+ Là người trúng cử liên tiếp 4 khóa làm ĐBQH, từ nghị trường Quốc hội, ông có suy nghĩ gì về vai trò của báo chí trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay?
— Báo chí là lợi khí của con người. Lợi khí trước hết trên cơ sở làm cho tiếng nói của mọi người đều được chia sẻ, đúng nghĩa là thông tin. Sự chia sẻ thông tin đó là nền tảng của dân chủ. Cho nên, báo chí có vai trò hết sức quan trọng, báo chí là diễn đàn ngôn luận.
Một xã hội mà báo chí phát triển sẽ tạo ra tính năng động. Cũng vì thế báo chí trở thành diễn trường, có xung đột, khác biệt và cạnh tranh. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để tất cả sự xung đột, cạnh tranh đương nhiên của đời sống tạo ra một vectors, định hướng tích cực thúc đẩy sự tiến bộ, dân chủ. Tôi nghĩ, đây là quan trọng nhất trong sự vận hành của báo chí.
Báo chí hiện đại được thừa hưởng lợi khí nhân lên gấp bội do công nghệ phát triển, hiệu ứng của báo chí hiện đại cũng tăng theo cấp số nhân. Song dù công nghệ gì đi nữa, yếu tố quan trọng vẫn là người làm báo. Tất nhiên, làm báo có rất nhiều công việc khác nhau, nhưng cuối cùng là thông tin phải mang lại lợi ích cho xã hội.
Nhìn vào báo chí hiện nay, tôi đánh giá rất cao. Riêng một lĩnh vực thôi, tất cả sự giám sát của xã hội hiện nay hiệu quả cao nhất chính là báo chí. Còn giám sát của cơ chế thì rất hạn chế. Theo trải nghiệm tôi thấy, sự khôn ngoan nhất của ĐBQH là phải biết khai thác, kết nối, hợp tác với báo chí.
+ Từ lý do nào ông lại nghĩ sự khôn ngoan nhất của ĐBQH là phải biết kết nối, hợp tác với báo chí?
— Kiểm điểm từ bản thân, tôi thấy mình có ưu trội nào đó thì chính là vì biết chia sẻ, khai thác báo chí từ kỹ năng, đến những yếu tố rất quan trọng tạo ra dư luận.
Nguyên lý của báo chí là phải gần dân, không gần dân không làm báo được. Nhà văn, nhà thơ lên núi viết văn, viết thơ được, nhưng nhà báo là phải bám lấy dân, lắng nghe ý kiến người dân hoặc truyền đạt thông tin tới người dân. Chính đó là ưu trội mà không phải mấy ai cũng có được, kể cả những người như ĐBQH.
Nhân dân là tai mắt của sự giám sát thì báo chí là kênh truyền tải điều đó. Quan trọng còn lại là năng lực, chất lượng của báo chí có truyền tải trung thực hay không. Chúng ta phải thừa nhận rằng, vũ khí sắc bén đó có thể sử dụng vào mục tiêu tiêu cực cũng như mục tiêu tích cực như chống tham nhũng, tiêu cực… Nên điều đó đòi hỏi rất cao về vai trò của con người, của tổ chức báo chí.
Tỷ lệ vụ tham nhũng được phát hiện do báo chí cao
+ Với vũ khí sắc bén của mình, các cơ quan báo chí, nhà báo đã dấn thân vào cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực… Ông nghĩ gì về điều này?
— Đến bây giờ, ai cũng phải thừa nhận điều này. Hiện chưa có ai ngồi tính toán xem bao nhiêu % những vụ tham nhũng được phát hiện là do báo chí nhưng tôi tin rằng con số cao.
Đó là chưa kể sau sự phát hiện ấy, báo chí còn làm nhân lên rất nhiều các yếu tố. Ngoài cung cấp thông tin, quan trọng nhất là làm cho xã hội tạo ra hệ thống dư luận xã hội, tôi cho điều đó rất quan trọng. Dư luận xã hội là yếu tố không thời đại nào không phải quan tâm.
Chính vì thấy sự lợi hại ấy, nên mỗi người cũng nhìn nhận báo chí theo lợi ích của mình, theo góc nhìn của mình, nói cho cùng là lợi ích của mình. Cho nên, có những cái họ hưởng ứng, cộng tác với báo chí, có những cái họ e ngại báo chí, đó là chuyện tự nhiên.
Tôi nghĩ, cơ quan báo chí, nhà báo phải có đủ bản lĩnh, sử dụng quyền được lập pháp để đấu tranh đòi thực hiện quyền của mình. Và, đương nhiên, báo chí cũng không được lạm quyền.
+ Bên cạnh những mặt tích cực, có ý kiến cho rằng, vẫn có những hạn chế như tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải các thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thậm chí vòi vĩnh, ăn tiền, đánh hội đồng doanh nghiệp?
— Đó là sự thực, thời nào cũng có, thậm chí người ta còn gọi báo chí là "kền kền", lập thành từng nhóm đi… khủng bố. Để hạn chế điều này thì phải quản lý, từng cơ quan báo chí phải quản lý người của mình, xã hội phải quản lý báo chí theo pháp luật. Người dân cũng phải giám sát báo chí.
Mỗi người làm báo phải tự xác định trách nhiệm của mình. Quan trọng nhất, cộng đồng báo chí phải tự quản lý mình bằng các cam kết, trong đó có đạo lý, đạo đức và nghiệp vụ.
Tất nhiên chúng ta cũng đừng lý tưởng hóa, coi cái gì cũng tốt đẹp cả, phải có cả quá trình và nó thay đổi liên tục. Nói chung, phải sòng phẳng khi đánh giá về báo chí, ở đâu, lĩnh vực nào cũng có người xấu, người tốt, có người lạm quyền, có người thực hiện đúng quyền của mình.
Nguồn: thanhtra