm và phức tạp, mỗi giai đoạn trong đó được mô tả chi tiết trong các hướng dẫn. Ngay cả những người lính dù giàu kinh nghiệm cũng phải trải qua khóa đào tạo đặc biệt. Tất cả các thành viên kíp lái đều tham gia công việc chuẩn bị chiếc xe chiến đấu cho việc "nhảy dù". Ngoài ra, bên ngoài xe, họ tập luyện trên những ghế chống rung đặc biệt, rất giống ghế ngồi với chiều cao nhất định của phi hành gia.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, sĩ quan binh chủng Nhảy dù Alexander Sherin, người từng tham gia các chiến dịch quân sự, cho biết: "Khi chiếc xe bọc thép với những trang bị vũ khí lên máy bay, các lính dù đang ngồi ghế, thắt dây đai an toàn và chờ đợi tín hiệu "đổ bộ". Một vài phút trước khi chiếc xe được thả dù, kíp lái phải trong tư thế "sẵn sàng" — thắt chặt dây đai an toàn, đầu và lưng nên được ép chặt vào ghế".
Các chuyên gia của lực lượng lính dù đã mất nhiều thời gian để tìm cách thả dù kỹ thuật quân sự. Vào đầu những năm 1970 đã thực hiện những đợt thả dù thiết bị không có người bên trong, sau đó, lính dù nhảy từ những máy bay khác. Tuy nhiên, kíp lái có thể hạ cánh ở khoảng cách 5 km, điều đó làm giảm hiệu quả và tăng tính dễ bị tổn thương của những người lính. Đại tướng Vasily Margelov — người chỉ huy huyền thoại của lực lượng nhảy dù — đã đặt ra nhiệm vụ làm giảm đáng kể thời gian đưa xe vào trại thái chiến đấu sau khi hạ cánh. Cách duy nhất để giải quyết nhiệm vụ này là thả dù xe chiến đấu với kíp lái ngồi bên trong.
Quá trình phát triển hệ thống dù đặc biệt mang tên "Kentavr" đã bắt đầu vào mùa hè năm 1971. Sau khi chiếc xe rời khỏi máy bay, năm mái vòm với diện tích 760 mét vuông được tự động mở ra — và chiếc BMD được gắn trên bệ phóng ở ngoài xe xuống đất. Để giảm tình trạng quá tải, trên các xe chiến đấu đã lắp đặt những chiếc ghế ngồi đặc biệt giống với phiên bản đơn giản ghế phi hành gia. Các cuộc thử nghiệm kỹ thuật với người nộm đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy quân sự vẫn cho rằng, rủi ro là quá lớn. Nếu hệ thống dù gặp trục trặc, mọi người bên trong xe chiến đấu đều không tránh khỏi chết. Vị tướng Margelov đã tỏ ý sẵn sàng ngồi bên trong xe BMD để chứng minh độ an toàn của hệ thống hạ cánh và để thuyết phục được Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Nguyên soái Andrei Grechko. Nhưng, ông không được phép làm điều này. Sau đó, người chỉ huy lực lượng nhảy dù đề nghị để con trai của ông… đóng vai trò "người thí nghiệm". Nói chính xác hơn, sĩ quan lực lượng nhảy dù Alexander Margelov đã tỏ ý sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm này một cách tự nguyện, và thuyết phục được cha mình rằng, làm theo cách này sẽ là tốt hơn.
Cuối năm 1972, Bộ Quốc phòng quyết định thử nghiệm hệ thống "Kentavr" với những người lính ngồi bên trong xe. Vào tháng Giêng năm 1973, chiếc xe BMD với kíp lái bên trong đã được lần đầu tiên thả dù từ máy bay AN-12 trên bãi thử của sư đoàn dù số 106. Anh hùng LB Nga Alexander Margelov hồi tưởng lại: ông và các đồng nghiệp của ông đã trải qua trạng thái không trọng lượng, đã cảm nhận thấy tải trọng khi hạ cánh. Nhưng mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp. Đáng tiếc, khi đó hệ thống "Kentavr" chưa thể được sử dụng trong điều kiện chiến đấu vì một số lý do kỹ thuật. Do đó, các nhà thiết kế bắt đầu phát triển một hệ thống phức tạp hơn — "Reaktavr". Các chuyên gia sử dụng một chiếc dù chỉ khoảng 540 mét vuông để chiếc xe chiến đấu rơi xuống đất nhanh chóng và trơn tru, hệ thống được lắp ráp và vận chuyển trực tiếp trên xe BMD. Tốc độ hạ cánh (25 mét/giây) giảm hẳn gần mặt đất nhờ động cơ phản lực bảo đảm hạ cánh mềm (gần giống như tàu vũ trụ).
Vào mùa đông năm 1976, hệ thống "Reaktavr" đã được thử nghiệm thành công tại bãi thử của Sư đoàn dù 76. Hệ thống được trang bị cho quân đội. Các chuyên gia tiếp tục phát triển dự án này. Đến cuối năm 1990, họ đã tạo ra tổ hợp PBS-950 "Bakhcha" có khả năng thả dù BMD-3 với kíp lái bên trong. Trong năm 2018, lực lượng nhảy dù sẽ nhận hệ thống mới — "Bakhcha-U-PDS" có khả năng thả dù xe chiến đấu bộ binh BMD-4M và xe bọc thép chở quân "Rakushka" với kíp lái bên trong.
Trong quân đội nước ngoài, hệ thống thả thiết bị quân sự cùng với kíp lái chưa được sử dụng. Các chuyên gia Pháp đã cố gắng lặp lại "cuộc thử nghiệm" của Liên Xô, khi đó một người phạm tội bị kết án tử hình đã đóng vai trò "người thí nghiệm". Họ đã nói, trong trường hợp thành công, anh ta sẽ được ân xá. Nhưng, cuộc thử nghiệm thất bại, phạm nhân đã chết.