Vụ mỹ phẩm Mumuso "dắt mũi" hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang là bài học sâu sắc cho những ai đã quá dễ dàng tin tưởng vào một thương hiệu mà không cần có sự kiểm chứng. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, sự việc liên quan đến mỹ phẩm Mumuso cho thấy, doanh nghiệp quá coi thường người tiêu dùng.
Việc viết tắt "KR" ở ngoài bao bì cũng dễ gây hiểu nhầm đối với khách hàng trong việc thẩm định, đánh giá nguồn gốc của sản phẩm. Phát âm Mumuso cũng giống tiếng Hàn. Đây là dấu hiệu càng cho thấy sự lợi dụng về thương hiệu đối với mỹ phẩm Hàn Quốc.
Lập lờ về thương hiệu, xuất xứ nguồn gốc sản phẩm khiến hàng triệu người tiêu dùng nhầm tưởng Mumuso là một thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc. Cho đến khi bị phát hiện và thanh tra, theo kết luận từ Bộ Công Thương, Mumuso Việt Nam đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng, quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa nhằm cạnh tranh không lành mạnh..
Phân tích về vấn đề, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh so sánh với những quy định về luật sở hữu trí tuệ tại Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
"Tại Hiệp định CPTPP, luật sở hữu trí tuệ, thương hiệu quy định rất chi tiết, trong đó bao gồm các yếu tố về màu sắc, chữ viết, hình dáng, hình vẽ, mùi vị,… Nếu như Việt Nam thông qua Hiệp định CPTPP, chúng ta có luật mới về sở hữu trí tuệ thì việc bác bỏ thương hiệu Mumuso tại Việt Nam sẽ được nhanh chóng thực hiện. Còn hiện nay, luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa nghiêm ngặt, chưa chi tiết nên Bộ Công Thương chưa có căn cứ để vận dụng một cách nghiêm khắc đối với những sai phạm của thương hiệu Mumuso", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.
"Việc Mumuso nhập khẩu, quảng cáo cung cấp, tàng trữ và trưng bày sản phẩm, mỹ phẩm với kiểu dáng thiết kế tương tự gây nhầm lẫn với kiểu dáng thiết kế bao bì của các sản phẩm mỹ phẩm chính hãng Hàn Quốc là vi phạm nghiêm trọng về luật sở hữu trí tuệ", chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Tháng 5/2018, người tiêu dùng Việt Nam dấy lên những tranh cãi về việc thương hiệu Mumuso là của Hàn Quốc hay Trung Quốc. Nhiều người cho rằng, thương hiệu này đang "mượn mác" Hàn Quốc để đánh vào tâm lý ưa chuộng đồ Hàn của người Việt.
Chuỗi cửa hàng Mumuso mới thâm nhập thị trường Việt Nam khoảng hơn 1 năm nay. Mặc dù là thương hiệu khá mới mẻ nhưng Mumuso đã nhanh chóng phát triển tại hai thành phố lớn nhất là TPHCM và Hà Nội với 27 cửa hàng. Mumuso luôn tự hào là thương hiệu Hàn Quốc chất lượng.
Trước phản ánh của báo chí, Bộ Công Thương đã vào cuộc thanh tra về sự việc. Ngày 13/7, Bộ Công Thương đã phát đi thông báo về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam.
Báo cáo kết quả kiểm tra cho thấy, về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa: Công ty kinh doanh 2273 loại hàng hóa, trong đó, 2257/2273 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.
Theo Bộ Công Thương, Mumuso Việt Nam đã có dấu hiệu vi phạm một loạt các quy định. Cụ thể như việc vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.