Trước đó, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda xác nhận rằng, đất nước của ông đã sẵn sàng chi 2 tỷ USD để triển khai thường xuyên căn cứ quân sự Mỹ tại nước này.
"Tuyên bố này của ông Duda không phải là tin mới. Phát triển chính sách chống Nga gần đây đã trở thành truyền thống của Ba Lan. Điều này gần như đã là chuẩn mực. Chuyện người Ba Lan đồng ý trả tiền để Mỹ đặt căn cứ quân sự là một quá trình bình thường về mặt chính sách của Mỹ. Đội ngũ binh lính Mỹ, mặc dù là trên cơ sở tạm thời, đã có mặt trên lãnh thổ Ba Lan và Rumani, nơi có hệ thống phòng thủ tên lửa", ông Podberezkin nói với Sputnik.
Theo chuyên gia, sự cân bằng lực lượng ở châu Âu từ lâu đã thay đổi theo chiều thế có lợi cho NATO. Ngay cả những quốc gia được coi là trung lập như Thụy Điển, Phần Lan cũng đã ký kết thỏa thuận với NATO, ông nói thêm.
"Vì vậy, cán cân quyền lực thay đổi đáng kể theo chiều hướng có lợi cho Tây Âu. Trong trường hợp này, lính Mỹ đã từ lâu có mặt ở đây, mặc dù không mang tính chất thường xuyên. Nếu căn cứ quân sự của Mỹ được đặt trên cơ sở lâu dài thì điều này sẽ có nghĩa rằng người Mỹ có thể giữ vũ khí hạng nặng tại căn cứ. Để vận chuyển một sư đoàn khoảng 300 xe tăng cần nhiều thời gian. Nếu mang xe tăng tới đây và xếp vào kho, thì chỉ mất vài giờ là có thể đưa đơn vị này vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Như vậy, người Mỹ sẽ di chuyển tới các vùng trung tâm của chúng ta", — người đối thoại của hãng tin cho biết.
Ông không loại trừ rằng bước tiếp theo của Hoa Kỳ trong một vài năm tới có thể là việc triển khai một căn cứ quân sự gần Kharkov.