Một thời hưng thịnh của "kinh đô thịt chó"
Mới đây, Hà Nội đề xuất hạn chế người dân ăn thịt chó, tiến tới năm 2021, nhiều quận nội thành Hà Nội sẽ cấm hẳn việc buôn bán, kinh doanh các mặt hàng thịt chó. Thông tin này hẳn sẽ khiến nhiều thực khách sành ăn… buồn nhẹ, bởi lẽ, thịt chó vốn là món ăn lâu đời và được rất nhiều người ưa chuộng.
Nhắc đến món thịt chó ở Thủ đô, chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên được "thịt chó Nhật Tân". Khoảng 20-30 năm về trước, Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) được mệnh danh là "kinh đô thịt chó" với khoảng 50 nhà hàng mọc lên san sát nhau. Cứ mỗi buổi chiều, thực khách từ khắp nơi đổ về tấp nập ăn nhậu suốt ngày đêm.
Thế nhưng, giữa lúc công việc kinh doanh đang vào guồng, nguồn tiền thu về nhiều như nước thì những quán thịt chó ở Nhật Tân đóng cửa hàng loạt. Để đến giờ đây, thương hiệu "thịt chó Nhật Tân" đã lùi vào dĩ vãng.
Những ngày giữa tháng 9/2018, chúng tôi tìm về làng Nhật Tân để tìm lại ký ức về "kinh đô thịt chó" một thời này. Dọc theo con đê sông Hồng, "kinh đô thịt chó" ngày nào nay nhà cửa, hàng quán mọc lên la liệt, nhưng dù đã để ý rất kỹ, chúng tôi vẫn không thể tìm thấy một biển hiệu quán thịt chó nào.
"Hiện ở đây chỉ còn một quán Anh Tú Béo kinh doanh thịt chó, còn lại những quán khác đã đóng cửa hàng chục năm nay. Những chủ quán cũ hoặc đã chết, hoặc theo con cháu đi nơi khác làm ăn…", ông Cường chia sẻ.
Ai là "ông tổ" khai sinh ra phố chó Nhật Tân nức tiếng?
"Ông tổ" thực sự khai sinh ra phố thịt chó Nhật Tân là ai, có lẽ đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Người nói đó là quán Trần Mục, người lại nói là quán A Trang…
Theo đó, anh Tú vốn làm nghề bốc vác cho cửa hàng lương thực. Đời phu khuân vác cực nhọc trong khi đồng lương ít ỏi, chưa ráo mồ hôi đã cạn tiền. Làm được vài năm, anh quyết định bỏ nghề, về nhà mở quán thịt chó gia truyền.
Đó là năm 1991, vùng đất ngoài đê sông Hồng còn hoang vu, dân cư thưa thớt, cỏ lau ngút ngàn. Anh Tú dựng một mái lều tranh ven đê, viết nguệch ngoạc tên mình lên trên cái mẹt làm biển hiệu, cắm triền đê. Mỗi ngày, ông chủ quán thịt chó Anh Tú chỉ dám mơ bán được vài ký, kiếm đủ tiền nuôi vợ con. Ai dè, chừng nửa năm, khách đến nhà hàng đông nườm nượp.
Người ta đồn rằng, dồi chó và mắm tôm Anh Tú là số 1. Dồi của Anh Tú thơm, vị đậm, ngon, chắc và giòn. Nhai đến đâu, vị ngọt ngọt, bùi bùi lan tỏa tới đó. Dồi nóng chấm mắm tôm ngon càng thêm phần đậm đà, ấn tượng.
Nhiều thực khách sành ăn thì bảo:
"Cày tơ bảy món Anh Tú, món nào chẳng ngon". Chứng cớ là vài chục con chó thịt ra, ngày nào cũng hết veo.
Tay nghề anh Tú quá siêu, nhất là quy trình tẩm ướp khiến món nào nổi vị món ấy. Món chả chín nục, giòn thơm. Món dựa mận ngọt, mềm, khi dùng đũa gắp tiết đọng thành tơ như níu miếng thịt nằm lại dưới bát.
Vài năm sau, từ mái lều gianh chật hẹp, quán thịt chó Anh Tú nâng cấp thành khu nhà sàn 2 tầng rộng vài trăm mét vuông. Mỗi ngày, quán đón hàng ngàn thực khách. Anh Tú phải thuê tới 30 nhân viên, làm việc quần quật từ tờ mờ sáng đến tận khuya.
Và thế là, như nấm mọc sau mưa, hàng loạt quán thịt chó khác mọc lên san sát dọc triền đê như Trần Mục, Hồ Kiếm, A Trang, Anh Vinh, Anh Kiên… Trên đoạn đường dài chừng 1km mà có khoảng trên dưới 50 quán thịt chó, biến phố Nhật Tân trở thành "kinh đô thịt chó".
"Kinh đô thịt chó" biến mất khi đang thịnh vượng nhất
Nhiều người băn khoăn tự hỏi: Tại sao "kinh đô thịt chó" lại đột nhiên đóng cửa như vậy? Vì mất khách ư? Không! Quán nào cũng đông nườm nượp cơ mà. Vì kinh doanh thua lỗ ư? Càng không. Kinh doanh thịt chó rất lãi, một vốn bốn lời. Bằng chứng là chủ quán nào cũng rất giàu. Vậy thì tại sao?
Nhiều người bắt đầu đồn đoán và thêu dệt lên những câu chuyện mang đầy tính tâm linh. Họ cho rằng, chó là con vật gần gũi với loài người và nó cũng có linh hồn giống con người. Vì vậy, thần chó đã quay lại báo oán đối với những chủ nhà hàng ở Nhật Tân.
Những gia đình kinh doanh quán thịt chó ở Nhật Tân, người bị tai nạn, nặng thì tử vong, nhẹ thì gãy chân, gãy tay. Người thì bị bệnh tật hành hạ cho khổ sở, không thì gia đình, vợ chồng cũng lục đục. Con cái nghiện ngập, lô đề, cờ bạc…
"Làm gì có chuyện đó. Những câu chuyện đó nó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên và do người dân thêu dệt lên".
Theo ông Cường, nguyên nhân khiến phố thịt chó ở Nhật Tân biến mất chính là do Hà Nội xén đê khiến các quán bị mất địa điểm làm ăn, không còn chỗ để xe. Và hơn nữa, giá đất cao nên người dân bán đất rồi chọn nghề khác an nhàn hơn, lại đỡ phải sát sinh.
Ông Tú — chủ quán thịt chó Anh Tú Béo còn lại duy nhất ở Nhật Tân cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến phố thịt chó biến mất, tuy nhiên, do mất địa điểm làm ăn đẹp cộng với giá đất cao nên người dân bán đất là chủ yếu.
Ngoài ra, khi xã hội phát triển, thịt chó được bán tràn lan, thịt chó Nhật Tân không còn độc quyền. Hơn nữa, năm 2001, Hà Nội rộ lên tin đồn trong thịt chó có vi khuẩn tả. Báo, đài đưa tin suốt ngày về vi khuẩn chết người này nên số lượng người ăn thịt chó cũng giảm hẳn, việc kinh doanh ế ẩm dẫn đến các cửa hàng thịt chó đóng cửa.