Chiều 11/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, bắt đầu từ chiều 22/10 Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông của ông Trương Minh Tuấn.
Sau đó ngày 23 sẽ tiến hành các bước để phê chuẩn người kế nhiệm ông Trương Minh Tuấn và kết quả phê chuẩn được công bố vào sáng hôm sau.
Vì nhân sự Bộ trưởng mới không phải đại biểu Quốc hội và có khi đại biểu chưa biết nên theo Chủ tịch Quốc hội thì cần bố trí thời gian để bộ trưởng phát biểu trong vài phút để ra mắt Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến kỳ họp thứ sau sẽ khai mạc vào ngày 22/10 và bế mạc vào 20/11/2018.
Về chương trình thì sẽ rút nội 3 nội dung, trong đó dự án Luật Đơn vị hành chính — kinh tế đặc biệt được rút để tiếp tục hoàn thiện.
Về cách thức tiến hành kỳ họp, ông Phúc đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu một số cải tiến về cách thức tiến hành kỳ họp như: giảm thời gian trình bày văn bản tại hội trường (tiến tới không trình bày); giảm thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội từ 7 phút xuống 5 phút; truyền hình trực tiếp phiên thảo luận tổ về một số nội dung để nâng cao hiệu quả phiên họp này,…
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ băn khoăn có cần thiết truyền hình trực tiếp một số nội dung thảo luận tổ không, vì rất nhiều tổ cùng thảo luận.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng nên tập trung cải tiến để đảm bảo chất lượng thay vì như lâu nay chỉ cải tiến về thời gian. Tôi tham gia Quốc hội từ khoá 10, thời gian phát biểu là 20 phút, sau đó 10 phút rồi 7phút nay lại định 5 phút. Đại biểu tâm tư là phát biểu cần có đầu có đuôi, 7 phút là hợp lý, bà Nga góp ý.
Kỳ họp này, hoạt động chất vấn cũng có khác, không bố trí để Thủ tướng trả lời chất vấn riêng một buổi và chốt danh sách các bộ trưởng trả lời chất vấn mà sau khi nghe các báo cáo về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu chất vấn vị nào thì vị đó đăng đàn trả lời.
Ngoài xem xét thông qua 9 dự án luật, cho ý kiến 6 dự án khác, Quốc hội còn xem xét các báo cáo đánh giá về: kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 — 2020: phát triển kinh tế — xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế — xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Các báo cáo đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và các công trình trọng điểm quốc gia; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng nằm trong nội dung kỳ họp.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo chương trình dự kiến sẽ diễn ra từ chiều 24/10 và công bố kết quả đầu giờ sáng hôm sau.